menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thị Phương Huế

Nóng tuần qua: Chủ tịch DN có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chậm trả gần 5.500 tỷ nợ là ai?

Nữ Chủ tịch sinh năm 1993 còn đứng tên loạt công ty khác.

DN có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chậm trả gần 5.500 tỷ nợ trái phiếu

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây công bố thông tin cho biết Công ty cổ phần Bông Sen, một doanh nghiệp nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của đại gia Trương Mỹ Lan đang chậm trả 4.800 tỷ nợ gốc và gần 670 tỷ lãi trái phiếu. Lý do mà Bông Sen đưa ra là do “tài khoản bị phong tỏa”.

Ở lần thay đổi thông tin doanh nghiệp mới nhất vào tháng 11/2022, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Bông Sen đã chuyển từ bà Đinh Thị Ngọc Thanh sinh năm 1974 sang bà Vũ Thị Hồng Hạnh, sinh năm 1993. Với cuộc chuyển giao này, bà Hạnh ngồi vào ghế chủ tịch của doanh nghiệp nghìn tỷ khi chưa đầy 30 tuổi.

Nóng tuần qua: Chủ tịch DN có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chậm trả gần 5.500 tỷ nợ là ai?

Khách sạn Palace Saigon là một trong những tài sản thuộc Công ty cổ phần Bông Sen do bà Vũ Thị Hồng Hạnh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị

Ngoài ra bà Vũ Thị Hồng Hạnh còn đại diện pháp luật của một loạt doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Modern Horizon; Công ty TNHH Hoa Tuyết Trắng; Công ty cổ phần Lumiform; Công ty cổ phần Future Horizon; Công ty cổ phần Green Horizon; Công ty TNHH Radiance; Công ty TNHH C-space; Công ty cổ phần Vietnam Marina Holdings Group; Công ty cổ phần đầu tư Vạn Thông và Công ty cổ phần Peridot.

Theo công bố, lô trái phiếu của Công ty cổ phần Bông Sen được phát hành từ tháng 10/2021 dưới thời cựu Chủ tịch Đinh Thị Ngọc Thanh do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Tổng giá trị dư nợ là 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5% một năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Ban đầu lô này có kỳ hạn 5 năm, nhưng về sau kỳ thanh toán gốc dời lại thành cuối tháng 6 năm nay.

Chủ tịch Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, công ty đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của cơ quan chức năng về khả năng dính líu đến vụ án sai phạm của Vạn Thịnh Phát. Trước mắt, doanh nghiệp này đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra, Bông Sen còn phải chuyển tiền vào tài khoản chỉ định theo yêu cầu của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả của vụ án.

Loạt ngân hàng liên tục hạ lãi tiết kiệm, lãi cao nhất còn bao nhiêu?

Tính đến ngày 11/10, đã có 17 ngân hàng thông báo giảm lãi suất tiết kiệm trong tháng 10, đưa mức lãi tiết kiệm cao nhất giảm đáng kể so với những tháng đầu năm 2023.

Toàn bộ nhóm 4 ngân hàng quốc doanh là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống mức thấp lịch sử, thấp hơn cả giai đoạn Covid-19. Cụ thể, nhóm Big4 đã từng niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,5%/năm suốt giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022.

Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 10 đến nay đã có 17 ngân hàng công bố giảm lãi tiết kiệm gồm Agribank, BIDV, VietinBank, HDBank, BaoViet Bank, Techcombank, SeABank, Viet A Bank, PG Bank, VietBank, Dong A Bank, Vietcombank, LPBank, Nam A Bank, CBBank, ACB và Bac A Bank.

Với việc nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm trong tháng 10, mức lãi 7%/năm cũng đã vắng bóng khỏi biểu lãi tiết kiệm của các nhà băng (không tính lãi tiết kiệm dành cho khách hàng VIP hoặc gửi tiết kiệm với số tiền lớn).

Theo khảo sát, mức lãi tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 3 tháng hiện là 4,75%/năm đang được các ngân hàng như Kiên Long Bank, VIB, SCB, Bảo Việt Bank, Bắc Á Bank và NCB áp dụng.

Theo các chuyên gia tài chính, lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh hệ thống ngân hàng "thừa tiền" vì tăng trưởng tín dụng ảm đạm. Rất có thể trong những ngày tới sẽ có thêm những ngân hàng điều chỉnh giảm lãi tiết kiệm để hỗ trợ khách hàng vay vốn kinh doanh ở thời điểm hiện nay.

Vingroup giải thể một công ty con

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa đóng cửa Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ Vantix để tái cấu trúc. Vantix từng tung ra thiết bị đeo tay vBand - tương tự như đồng hồ thông minh, đã được Vinpearl Condotel Đà Nẵng đưa vào sử dụng cho nhân viên thu dọn phòng, giúp tăng 25% năng suất lao động.

Nóng tuần qua: Chủ tịch DN có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chậm trả gần 5.500 tỷ nợ là ai?

Tập đoàn Vingroup sở hữu 100% vốn tại Vantix.

Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ Vantix có trụ sở tại khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Công ty thành lập từ tháng 2/2019, do bà Nguyễn Mai Hoa làm người đại diện theo pháp luật.

Tập đoàn Vingroup sở hữu 100% vốn tại Vantix. Ngành nghề kinh doanh chính của Vantix là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính.

Cụ thể, Vantix triển khai công nghệ chuyên môn hóa về mảng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu. Vantix cũng tập trung triển khai các ý tưởng và giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp.

Ngày 19/5/2020, Vantix công bố giải pháp VinHR được kỳ vọng có khả năng nâng cao 25% năng suất lao động phổ thông, cung cấp giải pháp tối ưu hóa năng suất lao động thông qua thiết bị IoT cá nhân và trí tuệ nhân tạo AI.

Tại thời điểm ngày 30/6, Tập đoàn Vingroup có 106 công ty con (tính luôn cả Vantix).

Saigon Glory chậm thanh toán lô trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng

Theo dữ liệu của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2020, Công ty TNHH Saigon Glory phát hành 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 10.000 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu này gồm phần vốn góp tại công ty TNHH Saigon Glory; công trình trên đất hình thành trong tương lai là Tháp A - cấu phần khách sạn, văn phòng hình thành trên ô đất dự án. Công ty Saigon Glory cam kết lãi trái phiếu trả 3 tháng một lần, nợ gốc có thể được mua lại trước hạn hoặc thanh toán vào ngày đáo hạn của trái phiếu.

Ngày 29/8, Chứng khoán Tân Việt ra thông báo số 1600, cho biết công ty: "Không nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Tổ chức phát hành Công ty Saigon Glory để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho trái chủ". Do vậy, tài sản đảm bảo trái phiếu sẽ được xử lý.

Phía Ngân hàng Techcombank là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo đã có văn bản yêu cầu Công ty Saigon Glory bàn giao hồ sơ chi tiết các tài liệu, văn bản để phục vụ việc xử lý tài sản bảo đảm vào ngày 20/9.

Sau đó, Saigon Glory có văn bản khẳng định sẽ phối hợp cung cấp và bàn giao theo đúng quy định tại hợp đồng bảo đảm và điều kiện phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng danh mục hồ sơ, tài liệu của tài sản bảo đảm cơ bản đã bàn giao cho ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp nên giờ "chỉ bàn giao bổ sung hồ sơ dự án".

Cũng theo văn bản của Saigon Glory, The Spirit of Saigon là dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, hồ sơ kỹ thuật xây dựng rất nhiều và được lưu trữ ở nhiều đơn vị khác nhau. Do vậy cần thời gian thu thập, sắp xếp, thống kê đầy đủ theo yêu cầu của đơn vị quản lý tài sản bảo đảm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

45.40

(0.00%)

Biểu đồ mã VIC
9 Yêu thích
17 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại