Ông chủ hệ sinh thái Apec Nguyễn Đỗ Lăng: Những điều ít biết
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group nhận được sự chú ý lớn từ thị trường sau màn hô hào cổ đông Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS), nơi ông giữ vai trò Tổng Giám đốc, "gồng lãi" tại ĐHĐCĐ diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021 (EGM 2021).
Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Chủ tịch Apec Group - từng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhờ bộ ba cổ phiếu APS, API và IDJ.
Tại thời điểm đó, cổ phiếu APS lúc ấy đang "làm mưa làm gió" trên thị trường với chuỗi tăng phi mã. Từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng hồi đầu năm, mã này tăng vọt lên mức 49.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 16/11, tương đương mức tăng 12 lần trong chưa đầy 1 năm.
Sóng của cổ phiếu APS diễn ra trong thời điểm nhiều cổ phiếu trong hệ sinh thái Apec cũng đang nổi sóng trên thị trường. Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.
Quàng chiếc khăn màu tím - màu đặc trưng của dòng cổ phiếu APEC khi ấy - ông Lăng và các đồng sự giơ cao cánh tay, cùng kéo các cổ đông hô to "Apec quyết tâm gồng lãi".
Tuy nhiên, sau đó không lâu, cổ phiếu APS và các cổ phiếu dòng APEC rơi sâu, theo đà giảm chung của thị trường. Không ít cổ đông nghe lời "gồng lãi" đã phải trả giá.
Clip hô hào gồng lãi tại EGM 2021 của APS được viral mạnh mẽ trở lại, kèm theo nhiều bình luận trái chiều.
Con đường sự nghiệp của ông Nguyễn Đỗ Lăng
Sinh năm 1974 tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Đỗ Lăng tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý).
Năm 1998, ở tuổi 24, ông Lăng đã là Giám đốc điều hành Công ty Prometeo - Italia. Sau đó, ông Lăng có 6 năm đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường - CIC từ năm 2000-2006.
Từ năm 2006 - 6/2020, ông Lăng giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: APS), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (Mã CK: IDJ), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Mã CK: API).
Từ tháng 6/2020 đến nay, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API.
Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Cotana (Mã CK: CSC).
Dù không trực tiếp đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại các doanh nghiệp nêu trên, song Chủ tịch Apec Group Nguyễn Đỗ Lăng vẫn cho thấy tầm ảnh hưởng đáng kể ở APS, API và IDJ.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, ông Lăng là cổ đông lớn nhất nắm 18,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn điều lệ công ty chứng khoán này.
Ông Lăng cũng nắm giữ hơn 16,4 triệu cổ phiếu API, chiếm 19,6% vốn điều lệ. Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng - đứng tên 8,2 triệu cổ phiếu API, tương đương 9,82% vốn điều lệ.
Ở IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng cùng vợ và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm cũng sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,35% vốn điều lệ. Trong khi đó, nhóm Apec Group (bao gồm APS, Apec Group và CTCP Đầu tư Apec Holdings) sở hữu 40,4 triệu cổ phiếu IDJ, tương đương 23,3% vốn điều lệ.
Năm 2021 là năm "đại thắng" của APS, API và IDJ khi bộ ba cổ phiếu này ghi nhận mức tăng lên tới cả chục lần, giúp ông Lăng lọt top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản trị giá hơn 1.000 tỉ đồng.
Trước đó, VietTimes từng đề cập, Apec Group được thành lập vào cuối tháng 11/2017 nhằm mục đích thiết lập một khối các doanh nghiệp thông qua sở hữu cổ phần. Tập đoàn này hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như đầu tư tài chính, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khai thác và vận hành dịch vụ khách sạn… song lĩnh vực chính vẫn là phát triển bất động sản.
Theo đó, Apec Group là chủ sở hữu hàng loạt dự án lớn như: Apec Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái (quy mô 16ha; tổng mức đầu tư dự kiến 1.500 tỉ đồng); Khu đô thị Apec Royal Park Huế (34,7ha; 10.000 tỉ đồng); Apec Aqua Park Bắc Giang (8.927 m2; 1.600 tỉ đồng); Apec Mandala Wyndham Mũi Né (4,5ha; 2.000 tỉ đồng); Apec Diamond Park Lạng Sơn (55.432m2; 1.580 tỉ đồng); Khu công nghiệp Apec Đa hội tại Từ Sơn, Bắc Ninh (34,5ha; 1.200 tỉ đồng); Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Thái Nguyên (170ha; 2.000 tỉ đồng).
Thông qua IDJ, tập đoàn này còn đang triển khai dự án Tổ hợp khách sạn, khu thương mại, căn hộ du lịch Dubai Towers tại đường Yên Ninh, TP Phan Rang, Tháp Chàm, Ninh Thuận với quy mô 2,2ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng.
Apec còn từng có dự định hướng tới một công ty khác vốn lên đến 10.000 tỷ đồng
Tại cuộc Toạ đàm “Đại cách mạng nhà ở xã hội giải quyết 10 triệu căn nhà ở xã hội 5 sao cho 40 triệu người Việt Nam” diễn ra trong ngày 19/11/2021, ông Nguyễn Đỗ Lăng chia sẻ đề án của Tập đoàn APEC.
Theo đó, Apec Group sẽ có cuộc cách mạng về nhà ở xã hội. Tập đoàn phấn đấu trong 10 năm tới sẽ hoàn thành khoảng 10 triệu căn hộ nhà ở xã hội 5 sao.
Để thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn Apec tuyên bố thành lập Tổng Công ty đầu tư và Phát triển nhà ở xã hội 5 sao Việt Nam. Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp mới này sẽ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Đây là con số vô cùng táo bạo và lớn vượt trội so với quy mô cả hệ sinh thái Apec ở thời điểm hiện tại.
API bắt đầu với số vốn hơn 22 tỷ đồng. Tới ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu API tăng lên 842 tỷ đồng, tổng tài sản 2.399 tỷ đồng. Còn tại APS, IDJ, các chỉ số này là 1.410 tỷ đồng, 1.613 tỷ đồng và 988 tỷ đồng, 3.456 tỷ đồng.
10.000 tỷ đồng là con số quá lớn với hệ sinh thái Apec. Vì vậy, Apec có thể sẽ huy động một phần vốn từ các tổ chức như ngân hàng, định chế tài chính trong và ngoài nước.
Apec đề xuất Hà Nội, TP. HCM cần tạo quỹ đất 3.000 - 5.000 ha cho NƠXH với mỗi dự án từ 50 - 300ha. Các tỉnh thành khác cần tạo quỹ đất khoảng 10.000 ha đến 20.000 ha. Ngoài ra, Apec mong muốn hệ thống ngân hàng có chính sách riêng cho các dự án nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận