Ninh Vân Bay (NVT) có gì khiến nhóm cổ đông mới thèm muốn?
Cuộc đua giành quyền kiểm soát Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (mã chứng khoán: NVT - HOSE) diễn ra khá gay cấn, nhưng phần thắng có vẻ đã nghiêng về nhóm cổ đông mới. Với số lỗ lũy kế đến ngày 30/6/2019 lên tới 679 tỷ đồng, nhiều nhà đầu tư thắc mắc, NVT có gì mà nhóm cổ đông mới chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm?
Cuộc đua đã ngã ngũ
Trong số báo trước, Báo Đầu tư Bất động sản đã có bài phản ánh về việc NVT vật lộn tái cấu trúc trong nghi vấn mâu thuẫn cổ đông lớn, trong đó có đề cập đến việc Công ty vừa “thay máu” hàng loạt lãnh đạo chủ chốt và cuộc đua giành quyền kiểm soát Công ty giữa nhóm cổ đông mới và cũ.
Cụ thể, sau khi Recapital Investment Pte. Ltd, cổ đông lớn nhất của NVT thông báo bán ra 21,72 triệu cổ phiếu NVT (tương ứng tỷ lệ 24% cổ phần của NVT) từ ngày 16/9 - 15/10, thì ông Hồ Anh Dũng, Tổng giám đốc NVT đã nhanh chóng đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu NVT từ ngày 18/9 đến ngày 17/10.
Tuy nhiên, vào ngày 17/10, ông Phạm Quốc Khánh, cá nhân trước đó chưa hề nắm giữ cổ phiếu NVT nào đã nhanh tay mua lại toàn bộ 21,7 triệu cổ phiếu NVT mà Recapital bán ra theo phương thức thỏa thuận với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 217,2 tỷ đồng.
Dù thông tin về ông Khánh khá ít ỏi, nhưng đối chiếu với dữ liệu từ phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019 hồi tháng 4/2019 mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản có được, ông này cũng chính là thành viên đại diện cho nhóm cổ đông mới nắm giữ 29,6% cổ phần NVT.
Trước đó, vào ngày 13/9, một cổ đông khác được cho là cũng thuộc nhóm cổ đông mới này là ông Nguyễn Văn Dũng đã mua vào 3,5 triệu cổ phiếu NVT (tương đương khoảng 3,87% cổ phần NVT), qua đó, nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên hơn 8 triệu cổ phiếu (tương đương 8,86% số cổ phần của NVT).
Trong phiên giao dịch ngày 13/9, có 8,02 triệu cổ phiếu NVT được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận với tổng giá trị hơn 65 tỷ đồng. Như vậy, ngoài 3,5 triệu cổ phiếu ông Nguyễn Văn Dũng mua vào, vẫn còn 4,52 triệu cổ phiếu (tương đương 4,99% cổ phần NVT) chưa rõ ai nắm giữ.
Chưa kể 4,99% cổ phần NVT nêu trên, thì theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhóm cổ đông mới được cho là đã nắm giữ tới hơn 57% vốn cổ phần của NVT.
Tuy nhiên, trước khi được cho là nắm giữ cổ phần chi phối, nhóm cổ đông mới đã tiến hành "phế truất" hàng loạt lãnh đạo cũ của NVT. Cụ thể, ngày 30/9/2019, NVT đã công bố quyết định của HĐQT miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Ngô Thị Thanh Hải từ ngày 28/9/2019, chỉ sau gần 3 tháng bà Hải ngồi vào vị trí này. Bà Hải cũng nguyên là giám đốc tài chính trong nhiều năm của NVT. Thay thế bà Hải ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT NVT là ông Phạm Thành Thái Lĩnh, một người của nhóm cổ đông mới.
Không chỉ xáo trộn vị trí Chủ tịch HĐQT, NVT còn thay nhiều nhân sự chủ chốt khác, bao gồm các vị trí Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh, Giám đốc Quản lý và Vận hành, cùng Kế toán trưởng.
Cụ thể, bà Nguyễn Thúy Liên bị miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng kể từ ngày 28/9/2019, thay thế vị trí là ông Đào Minh Tuấn. Ông Lê Xuân Hải, nguyên Chủ tịch HĐQT NVT, thành viên đương nhiệm HĐQT không còn là Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh của Công ty. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay, vợ của ông Hồ Anh Dũng, cũng không còn giữ chức Giám đốc Quản lý và Vận hành dự án của Công ty.
Sau khi ổn định được dàn nhân sự mới, ngày 2/10, NVT phát đi thông báo sẽ tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần thứ nhất năm 2019 vào tháng 11 để bàn lại một số vấn đề quan trọng như báo cáo của HĐQT và Ban Tổng giám đốc về kết quả hoạt động năm 2018, phương hướng hoạt động năm 2019; báo cáo tài chính kiểm toán (mẹ, hợp nhất) năm 2017, 2018 cùng quy chế quản trị công ty. Đây cũng chính là 6/14 nội dung đã không được cổ đông thông qua trong ĐHĐCĐ thường niên đầu năm khi chỉ có 49,26% tán thành. Ngoài ra, một nội dung quan trọng nữa tại ĐHĐCĐ bất thường lần này là miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Ninh Vân Bay có gì khiến nhóm cổ đông mới thèm muốn?
Với những diễn biến trên, dường như cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát tại NVT đã ngã ngũ, nhưng câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là vì sao nhóm nhà đầu tư mới đổ hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm một công ty đang có số lỗ lũy kế khủng?
Cụ thể, ghi nhận từ Báo cáo tài chính soát xét hợp nhất bán niên của NVT cho thấy, tính đến hết tháng 6/2019, NVT ghi nhận lỗ lũy kế gần 679 tỷ đồng. Với vốn điều lệ 905 tỷ đồng, tính đến hết tháng 6/2019, với khoản lỗ lũy kế nêu trên, vốn chủ sở hữu của NVT chỉ còn 396 tỷ đồng. Chỉ tính toán sơ bộ, với việc chi khoảng 450 tỷ đồng (có thể lớn hơn) để giành quyền kiểm soát NVT, nhóm cổ đông mới đã chấp nhận chịu thiệt ít nhất hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, “của để dành” của NVT cũng gần như cạn kiệt.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019, sau khi chuyển nhượng và thoái vốn hoàn toàn tại dự án Six Senses Sài Gòn River, dự án Khu du lịch sinh thái Lạc Việt và một phần lớn tại Emeralda Resort Ninh Bình từ năm 2017 (cũng là nguyên nhân gây ra khoản lỗ lũy kế rất lớn của NVT, gây bất bình cho cổ đông và nhà đầu tư), NVT cũng đã chuyển nhượng phần vốn góp tại đơn vị liên kết là Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Bắp cho một cá nhân là ông Đỗ Anh Tuấn và vào tháng 11/2018, NVT đã nhận khoản ứng trước 40 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết tháng 6/2019, NVT chỉ còn sở hữu trên danh nghĩa dự án Six Sense Ninh Vân Bay (dự án được xem là “con gà đẻ trứng vàng” của Công ty và được nhóm cổ đông mới kiên quyết giữ lại từ ĐHĐCĐ thường niên 2018 và ĐHĐCĐ thường niên 2019) và một phần nhỏ tại dự án Emeralda Resort Ninh Bình (12,24%).
Cũng theo Báo cáo tài chính bán niên, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của NVT đạt 27,85 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 8,5 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ do Six Senses Ninh Vân Bay hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo NVT, thông thường, lợi nhuận kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng của Công ty đạt hiệu quả cao vào quý I và sẽ thấp hơn vào quý cuối năm.
Ngoài ra, theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong 10 năm chuyển hướng kinh doanh sang bất động sản nghỉ dưỡng (2009 - 2018), NVT có 4 năm thua lỗ và 6 năm lãi. Tuy nhiên, trong khi tổng số lỗ của 4 năm lên tới 753 tỷ đồng, thì tổng lãi của 6 năm chỉ 44 tỷ đồng.
Với những gì đã diễn ra như trên, câu hỏi đặt ra là nhóm cổ đông mới sẽ tái cấu trúc NVT thế nào đã xóa được lỗ lũy kế. Liệu câu chuyện tái cấu trúc có phải là mục tiêu cốt lõi mà nhóm cổ đông này hướng tới khi chấp nhận “chịu thiệt” cả trăm tỷ đầu tư vào NVT, hay là vì một mục tiêu lớn hơn nhưng chưa thể công khai. Đặc biệt, theo những nguồn tin mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tìm hiểu được, nhóm cổ đông này có liên quan rất mật thiết với một đại gia ngành nước tại Đồng Nai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận