Những chuyển động trong lòng nhóm công ty chứng khoán
Giống như diễn biến của thị trường chứng khoán, nhóm công ty chứng khoán (CTCK) vẫn đang vận động không ngừng.
Cạnh tranh khốc liệt
Trong giai đoạn 2016 - 2018, thị phần HOSE hầu như không biến động nhiều về thứ hạng. Có giai đoạn vị thế của các ông lớn mạnh đến mức một nửa thị phần sàn HOSE nằm trong tay nhóm 5 công ty dẫn đầu gồm Chứng khoán SSI, Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán VNDirect (VNDS), Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán MB (MBS). Nhưng trong 2 năm trở lại đây, không chỉ về con số mà thứ hạng thị phần của nhóm dẫn đầu này đều đang biến động.
Tới quý 3/2020, tổng thị phần quý của 5 công ty kể trên đã giảm so với thời điểm năm 2016, từ mức 48.45% về còn 39.13%. Điều này cho thấy các công ty top dưới đang gia tăng thị phần đáng kể. Trong top 10, cuộc đua thị phần cũng đang khốc liệt hơn khi Chứng khoán VPS bứt tốc mạnh lên hạng 3, đẩy nhóm VND, VCSC lùi xuống các vị trí thấp hơn.
Tổng thị phần môi giới cổ phiếu sàn HOSE của SSI, HSC, VNDS, VCSC, MBS giai đoạn 2016 tới nay
Cuộc cạnh tranh thị phần đang làm thay đổi cách thức kinh doanh của các CTCK từng ngày. Nhờ được cởi bỏ mức sàn phí môi giới, nhiều CTCK đã áp dụng chiến lược giảm, miễn phí giao dịch. Điều này khiến mặt bằng phí giao dịch trên thị trường giảm đi đáng kể so với trước đây.
Song song đó, các CTCK cũng phải giảm lãi suất margin để tăng tính cạnh trạnh, đặc biệt trong giai đoạn thị trường chịu sự cạnh tranh từ nguồn cho vay margin từ nước ngoài. Những năm trước đây, lãi suất margin của những CTCK hàng đầu thường dao động trong khoảng từ 9.9%-14.5%, đa phần rơi vào khoảng 12%-14%. Đến hiện tại, mức lãi suất tại phần đông các CTCK chỉ vào khoảng 10%-12%.
Các thương vụ M&A trong khối chứng khoán
Sau các thương vụ M&A trước đó, mới đây, khối CTCK tiếp tục ghi nhận thêm các thương vụ của dòng vốn đến từ Hàn Quốc.
Công ty Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt (MGSG) đã chính thức đổi tên thành Công ty Chứng khoán JB Việt Nam (JBSV). Chủ sở hữu hiện tại của JBSV là Kwangju Bank - thành viên của JB Financial Group, nắm 100% vốn tương ứng 300 tỷ đồng.
Cùng với đó, dòng vốn Hàn Quốc cũng nhắm tới một CTCK khác là SJC. Asam Asset Management đã nhận chuyển nhượng hơn 3.4 triệu cp, tương đương 65.01% vốn của SJC.
Được biết, Asam Asset Management được thành lập năm 1996 tại Hàn Quốc, hiện đang quản lý khối tài sản 310 tỷ Won (tương đương 270 triệu USD). Asam Asset Management hiện diện tại Việt Nam từ tháng 4/2018, chuyên thực hiện các nghiệp vụ nghiên cứu, phân tích, tư vấn đầu tư vào TTCK Việt Nam.
Bên cạnh khối ngoại, hoạt động M&A cũng diễn ra trong khối nội. Sắp tới Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho CTCP Tập đoàn Đầu tư Uniland, một công ty bất động sản có vốn hơn 555 tỷ đồng. Sau đợt phát hành DSC sẽ nâng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, trong đó, Uniland nắm giữ 80%. Vừa qua, cổ đông lớn nhất tại DSC là Vietnam Equity đã thoái bớt vốn ở đây. Như vậy, sau đợt phát hành, DSC sẽ đổi chủ.
Ồ ạt tăng vốn
Bên cạnh hoạt động M&A sôi động hứa hẹn sẽ thổi làn gió mới vào nhóm CTCK. Một số CTCK cũng đang rục rịch tăng vốn.
Chứng khoán Nhật Bản dự kiến tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, Chứng khoán TPS sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn lên mức 1,000 tỷ đồng. Chứng khoán HDBS tăng vốn từ 155 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng. Việc tăng vốn là tất yếu khi cạnh tranh trong khối CTCK đang ngày càng gay gắt, cũng như đáp ứng yêu cầu vốn để tham gia đầy đủ hoạt động của CTCK ngày càng cao hơn.
Trong bối cảnh khối CTCK đang chuyển mình vẫn có công ty rơi vào thế khó. Mới đây, CTCK CV đã phải ngưng nghiệp vụ môi giới và hủy tư cách thành viên giao dịch ở các Sở Giao dịch. Đây là kết quả của nhiều năm thua lỗ liên miên và tái cấu trúc thất bại tại công ty này.
Tất cả những diễn biến kể trên tựa những cơn sóng xô bờ liên tiếp gối đầu nhau không ngừng, dần dần sẽ thay đổi diện mạo của khối CTCK trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận