Những điều trăn trở, thôi thúc tìm câu trả lời
Muốn đất nước giàu mạnh và thịnh vượng thì dân phải giàu, doanh nghiệp phải lớn mạnh, phải vươn ra toàn cầu. Đây là điều dễ có sự đồng thuận cao của tất cả mọi người.
Thế nhưng doanh nghiệp không tự nhiên sinh ra, nó được bắt đầu bằng sự khởi nghiệp của những con người có tầm nhìn và khát vọng lớn, dám đối đầu với thách thức, khó khăn, chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi, không sợ thất bại, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không những chịu trách nhiệm với cuộc sống và sự nghiệp của mình mà còn chịu trách nhiệm với cả cuộc sống và sự nghiệp của rất nhiều người khác.
Đã từ nhiều năm nay tôi luôn trăn trở với các câu hỏi xung quanh chủ đề khởi nghiệp này. Sự khác nhau giữa những người khởi nghiệp và những người không khởi nghiệp là gì? Sự khác nhau giữa những người khởi nghiệp thành công và những người khởi nghiệp chưa thành công là gì? Sự khác nhau giữa những người khởi nghiệp thành công ở qui mô lớn và những người khởi nghiệp thành công ở qui mô vừa và nhỏ là gì? Sự khác nhau giữa những người khởi nghiệp thành công lớn, bền vững với thời gian với những người khởi nghiệp thành công trong ngắn hạn là gì? Với những người khởi nghiệp thì những vấn đề gì là quan trọng nhất, cốt lõi nhất?
Để tìm ra các câu trả lời cho các vấn đề đã nêu ở trên, tôi đã học theo phương pháp luận của tỷ phú Andrew Carnegie và Napoleon Hill khi viết cuốn sách Think and Grow Rich, hai ông đã bỏ ra 30 năm để nghiên cứu hàng trăm người thành công nhất thế giới trong tất cả các lĩnh vực để tìm ra những gì là những điểm cá biệt, những gì là những điểm chung nhất. Hai ông cho rằng những điểm chung nhất của những người thành công nhất chính là nguyên lý thành công trong cuộc sống.
Trong nhiều năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chiêm nghiệm về quá trình khởi nghiệp, phát triển của các doanh nghiệp thành công nhất thế giới trong 100 năm qua, đó là các công ty Ford Motor, IBM, Microsoft, Apple, Dell, Google - Alphabet, Amazon, Facebook - Meta, Tesla, NVIDIA, Uber, Airbnb (Mỹ), Alibaba (Trung Quốc), TSMC (Đài Loan), Infosys (Ấn Độ) và tất nhiên có cả FPT (Việt Nam), công ty mà tôi là đồng sáng lập, nơi tôi đã trực tiếp trải nghiệm trong suốt 36 năm kể từ ngày đầu khởi nghiệp cho đến ngày nay.
Tôi đã tập trung nghiên cứu, chiêm nghiệm về các vấn đề sau: Tại sao phải khởi nghiệp, khởi nghiệp để làm gì, khi nào thì khởi nghiệp, khát vọng - sứ mệnh và tầm nhìn, đồng sáng lập - người đồng hành, vốn và huy động vốn, ý tưởng và sản phẩm kinh doanh, thất bại với khởi nghiệp, kinh doanh - bán hàng, lãnh đạo và quản lý, thu hút và sử dụng nhân tài, các chu kỳ công nghệ với khởi nghiệp.
Để cho quyển sách bớt khô khan và nhàm chán, trong mỗi phần, chương, tôi bắt đầu bằng các câu chuyện thực tế (rất nhiều câu chuyện khá lãng mạn). Từ các câu chuyện thực tế tôi đã cố gắng tìm ra những điểm chung nhất của những người, những công ty khởi nghiệp thành công nhất, những điểm chung nhất ấy, tôi gọi là những nguyên lý cơ bản của khởi nghiệp.
Một vài lời đầu tiên cho cuốn sách KHỞI NGHIỆP, LÃNG MẠN VÀ THỰC TẾ, từ những câu chuyện thực tế đến những nguyên lý cơ bản của khởi nghiệp, của lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp.
Tôi hy vọng rằng cuốn sách này không những có ích cho người khởi nghiệp, cho doanh nhân, lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp, cho những người làm kinh doanh mà còn là cuốn sách dành cho tất cả những ai quan tâm đến sự ra đời, phát triển và phổ cập của những chiếc ô tô, máy rút tiền ATM, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng, mạng xã hội, mua bán online, kinh tế chia sẻ, những sản phẩm và dịch vụ đang phục vụ cho chính các bạn và người thân hàng ngày.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận