Nước Đức hắt hơi, Việt Nam có thuốc cảm cúm
Nước Đức đang hắt hơi, sổ mũi, kinh tế tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp mới chỉ là bề nổi, thực chất ngành công nghiệp từng được coi là xương sống của nền kinh tế Đức, là niềm tự hào của người Đức vốn đã trì trệ trong nhiều năm khi gặp suy thoái tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cú đấm bồi về giá năng lượng tăng cao đã khiến cho nền công nghiệp Đức suy yếu và mất dần sức cạnh tranh.
NIỀM TỰ HÀO CỦA NƯỚC ĐỨC SUY NHƯỢC
Những năm gần đây, người ta mới chợt nhận ra rằng phân khúc công nghiệp quan trọng nhất, từ hóa chất, ô tô đến máy móc của nước Đức đều bắt nguồn từ các công nghệ của thế kỷ 19, nhiều sản phẩm trong số đó đã trở nên lỗi thời (động cơ đốt trong) hoặc đơn giản là quá đắt để sản xuất ở Đức.
Về kim loại, tháng 3 vừa rồi, Uedesheimer Rheinwerk, công ty sở hữu nhà máy luyện nhôm lớn nhất của Đức, cho biết họ sẽ đóng cửa nhà máy vào cuối năm nay do chi phí năng lượng cao.
Về năng lượng tái tạo, nước Đức đã đi tiên phong trong công nghệ tấm pin mặt trời hiện đại để trở thành nhà sản xuất pin mặt trời lớn nhất thế giới vào đầu những năm 2000. Thế nhưng giờ đây pin mặt trời của Trung Quốc tràn ngập thị trường với các lựa chọn thay thế giá rẻ, các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Đức đã sụp đổ.
Về hoá chất, BASF, tập đoàn hóa chất khổng lồ, lớn nhất thế giới, trụ cột trong hoạt động kinh doanh của Đức trong hơn 150 năm, là nền tảng cho sự phát triển công nghiệp của Đức giúp biến “Made in Germany” trở thành niềm ghen tị của thế giới, năm 2022 đã lỗ 130 triệu euro tại Đức, tháng 2/2023 đã thông báo đóng cửa một loạt nhà máy, trong đó có nhà máy phân bón Ludwigshafen, dẫn đến khoảng 2.600 người bị mất việc làm. Và khi nhận thấy “Khả năng sinh lời không còn ở gần nơi đáng lẽ phải có.”, BASF quyết định đầu tư 10 tỷ USD (một dự án hoá chất lớn nhất thế giới) vào Trung Quốc.
Về ô tô, nước Đức vốn tự hào với những chiếc xe Porsche, Mercedes, BMW, Volkswagen sang trọng, tiện nghi và tốt nhất thế giới, giờ đây đã chậm chân trong lĩnh vực xe ô tô điện, trong top 15 hãng xe ô tô điện đứng đầu thế giới về số xe bán ra năm 2022, Volkswagen chỉ đứng thứ 4, BMW đứng thứ 11, Mercedes và Porsche còn không có tên.
Trong lĩnh vực sản xuất, nước Đức chỉ còn mỗi hãng phần mềm SAP là đáng tự hào, trong giới tài chính thì Deutsche Bank đang hắt hơi, Wirecard thì bê bối, còn trong lĩnh vực công nghệ thì “về cơ bản là không tồn tại”, về trí tuệ nhân tạo AI, trong số 100 bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất năm 2022, Đức chỉ có 4, trong khi Mỹ là 68, Trung Quốc là 27. Marcel Fratzscher, người đứng đầu viện kinh tế DIW của Đức cho biết: “Đức không có gì để cung cấp trong bất kỳ lĩnh vực định hướng tương lai quan trọng nhất nào. “Những gì tồn tại là ngành công nghiệp cũ.”
Kết quả là GDP bình quân đầu người năm 2023 của nước Đức khômg cao hơn năm 2017, đồng nghĩa rằng trong khi các quốc gia khác tiến lên thì nước Đức đã dậm châm tại chỗ 6 năm rồi.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI
Ngoài suy thoái kinh tế thế giới sau đại dịch, giá năng lượng tăng cao, thì sự già hoá dân số, thiếu hụt lực lượng lao động và sự trì trệ của cả cơ quan công quyền lẫn giới doanh nghiệp công nghiệp cũng như sự thiếu động lực làm việc của giới trẻ Đức là những nguyên nhân quan trọng nhất. Nước Đức đang thiếu nhiều kỹ sư, nhà khoa học và công nhân có tay nghề cao (số lao động đang cần tuyển dụng khoảng 800.000), sự thiếu hụt nguồn lực càng ngày càng trở nên trầm trọng khi mà trong vòng 15 năm tới, khoảng 30% lực lượng lao động của Đức sẽ đến tuổi nghỉ hưu.
Nhận thấy rằng công thức tạo nên cường quốc công nghiệp của Đức là lực lượng lao động có tay nghề cao và các công ty đổi mới được cung cấp bởi năng lượng giá rẻ - đã không còn nữa, trong nhiều năm qua chính phủ Đức đã tìm cách bổ sung lực lượng lao động bằng cách nhập cư hàng trăm nghìn người tỵ nạn mỗi năm, thế nhưng chương trình này có vẻ đang thất bại, bởi những lao động tị nạn hầu hết đều không có tay nghề, không những thế họ vừa thiếu ngoại ngữ, vừa khó hoà nhập lại còn còn bị người gốc Đức tẩy chay (theo khảo sát 50% người Đức kỳ thị những người theo đạo hồi).
VIỆT NAM LÀ THUỐC CHỮA
Chính vì thế mà tôi cho rằng Việt Nam chúng ta chính là một trong những thuốc cảm cúm tốt nhất cho nước Đức, dù chúng ta ở cách nước Đức trên 10.000 km, bởi chúng ta là đất nước có gần 100 triệu dân, có lực lượng lao động trẻ, vừa có động lực cao vừa chăm chỉ, có khả năng tiếp thu công nghệ mới, dễ hoà nhập và thích nghi hơn các nước Trung Đông và Bắc Phi, lại có cộng đồng người Việt đông đảo đang sinh sống và làm việc tại Đức.
Trong lĩnh vực IT, hiện tại các doanh nghiệp Đức đang dùng chủ yếu nguồn lực Đức, Poland, Czech, Slovakia, Hungary, Romania vả India, nhưng sau cuộc chiến tranh bất ngờ không lường trước giữa 2 nước từng là anh em, chính phủ Đức khuyến nghị và các doanh nghiệp Đức đang đi tìm kiếm một địa chỉ mới và thế là Việt Nam chúng ta trở thành ứng viên số 1.
Chuyến thăm Việt Nam và FPT của bà Lenka Prevuznakova COO tập đoàn E.ON, tập đoàn năng lượng lớn nhất Châu Âu (trụ sở tại Đức) đầu tháng 8 vừa qua cùng với việc mở nhà máy của E.ON tại Việt Nam là minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định trên.
Vấn đề của Việt Nam chúng ta là phải nhanh chóng chớp lấy cơ hội quý giá này, tập trung vào việc đào tạo nghề theo chuẩn Đức và EU, sao cho lao động vừa giỏi chuyên môn, vừa biết tiếng Đức, vừa hiểu văn hoá Đức, tất nhiên sẽ có những công việc lao động onshore tại Đức và EU, có những công việc có thể kết hợp onshore lẫn online tại Việt Nam, có những công việc có thể hoàn toàn online tại Việt Nam.
(Viết trên chuyến bay Hà Nội - Frankfurt)
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường