Ông chủ sữa Kun không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2022
Năm 2022, Sữa Quốc tế báo lãi 810 tỷ đồng sau thuế, giảm nhẹ so với năm ngoái. Kết quả trên không thể giúp công ty cán đích kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm.
Theo báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Sữa Quốc Tế (HoSE: IDP) - chủ thương hiệu sữa Kun, quý IV/2022 doanh thu thuần của công ty đạt 1.672 tỷ đồng tăng 37%. Mặc dù trong quý ghi nhận biên độ tăng của giá vốn bán hàng ở mức 53%, nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn cao hơn 19% so với cùng kỳ.
Đi cùng với xu hướng tăng của giá vốn hàng bán, các khoản chi phí của Sữa Quốc tế cũng ghi nhận phát sinh cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng tăng vượt bậc hơn 146% lên 478 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Sữa Quốc tế là 166 tỷ đồng giảm 41% so với quý IV/2021.
Luỹ kế năm 2022, công ty ghi nhận 6.086 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 27%. Sau thuế, công ty báo lãi 810 tỷ đồng giảm nhẹ so với năm 2021.
Năm 2022, công ty thuộc ngành sữa này đặt ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 452 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù vượt kế hoạch doanh thu nhưng công ty vẫn không thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đã đề ra năm 2022.
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022 tổng tài sản của công ty đạt 3.834 tỷ đồng tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, tiền, tương đương với tiền, tiền gửi ngân hàng đạt 1.298 tỷ đồng, chiếm 34% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho ở mức 390 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022, tăng 14% so với đầu năm, phần lớn là nguyên vật liệu, thành phẩm.
Cuối năm 2022, tài sản xây dựng dở dang dài hạn của Sữa Quốc tế cũng tăng 355 tỷ đồng so với đầu năm lên 372 tỷ đồng. Trong năm, IDP có kế hoạch đầu tư cho dự án CTCP Sữa Quốc Tế - Chi nhánh Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng.
Về nợ phải trả, tại ngày 31/12/2022, IDP có tổng nợ phải trả ở mức 2.027 tỷ đồng, chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 1.978 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 743 tỷ đồng, cao hơn so với đầu năm 37%.
Vốn chủ sở hữu của IDP ghi nhận gần 1.807 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 12/2022, trong đó bao gồm 937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, cuối năm 2022 công ty ghi nhận sự thay đổi về sở hữu khi công ty Cổ phần Gold Field International thoái toàn bộ vốn thông qua giảm sở hữu từ 5,6% xuống chỉ còn 0%.
Cùng ngày với giao dịch của Gold Field International, Công ty Cổ phần Blue Point cũng thực hiện giao dịch bán ra 2,5 triệu cổ phiếu nhằm giảm tỉ lệ nắm giữ. Sau khi thực hiện giao dịch, Blue Point đã giảm sở hữu tại Sữa Quốc tế từ 58,53% xuống còn 54,28%.
Như vậy, hiện Sữa Quốc tế còn 3 cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Blue Point sở hữu gần 32 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 54,28%); Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt sở hữu 8,8 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 15%) và bà Đặng Phạm Minh Loan - Tổng Giám đốc sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ 5%).
Tại một diễn biến khác, theo báo cáo ngành nông nghiệp 2023, các chuyên gia VNDirect kỳ vọng giá bột sữa sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5% so với năm 2022 khi Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero-Covid và sản lượng bột sữa toàn cầu năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng giá nguyên liệu thấp hơn sẽ bù đắp cho mức ảnh hưởng từ biến động tỷ giá đến biên lợi nhuận gộp trong 2023. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang vay ngắn hạn chủ yếu bằng đồng USD tại ngân hàng với lãi suất thả nổi, chiếm 98% tổng nợ vay ngắn hạn. Do đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể trong giai đoạn 2022-2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận