Nông sản Việt trước sức ép thích ứng yêu cầu thị trường
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp đang gặp khó. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải có thị trường tiêu thụ nội địa, chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu.
Bến Tre có thế mạnh về cây ăn trái với diện tích hơn 26.000 ha, sản lượng hàng năm trên 300.000 tấn, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường một số nước châu Âu, Trung Quốc…góp phần nâng giá trị sản phẩm nông sản địa phương.
Tuy nhiên với các yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp, đòi hỏi Bến Tre phải có các giải pháp thích ứng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre - Huỳnh Quang Đức cho biết, cũng giống như nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây ăn trái đặc sản, tập trung chủ yếu ở các vùng ngọt (Chợ Lách, Châu Thành) và một phần các huyện vùng lợ, với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng, chất lượng cao như bưởi da xanh, măng cụt, nhãn…Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng 301.760 tấn cây ăn trái các loại, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Huỳnh Quang Đức thông tin, qua nắm tình hình các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trên địa bàn tỉnh, việc bán trái cây qua biên giới không bị ảnh hưởng nhiều. Riêng có mặt hàng bưởi da xanh của cơ sở Hương Miền Tây bị ùn ứ tại cửa khẩu, không tiêu thụ được.
Sở dĩ nông sản của tỉnh Bến Tre không bị ảnh hưởng nhiều là do thời gian qua, tỉnh đã tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Do vậy, tỉnh có được vùng hàng hóa và vùng nguyên liệu cao cấp (dừa hữu cơ) nên việc mở rộng xuất khẩu sang những thị trường khó tính thuận lợi.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, sản lượng trái cây của tỉnh không lớn, do các loại sầu riêng, chôm chôm đang vào mùa nghịch. Mặt khác, các cơ sở kinh doanh, hợp tác xã của tỉnh có các kênh tiêu thụ trong nước nên an tâm về đầu ra.
Ông Huỳnh Quang Đức phân tích thêm, nếu như cách đây khoảng 5 năm, dừa là mặt hàng được xuất qua Trung Quốc nhiều nhất và lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường này. Tuy nhiên, hiện nay dừa của Bến Tre không còn xuất sang thị trường này mà chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách), Công ty TNHH Green Powers đã cấp đông sầu riêng để xuất bán sang châu Âu.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, khi địa phương chuyển trạng thái phòng, chống COVID-19 sang giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, giá bán các loại trái cây được cải thiện, tăng khá so với thời gian giãn cách xã hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh cho hay, hiện cây ăn trái của địa phương đã phục hồi sau hạn mặn năm 2020, nên sản lượng khá cao.
Đến thời điểm này, sản lượng cây ăn trái của huyện đạt hơn 110.000 tấn các loại, tăng 4% nếu so với năm ngoái. Về tiêu thụ, nếu như trong thời điểm tập trung phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn, giá cả có xuống thấp, thì hiện nay thị trường đã trở lại bình thường.
Tuy không có nhiều loại nông sản bị ảnh hưởng trong việc tiêu thụ, nhưng đặc sản bưởi da xanh Bến Tre là một trong số ít trái cây đang gặp khó trong việc xuất khẩu.
Ông Đàm Văn Hưng, Giám đốc Cơ sở xuất khẩu bưởi da xanh Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) chia sẻ, vừa qua cơ sở bị “kẹt” tại cửa khẩu Lạng Sơn 8 container bưởi da xanh. Đến nay, mới thông quan được 4 container sang Trung Quốc.
Theo ông Đàm Văn Hưng, hiện Trung Quốc siết chặt việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện cơ sở còn tồn đọng khoảng 200 tấn bưởi da xanh chưa tiêu thụ được.
Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là thị trường các nước Trung Đông, Ấn Độ. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp đang gặp khó. Vì vậy, ông Đàm Văn Hưng cho rằng, vấn đề quan trọng là phải có thị trường tiêu thụ nội địa, chứ không chỉ dựa vào xuất khẩu.
Đáng chú ý, do tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn khiến giá một số mặt hàng nông sản của tỉnh như bưởi da xanh, mít thái, dừa khô nguyên liệu… sụt giảm và việc tiêu thụ của nhà vườn cũng không được thuận lợi.
Cụ thể, hiện giá bưởi da xanh chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg, giảm 50% so với trước dịch COVID-19; dừa khô 60.000-70.000 đồng/chục (12 trái), giảm khoảng 40.000 đồng/chục so với cách đây 2 tháng...
Linh hoạt thay đổi
Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre-Nguyễn Văn Bé Sáu cho hay, trước tình hình trên, Sở Công Thương Bến Tre khuyến cáo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cần cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình xuất nhập khẩu tại Lạng Sơn nói riêng và các cửa khẩu khác trên cả nước nói chung.
Từ đó, có kế hoạch thu hoạch, thu mua, ký hợp đồng mua bán, vận chuyển lên cửa khẩu nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong thông quan, hạn chế được thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích ứng với thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch lên chính ngạch (có ký kết hợp đồng, có giao kèo kèm điều kiện thanh toán, thời điểm giao hàng, điều kiện quản lý chất lượng...) để phát triển bền vững.
Ngoài ra, Sở Công Thương Bến Tre sẽ liên tục cập nhật thông tin về tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, cập nhật thông tin về thị trường lên website của Sở để chuyển tải kịp thời đến doanh nghiệp.
Đồng thời, chủ động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... để chủ động trong sản xuất, thu hoạch, mua bán.
Song song đó, Sở Công Thương Bến Tre sẽ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 20 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu nông sản, tập trung ở các sản phẩm dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn…
Tuy nhiên, hàng nông sản của tỉnh hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu, cũng như sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và đặc biệt là xuất khẩu dưới dạng tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Ngoài ra, việc sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng còn mang tính thời vụ. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu lại chưa có thương hiệu, sức cạnh tranh thấp.
Hệ thống cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoạt động xúc tiến chưa thực sự đem lại kết quả, kim ngạch xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng kim ngạch của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung bứt phá nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã trong việc xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, có truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp.
Qua đó, hướng đến mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức đánh giá, việc xây dựng chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao giá trị cây ăn trái của địa phương. Điều này giúp cho trái cây của tỉnh không bị phụ thuộc vào một thị trường mà có thể đa dạng được thị trường xuất khẩu.
Đến nay, tỉnh Bến Tre đã hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu với trên 100 tổ hợp tác, 58 hợp tác xã tham gia.
Cụ thể, chuỗi giá trị dừa đã hình thành 47 tổ hợp tác, 27 hợp tác xã, với tổng diện tích liên kết hơn 12.684 ha, đạt 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh; chuỗi giá trị bưởi da xanh có 32 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã bưởi da xanh thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp với diện tích khoảng 330 ha.
Ông Võ Văn Nam, Chi Cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre cho biết, địa phương đang làm hồ sơ cấp mã số vùng trồng và cơ sở chế biến cho trái sầu riêng xuất khẩu theo chính ngạch.
Đến nay, Bến Tre có hơn 15.182 ha cây ăn trái, thủy sản và dừa được công nhận GAP và hữu cơ. Ngành chức năng tỉnh đã cấp 23 mã vùng trồng cây nhãn, chôm chôm, xoài, bưởi da xanh và 31 mã cơ sở đóng gói; trong đó, có 2 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận