Những con sóng lớn trên thị trường chứng khoán
Tháng 3, thị trường chứng khoán Việt đã chứng kiến nhiều phiên tăng - giảm, nhiều sự cố “lên bờ, xuống ruộng”.
Đó là sự cố sàn HOSE lỗi kết nối hôm 6/3, VNDirect và hệ sinh thái bị tấn công mạng, VN-Index nhiều phiên giảm ào ào gần 50 điểm rồi quay đầu hồi phục trong chớp mắt… khiến nhà đầu tư không kịp trở tay.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, thị trường có thể xuất hiện bẫy giảm giá, nhịp điều chỉnh sâu, nhưng "con sóng" lớn của chứng khoán vẫn tiếp tục diễn ra trong 2 năm tới.
Xuống đáy, lên đỉnh trong chớp mắt
Tuần gần đây nhất, dù trải qua phiên giao dịch đầu tuần biến động mạnh khi VN-Index giảm gần 50 điểm phiên 18/3 nhưng có sự phục hồi nhanh chóng. Nhiều phiên sau đó, thị trường phục hồi tăng giá mạnh mẽ vượt lên vùng đỉnh năm 2023 tương ứng 1.245 - 1.255 điểm và vượt lên vùng đỉnh giá cao của 19 tháng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin quan trọng như: FED giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5%, dự kiến 3 đợt cắt giảm 0,25% trong năm nay. Ngân hàng T.Ư Anh cũng quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25%; Ngân hàng T.Ư Nhật Bản đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007, chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới.
Ngân hàng T.Ư Thụy Sĩ quyết định giảm lãi suất. Đây là ngân hàng T.Ư lớn đầu tiên trên thế giới giảm lãi suất sau 9 năm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 120/2020/TTBTC ngày 31/12/2020.
Thị trường chứng khoán Việt năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trở lại.
Một thông tin quan trọng là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến các thành viên về quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền. Nếu được thông qua và triển khai trong thời gian tới, quy định này sẽ tháo gỡ 1 trong 2 nút thắt trong tiến trình nâng hạng thị trường theo quy định của FTSE là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).
Cùng với việc HOSE chạy thử nghiệm hệ thống công nghệ thông tin mới KRX vừa qua, có thể thấy các cơ quan quản lý đang rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nhằm nâng hạng thị trường trong năm 2025 như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Dù có nhiều thông tin tích cực, tuy nhiên, một số sự cố không nhỏ liên quan đến hệ thống CNTT chứng khoán thời gian qua cũng khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Chiều ngày 6/3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) lỗi kết nối đã khiến các công ty chứng khoán phải gửi thông báo đến khách hàng thông báo đến khách hàng về tình trạng chập chờn kết nối.
Tuần này, việc chứng khoán VNDirect và một số DN trong hệ sinh thái bị tấn công mạng cũng khiến các nhà đầu tư có tài khoản và các giao dịch liên quan “đóng băng”, mua không được, bán chẳng xong.
Những sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch cũng như uy tín, thương hiệu DN, thị trường và ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nói chung.
Đường đến nâng hạng thị trường
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn quan trọng với mục tiêu lên thị trường mới nổi. Đặc biệt, quyết tâm của Chính phủ thể hiện qua hàng loạt giải pháp gỡ các "nút thắt" quan trọng, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng cũng được giới đầu tư kỳ vọng.
Theo ước tính của BSC Research, nếu Việt Nam được FTSE nâng hạng, thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3 -1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE. Trong đó, các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700 - 800 triệu USD (tương đương với quy mô thị trường chứng khoán Philippines hiện tại).
Hiện tại, hai rào cản lớn nhất cho quá trình nâng hạng là tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding). Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đang sửa đổi một số điều luật và triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, sẽ trao quyền quyết định tỷ lệ ký quỹ cho công ty chứng khoán và một vài công ty lớn có nhiều khách hàng là tổ chức nước ngoài được áp dụng đầu tiên, giải quyết câu chuyện về ký quỹ trước giao dịch. Về room ngoại, khả năng Việt Nam áp dụng biện pháp giống Thái Lan là sử dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
Trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 3/2024, tổ chức xếp hạng FTSE Russell thông báo, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market).
FTSE Russell tiếp tục duy trì các đánh giá về tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)", quá trình đăng ký tài khoản mới, và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài. Điểm khác biệt là lần này, FTSE Russell nhắc tới cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính để thể hiện cho quyết tâm nâng hạng của Việt Nam.
Vào ngày 28/2/2024, Thủ tướng đã cam kết sẽ loại bỏ các rào cản để Việt Nam được nâng hạng trước năm 2025 bằng cách sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và xóa bỏ các rào cản cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Một số biện pháp cụ thể có thể kể tới như đánh giá lại cơ chế room ngoại hiện tại và đơn giản hóa quy trình mở tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
"Hiện tại một nhóm công tác đang phối hợp cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để đánh giá một đề xuất về mô hình thanh toán mới", FTSE Russell cho biết trong báo cáo mới nhất. Họ tiếp tục khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dự báo về lộ trình nâng hạng, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VPBankS cho rằng trong tháng 3 vừa qua hệ thống KRX đã được test lại và sớm áp dụng trong năm nay, pre-funding kỳ vọng cũng sớm được giải quyết và việc công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng ngay trong 2025.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, niềm tin đầu tư trên thị trường đã quay trở lại và dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán. Khởi đầu năm 2023, thanh khoản trung bình chỉ đạt 13.000 - 14.000 tỷ đồng/phiên, cả năm trung bình khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang đến năm 2024 nhiều phiên giao dịch 1 - 2 tỷ USD đã xuất hiện.
Thực tế, dòng tiền rục rịch tăng mạnh kể từ tháng 3/2022, dựa trên kỳ vọng phục hồi nền kinh tế và kỳ vọng việc nâng hạng trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu. Bên cạnh đó, tiền gửi tại các công ty chứng khoán cũng tăng lên trong các quý cuối năm 2023. Xu hướng này cho thấy niềm tin phục hồi trở lại khi tăng trưởng lợi nhuận của DN cải thiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận