Ông Phạm Nhật Vượng góp mặt trong danh sách anh hùng thiện nguyện
Danh sách 15 nhà từ thiện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 của Forbes có sự góp mặt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Việt Nam nhờ những đóng góp của ông trong việc cung cấp thiết bị bảo hộ, trao tặng học bổng giáo dục và chương trình chăm sóc y tế cho cộng đồng nghèo khó.
Một số khoản đóng góp lớn nhất trong năm nay đều xuất phát từ đại dịch Covid-19. Một vài nhà thiện nguyện đã góp tiền xây dựng bệnh viện, cung cấp thiết bị bảo hộ hoặc tài trợ cho nghiên cứu y tế.
Thế nhưng, cứu trợ trong đại dịch Covid-19 không phải là tâm điểm duy nhất trong năm nay. Bên cạnh cứu trợ Covid-19, các tỷ phú còn tặng học bổng giáo dục, chương trình chăm sóc sức khỏe cho quốc gia của họ, như ông Phạm Nhật Vượng.
Ông Phạm Nhật Vượng đã thành lập Quỹ Thiện Tâm trong năm 2006 và quỹ này đã quyên góp 77 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay. Lượng tiền này phần lớn được gửi đến những người nghèo ở Việt Nam và có bao gồm học bổng cho những trẻ em kém may mắn và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho những ai không có điều kiện. Quỹ Thiện Tâm cũng xây nhà, trung tâm sức khỏe, thư viện và cơ sở hạ tầng cho cộng đồng có thu nhập thấp và cứu trợ thiên tai.
Chưa hết, Vingroup – công ty dưới sự lãnh đạo của ông Vượng – đã chi ra 55 triệu USD để hỗ trợ trong đại dịch Covid-19, như cung cấp máy thở và các thiết bị khác cho các tổ chức y tế. Hiện tại Tập đoàn đang tập trung vào lĩnh vực bất động sản, sản xuất xe hơi và công nghệ.
Trong khi đó, một số cái tên đáng chú ý khác trong danh sách là ông Lý Gia thành (Hồng Kông), ông Tadashi Yanai (Nhật Bản) và bà Lee Su Young (Hàn Quốc).
Ông Lý Gia Thành đã quyên góp 250 HKD (tương đương 32 triệu USD) thông qua quỹ của riêng ông, bao gồm 100 triệu HKD gửi tới cộng đồng tại Vũ Hán – điểm khởi phát dịch bệnh Covid-19.
Nhà lãnh đạo Fast Retailing Tadashi Yanai quyên góp 11.2 tỷ Yên (105 triệu USD) cho hai trường đại học ở Nhật Bản, phần lớn sẽ được dùng để tạo điều kiện nghiên cứu và phát triển vắc-xin ngừa Covid-19.
Còn bà Lee Su Young, nhà kinh doanh bất động sản tại Hàn Quốc, đóng góp bất động sản ở Seoul (trị giá 57 triệu USD) cho Viện Khoa học và Công nghệ Tân tiến Hàn Quốc, là khoản đóng góp lớn nhất mà trường đại học này từng nhận.
Danh sách của năm 2020 (không xếp theo thứ hạng) bao gồm những doanh nhân đã cống hiến cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không bao gồm khoản quyên góp từ các công ty của các ông trùm giàu có nhất châu Á (trừ khi được chi ra từ một công ty tư nhân mà người đó nắm giữ đa số cổ phần). Cũng như những năm trước danh sách của Forbes không bao gồm những nhà gây quỹ hoặc người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận, mặc dù họ đóng vai trò quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận