Nợ xấu của ACB tăng mạnh bất thường
Ban lãnh đạo ACB cho biết nợ xấu tăng do ngân hàng chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai và ngân hàng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 của Ngân hàng Á Châu (ACB) cho thấy dấu hiệu suy giảm bất ngờ về chất lượng tài sản. Đi kèm với đó, ngân hàng phải ghi nhận trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến lên 605 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với mức 92 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí dự phòng tăng mạnh do quy mô nợ xấu của ngân hàng tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm. So với các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, ACB là ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, khi tăng 61% lên 2.954 tỷ đồng.
Trong đó, ngân hàng ghi nhận nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) 800 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với thời điểm đầu năm. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của ngân hàng đạt 1.858 tỷ đồng, tăng 53%. Không chỉ nợ xấu tăng, nợ nhóm 2 – nợ cần chú ý có khẳ năng chuyển hóa thành nợ xấu cũng tăng lên 1.025 tỷ đồng, tăng gần 2 lần.
Theo nhóm phân tích SSI Research, ban lãnh đạo ACB cho biết nợ xấu tăng do ngân hàng chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. Ngoài ra, ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Dù nợ xấu tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn ở mức rất thấp. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính tới cuối quý 1/2021 đạt 0,91%, trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống.
Trích lập dự phòng tăng mạnh cũng không tác động đáng kể tới lợi nhuận của ACB. Ngân hàng ghi nhận 3.106 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý 1, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2020. Tăng trưởng đến từ các mảng kinh doanh lõi đều tăng mạnh. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 4.639 tỷ đồng, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 625 tỷ đồng gần 70%. NIM của ngân hàng cũng tăng mạnh cải thiện lên 4,22%.
SSI Research cho rằng khoản phí nhận được từ SunLife (370 triệu USD) đã phần nào giúp ACB giảm được chi phí vốn trong kỳ. Kết quả hoạt động mảng bancassurance của ACB trong quý 1 đứng thứ 2 hệ thống ngân hàng về doanh thu phí. Bên cạnh đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã cải thiện lên 22% từ mức 20% cuối 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận