Những yếu tố "phả hơi nóng" vào lạm phát
Theo chuyên gia, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% rất khó khăn, kịch bản hiện nay chưa phải là xấu nhất vì giá năng lượng khó dự báo chính xác.
Cung tiền không còn phải quá lo lắng
Tại buổi đối thoại chuyên đề “Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy” được tổ chức sáng 4/4, ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) đã có những chia sẻ về rủi ro lạm phát tại Việt Nam liên quan đến việc cung tiền.
Theo ông Long, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.
Chi tiết hơn, ở yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường. Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Ông Long cho biết, tỉ giá luôn được giữ ổn định bởi Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỉ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hoá thế giới đang tăng nhanh.
Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam.
“Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra”, ông Long nhấn mạnh.
Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, cách Ngân hàng Trung ương kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên không lo ngại rằng chúng ta sẽ “tứ bề gặp giặc”.
“Chúng ta không phải lo rằng tỉ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không phải lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy”, ông Nghĩa nói.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM cũng cho rằng cấu phần tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng. Thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá đầy đủ có khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định nên không có sự kích hoạt lạm phát từ yếu tố này.
Đâu là nguyên nhân đưa Việt Nam đến gần hơn với rủi ro lạm phát?
Theo ông Trung, yếu tố chi phí đẩy mặc dù chưa làm "bùng cháy" lạm phát nhưng cũng đang phả "hơi nóng". Cụ thể, vấn đề năng lượng rất khó đoán, khó để kiểm soát do vẫn phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
“Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44 - 2,7%", ông Trung nói.
Với các cấu phần như vậy, ông Trung dự báo, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức 4% rất khó khăn và tạo áp lực lớn cho nhà điều hành. Lạm phát trung bình cả năm 2022 vẫn có thể đảm bảo ở mức 4%, nhưng tính từng tháng và so với cùng kỳ năm trước sẽ vượt qua ngưỡng này ở những tháng cuối năm.
Đáng chú ý, ông Trung còn cho rằng, kịch bản hiện tại chưa chắc đã phải là xấu nhất, vấn đề năng lượng không thể dự báo chính xác. Đồng thời, chi phí y tế và giáo dục dù năm nay có thể kiểm soát được nhưng những năm tiếp theo vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường.
Mặt khác, yếu tố cầu kéo cũng cần phải quan tâm. Hiện tại, do chiến lược zero Covid-19 của Trung Quốc, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa tăng theo ngày. Hay như diễn biến người dân không tái đàn lợn, trong khi nhu cầu thực phẩm vẫn không đổi.
Do đó, ông Trung kiến nghị, nhà điều hành nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại. "Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường", ông Trung nhấn mạnh.
Mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% vẫn có thể đạt được
Ở góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát trong khủng hoảng nhiên liệu và nguyên vật liệu cơ bản tác động vào các nước phát triển rất mạnh, nhưng tác động vào các nước châu Á, nhất là những nước đang phát triển, mới nổi, thì lại không nhiều.
Đối với Việt Nam, giá lương thực thực phẩm, dù giá phân bón có tăng, không phải áp lực lớn với Việt Nam bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản.
“Trong khoảng 6 yếu tố tác động tới lạm phát thì Việt Nam có 4 yếu tố có lợi và chỉ 2 yếu tố bất lợi. Do đó, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được”, ông Nghĩa nói.
Theo chuyên gia này, các mô hình phân tích hiện tại mới tính tác động của giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, lương thực, thực phẩm trong vài vòng và điều này chưa đủ để bao quát vòng xoáy đằng sau đó. Điều đáng lo ngại là nếu lạm phát chi phí đẩy làm cho chi phí tăng lên và sản xuất bị đình trệ, khiến cung giảm.
Tuy nhiên, chỉ số quản trị mua hàng mấy tháng gần đây đang có xu hướng tăng tích cực, cho thấy nguồn cung khó có thể giảm và thậm chí đang tăng khá nhanh, thể hiện rõ ràng trong kết quả kinh doanh quý I/2022.
Đối với an ninh năng lượng, ông Nghĩa cho biết Việt Nam nhập siêu xăng dầu năm 2021 khoảng 7 tỷ USD, năm nay dự báo là khoảng 9-10 tỷ USD - con số cũng không phải quá lớn.
"Chúng ta có một lượng xăng dầu trong nước để cung ra thị trường để hạn chế bớt được tác động từ bên ngoài. Rất tiếc là Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 25% lượng cung xăng dầu cả nước, gặp trục trặc vì phụ thuộc vào nguyên liệu thành phẩm, nếu không tác động của giá xăng dầu quốc tế tới Việt Nam sẽ không quá lớn. Dẫu vậy, Chính phủ cũng đã có kế hoạch để giải quyết vấn đề này”, ông Nghĩa nhìn nhận.
Bên cạnh các yếu tố tiêu cực, vị chuyên gia cho rằng tình hình không quá nghiêm trọng bởi có nhiều yếu tố tích cực. Theo đó, lạm phát chi phí đẩy được giảm nhẹ bởi Việt Nam dù nhập khẩu lạm phát nhưng cũng xuất khẩu chính lạm phát đó ra bên ngoài thông qua xuất khẩu hàng điện tử, dệt may… Còn giá lương thực, thực phẩm tăng cũng không đáng lo bởi Việt Nam kiểm soát được các yếu tố căn bản.
"Tôi tin rằng nếu Chính phủ điều hành tốt, truyền thông làm tốt công tác tâm lý, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra là kiểm soát lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8% - 3,9%”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận