menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Văn Khánh

Nỗi niềm của COMECO trong năm “càng bán càng lỗ”

“Năm 2022, chúng ta bán sản lượng cao thì số lỗ càng lớn. Đó là điều dị thường mà chỉ có những người trong ngành mới hiểu hết được. Có ai nghĩ chúng ta càng bán thì chúng ta càng khóc không. Cứ mỗi lít xăng dầu bán tại Tp.HCM có lúc lỗ gần 2,000 đồng/lít, nhưng vẫn không thể đóng cửa được”.

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Lê Văn Nghĩa tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của CTCP Vật tư Xăng Dầu (COMECO, HOSE: COM) diễn ra vào sáng ngày 14/04.

"Năm càng bán càng khóc"

Nhìn lại, ban lãnh đạo COMECO đánh giá 2022 là năm khó khăn nhất trong hơn 2 thập kỷ qua do hai yếu tố nguồn cung từ doanh nghiệp đầu mối và chiết khấu thấp.

"Phải nói đây là 1 năm dị thường. Có những lúc hệ thống phân phối bán lẻ chiết khấu bằng 0, thậm chí âm", ông Nghĩa cho biết. Nếu chiết khấu bằng 0, COMECO đang phải bù lỗ hai khoản chi phí tối thiểu: Chi phí vận chuyển và chi phí tối thiểu để hoạt động.

"Ngoài ra, chúng ta là loại hình kinh doanh có giấy phép. Nếu cửa hàng hàng xăng dầu đóng cửa thì sẽ bị rút giấy phép, đặc biệt là trong bối cảnh tại TP.HCM", ông Nghĩa nói.

"COMECO cùng với Petrolimex, PVOIL đều có vốn Nhà nước. Không ai dám đóng cửa, cũng không ai dám rút ngắn thời gian bán hàng của mình, trong khi các cửa hàng tư nhân thì có thể. Chúng ta bán sản lượng cao thì số lỗ càng lớn. Đó là điều dị thường mà chỉ có những người trong ngành mới hiểu hết được. Có ai nghĩ chúng ta càng bán thì chúng ta càng khóc không. Cứ mỗi lít xăng dầu bán tại Tp.HCM có lúc lỗ gần 2,000 đồng/lít, nhưng vẫn không thể đóng cửa được".

Giá xăng dầu biến động chưa từng có

Mức chiết khấu thấp còn đến từ việc giá xăng dầu biến động mạnh vì các vấn đề địa chính trị. Theo ông Lê Tấn Thương, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc COMECO, 20 năm qua giá dầu chưa từng biến động mạnh như thế.

"Một ngày sáng có thể tăng 10%, chiều có thể giảm 5%. Điều này khiến các doanh nghiệp không thay đổi kịp. Việc điều chỉnh Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng đang lấy ý kiến của các bộ ngành, các doanh nghiệp”, ông Thương chia sẻ.

Với biến động của các chi phí trong các công thức tính giá cơ sở, các cơ quan quản lý chưa thay đổi kịp. “Điều này dẫn tới chi phí tăng cao. Chi phí trong công thức tính giá cơ sở quá thấp so với chi phí thực tế, do đó các doanh nghiệp đầu mối đều lỗ, dẫn tới chiết khấu bán hàng rất thấp, có lúc 0 đồng, thậm chí có lúc âm. Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ như COMECO bị ảnh hưởng theo và kết quả kinh doanh năm 2022 rất thấp".

Trong bối cảnh đó, COMECO chỉ lãi 1.3 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 96% so với cùng kỳ, dù doanh thu thuần tăng 81%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ khi công ty lên sàn vào năm 2001.

Quý 1 không lỗ

Chia sẻ thêm về tình hình hiện tại, ban lãnh đạo COMECO cho biết quý 1 kinh doanh không lỗ, nhưng chiết khấu vẫn rất thấp.

“Hệ thống doanh nghiệp bán lẻ đang kêu ca rất nhiều, ý kiến rất nhiều. Theo thống kê sơ bộ của công ty, chiết khấu 677 đồng trong quý 1/2023, trong khi phải 750-800 đồng/lít thì công ty mới hòa vốn. Mức chiết khấu này còn rất thấp”, ông Thương nói.

Về thực trạng kinh doanh xăng dầu hiện nay, ông Thương nhận định nguồn cung đang khá ổn định. Nhà nước cũng dần dần điều chỉnh các chi phí premium, chi phí xăng dầu đưa từ ngoài, trong khi chi phí định mức cũng đang được soát xét lại.

“Sau khi điều chỉnh các nghị định về kinh doanh xăng dầu, tôi hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ ổn định trở lại. Chiết khấu bán hàng ổn định trở lại thì các doanh nghiệp bán lẻ như COMECO mới có cơ sở để thực hiện kế hoạch năm 2023”, ông Thương cho biết.

COMECO không được chiết khấu đặc biệt

Hiện tại, COMECO nhập 100% nguồn cung từ hai doanh nghiệp đầu mối PVOIL và Saigon Petro. Đây cũng là hai cổ đông lớn của của hãng kinh doanh bán lẻ xăng dầu này, chiếm tương ứng 44.79% và 39.65% tại COMECO.

Mối quan hệ như thế cũng khiến cổ đông đặt câu hỏi liệu COMECO có nhận được chiết khấu đặc biệt hoặc được đàm phán với PVOil và Saigon Petro hay không.

Tại đại hội, Chủ tịch Lê Văn Nghĩa đã bác bỏ suy nghĩ trên và vì cũng đang là Thành viên HĐQT của PVOil, ông Nghĩa cũng chia sẻ thêm góc nhìn từ doanh nghiệp đầu mối.

Ông chia sẻ hai cổ đông lớn của COMECO đều là doanh nghiệp Nhà nước và việc bán hàng cho COMECO hay các đại lý và thương nhân phân phối khác hoàn toàn theo chiết khấu thị trường. "Nhắc tới điều này để cổ đông biết rằng chúng tôi (PVOIL) không có một chiết khấu đặc biệt cho COMECO", ông nói.

Ông Nghĩa nói thêm mức chiết khấu trong quý 1/2023 vẫn có những thời điểm rất dị thường. “Có những thời điểm chiết khấu xuống 180-200 đồng/lít, PVOil không thể bán cho COMECO hoặc một đơn vị khác một mức chiết khấu khác. Với COMECO, để hòa vốn cần mức chiết khấu 750 đồng/lít. Nhưng chúng tôi không thể giải thích được với các cơ quan kiểm toán của Nhà nước rằng chúng tôi đang chiết khấu trên thị trường là 180-200 đồng/lít thì tại sao phải chiết khấu cho COMECO tới 750 đồng/lít. COMECO không thể được ưu tiên khoảng chênh lệch tới 500 đồng/lít được. Đấy là cái khó của chúng tôi, dù rằng PVOil đang chiếm 44.79% COMECO và Saigon Petro cũng vậy”.

Đổi lại, dù chiết khấu có cao hay thấp, PVOil và Saigon Petro luôn cung cấp nguồn cung để COMECO hoạt động ổn định. “Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu. Với doanh nghiệp có vốn nhà nước như COMECO thì không thể đóng cửa được”, ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng, hai doanh nghiệp đầu mối chủ chốt không cho phép COMECO mua dầu ở bên ngoài vì không thể kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ.

Hy vọng về một chuyển biến tích cực trong năm 2023

Khi tình hình bi quan, ông Nghĩa cũng nhắc cổ đông rằng thị trường có lúc thuận lợi lúc khó khăn. Trước đây, khi thị trường thuận lợi, COMECO có những năm lãi ròng 70-80 tỷ đồng, thậm chí 90 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 141 tỷ đồng.

“Với hy vọng rằng khi vấn đề thị trường xăng dầu ổn định, tôi tin rằng Nhà nước sẽ nghiên cứu kỹ và điều chỉnh. COMECO vẫn nghĩ về một tương lai tốt đẹp. Tôi hy vọng năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngay trong quý 1/2023, hoạt động kinh doanh xăng dầu của COMECO không lỗ. Hy vọng mọi sự sẽ không còn dị thường như năm 2022”, ông Nghĩa chia sẻ.

Cho năm 2023, COMECO dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2023 doanh thu 4 ngàn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng ở mức 15 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ.

Nỗi niềm của COMECO trong năm “càng bán càng lỗ”

Kế hoạch kinh doanh năm 2023 được xây dựng dựa trên giả định mức chiết khấu bình quân 750 đồng/lít. Nhưng công ty cho biết mức chiết khấu này chưa bù đắp đủ chi phí kênh bán lẻ tại các công ty xăng dầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại