Nóng tuần qua: Sắp tới sẽ có sàn giao dịch mua bán nợ và tài sản cho mọi thành phần kinh tế
VAMC sẽ phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn Giao dịch nợ, mua bán nợ và tài sản cho mọi thành phần kinh tế trước năm 2026.
Sàn giao dịch nợ sẽ hoạt động trước 2026
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển VAMC thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ và có đủ năng lực, nguồn lực thực hiện mua, bán, xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.
Theo quyết định của NHNN, giai đoạn 2019-2020, VAMC dự kiến tổng nợ xấu mua lũy kế hết năm 2020 đạt tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, số mua nợ xấu theo giá trị thị trường đạt tối thiểu 12.000-13.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Từ năm 2019, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3%.
Việt Nam chi gần 18.000 tỷ đồng phòng chống dịch Covid-19
Bộ Tài chính thông tin tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện tháng 11 ước đạt 108.940 tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng năm 2020 ước đạt 1,26 triệu tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính cho biết đến nay, NSNN đã chi khoảng 17.900 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân sách trung ương đã sử dụng hơn 4.540 tỷ đồng dự phòng để chi khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt và dịch tả lợn châu Phi (trong đó hỗ trợ 9 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả bão, lũ và 11 tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả mưa đá, dông lốc, lũ quét, sạt lở đất tổng số tiền 1.630 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp gần 32.950 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Việt Nam và Anh chuẩn bị kết thúc đàm phán FTA
Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA) vừa được kí kết tại Hà Nội.
Bộ Công Thương khẳng định FTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực vào ngày 1/8 vừa qua sẽ không còn áp dụng đối với Anh sau ngày 31/12/2020. Đồng thời, cả hai bên đều mong muốn hoàn tất sớm thoả thuận này nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19. Các điều khoản của UKFTA 2020 phần lớn sẽ giống với FTA Việt Nam - EU, nghĩa là hai nước không cần phải tiến hành một thập kỷ đàm phán.
Không chỉ vậy, việc ký kết FTA giữa Việt Nam - Vương Quốc Anh sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với các nước đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar. Đồng thời, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp và thu hút khách du lịch Anh sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Khai thác đường băng mới tại Tân Sơn Nhất ngày 31/12
Tổng công ty Cửu Long cho biết dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành các hạng mục chính, đang tập trung triển khai thi công các hạng mục hoàn thiện như sơn đường, hệ thống thiết bị, biển báo.
Công tác bay hiệu chuẩn dự kiến thực hiện từ ngày 15-20/12. Nhà thầu dự kiến bàn giao khai thác đường băng bước một cho cảng hàng không Tân Sơn Nhất vào ngày 31/12.
Việc đưa vào khai thác trở lại đường băng 25R/07L sau thời gian sửa chữa, nâng cấp là điều kiện giúp cảng hàng không Tân Sơn Nhất nâng cao công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách vào dịp cao điểm Tết Âm lịch 2021.
TP.HCM sẽ có gói vay hơn 4 nghìn tỷ đồng với lãi suất 0%
Một trong những trọng tâm của TP.HCM thời gian tới là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trên toàn TP bị tác động nặng nề sau dịch.
Sau gói hỗ trợ lần đầu tiên, TP.HCM đang dự kiến chuẩn bị hơn 4.000 tỷ đồng triển khai gói hỗ trợ tín dụng lãi suất 0%. Đối tượng được hỗ trợ sẽ là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, dệt may, giày da, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm.
Song song với việc hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn, TP.HCM cũng xác định phải quyết liệt trong công tác cải thiện môi trường đầu tư. Theo ông Phong, vốn đầu tư công thời gian qua đang được đẩy mạnh để kích thích tổng cầu nhưng chỉ chiếm hơn 13% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Do đó, TP phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để tận dụng được hơn 90% vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài.
Chủ tịch TP.HCM dẫn số liệu cho biết từ đầu năm đến nay TP.HCM cấp phép cho khoảng 1.300 dự án FDI nhưng quy mô bình quân mỗi dự án chỉ đạt 540.000 USD. Theo ông, đây là con số quá nhỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận