Nhựa Việt Thành, kế hoạch tăng trưởng cao có khả thi?
Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành (Nhựa Việt Thành) sau khi thua lỗ trong năm 2018 đến nay đã có 5 đợt tăng vốn điều lệ và đặt kế hoạch kinh doanh 2021-2022 tăng trưởng cao.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Nhựa Việt Thành được thành lập tháng 3/2011 với vốn điều lệ ban đầu 4 tỷ đồng, chuyên sản xuất và thương mại nhựa gia dụng như tủ nhựa, bàn nhựa, ghế nhựa, rổ nhựa, sản xuất plastic, cao su tổng hợp dạng nguyên sinh. Sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ của Công ty hiện đạt 200 tỷ đồng (năm 2018 là 40 tỷ đồng).
Công ty đang có hai cổ đông lớn: ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị nắm giữ 5,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 25,5%); ông Phan Văn Quân, Tổng giám đốc nắm giữ 3,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 18,5%).
Doanh nghiệp hiện có trụ sở tại Long An, kho hàng và văn phòng đặt tại TP.HCM, sở hữu 38 đại lý cấp I và hơn 200 đại lý cấp II trải dài từ miền Trung tới Tây Nam Bộ.
Năm 2020, Nhựa Việt Thành đạt tổng sản lượng tiêu thụ 11.524 tấn, doanh thu 526 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 13,1 tỷ đồng. Trong các sản phẩm, nhóm bàn ghế, tủ nhựa có tỷ trọng lớn nhất cả về sản lượng và doanh thu.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu 752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng.
Phụ thuộc nhiều vào vốn vay
Năm 2018, Nhựa Việt Thành từng thua lỗ gần 7 tỷ đồng, sau khi quyết định tham gia vào kênh phân phối trực tiếp, tạo ra đội ngũ bán hàng riêng. Việc đầu tư vào kênh phân phối bán hàng riêng khiến chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, trong khi hiệu quả chưa cao và năng lực sản xuất chưa đáp ứng kịp nhu cầu, dẫn tới thu nhập không đủ bù đắp chi phí.
Năm 2019, Công ty lãi 5,2 tỷ đồng nên lỗ lũy kế giảm còn hơn 3,6 tỷ đồng. Trong các năm tiếp theo, chi phí bán hàng và chi phí quản lý phân bổ cho từng sản phẩm bán ra được tiết giảm giúp lợi nhuận tăng mạnh hơn mức tăng của doanh thu. Sau khi hệ thống kênh phân phối tạm thời ổn định, doanh nghiệp mở rộng nhà máy nhằm tăng năng lực sản xuất, kéo theo nhu cầu về vốn lưu động.
Tuy vốn điều lệ tăng, nhưng năng lực tài chính còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vốn, Công ty vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn vay. Mặt khác, sản phẩm của doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng, đòi hỏi phải đa dạng sản phẩm, duy trì hàng tồn kho (tính đến cuối 9/2021 là 279 tỷ đồng), yêu cầu về mặt bằng sản xuất, lưu kho lớn, nên cần phải đầu tư mở rộng thường xuyên.
Trong tổng tài sản 760 tỷ đồng của Nhựa Việt Thành tính đến 30/9/2021 có hơn 519 tỷ đồng (chiếm 68%) nợ phải trả, chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn ngân hàng, nợ công ty cho thuê tài chính.
Cụ thể, nợ ngắn hạn 381 tỷ đồng tại các ngân hàng: Đầu tư và Phát triển Việt Nam (148,8 tỷ đồng), Công thương Việt Nam (120 tỷ đồng), Quân đội (60 tỷ đồng), Phát triển TP.HCM (38 tỷ đồng), An Bình (7,8 tỷ đồng)…; nợ dài hạn tại các tổ chức tín dụng 47,1 tỷ đồng (trong đó vay Ngân hàng Quân đội 18,7 tỷ đồng); nợ thuê tài chính tại Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Chailease 17,4 tỷ đồng, Công ty BIDV-Sumi Trust 8,8 tỷ đồng.
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính có rủi ro về lãi suất và rủi ro thanh toán. Chi phí lãi vay quý III/2021 của Công ty là 8,2 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021 là 21,1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp cùng ngành có nhiều kinh nghiệm hơn. Sự biến động giá của các nguyên vật liệu đầu vào do hạt nhựa phần lớn được nhập khẩu khiến rủi ro tỷ giá cùng các chi phí phụ trợ dẫn đến giá thành sản xuất cao.
Ngoài ra, nguyên vật liệu chính tồn trữ để sản xuất còn hạn chế về số lượng, chủng loại do mặt bằng kho chưa lớn, tài chính có hạn, giá vốn thường chiếm 75 - 81% trong giá bán.
Trong khi đó, Công ty sử dụng máy móc cũ, chi phí sản xuất tăng, năng suất chưa đáp ứng nhu cầu, khoảng cách giữa kho thành phẩm xuất bán và nhà máy là gần 50 km nên tốn chi phí vận chuyển, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp còn cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Mặc dù vậy, năm 2021 và 2022, Nhựa Việt Thành đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao với doanh thu 805 tỷ đồng và 1.050 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Mục tiêu trước năm 2025 là lọt vào Top 3 nhà sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng nhựa tiêu dùng và Top 5 nhà sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng nhựa công nghiệp tại Việt Nam.
Doanh nghiệp sẽ tiếp cận khách hàng là các nhà máy, văn phòng, nhà xưởng... Về máy móc, doanh nghiệp đang tiến hành thanh lý và đầu tư 100% máy mới để nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư robot, băng chuyền để tiến tới giảm bớt lao động chân tay.
Nhựa Việt Thành kỳ vọng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng sẽ tạo động lực để các công ty sản xuất hàng tiêu dùng tăng trưởng. Công ty đặt mục tiêu đạt tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần năm 2021 là 8,29% (thực tế 9 tháng đầu năm 2021 mới đạt 2,8%), năm 2022 là 9,52%.
Triển vọng chung của ngành nhựa
Ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp tư nhân chiếm 99,8%, tập trung ở khu vực miền Nam (chiếm trên 80%).
Sản phẩm của ngành nhựa với đặc tính bền, nhẹ, chịu áp lực phù hợp với các điều kiện môi trường, khí hậu khác nhau và có giá thành hợp lý, nên được ưu tiên lựa chọn sử dụng trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng…
Năm 2020, dù gặp khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng ngành nhựa Việt Nam vẫn duy trì được sản xuất - kinh doanh tăng trưởng. Tổng doanh thu đạt gần 22,2 tỷ USD, tăng 10,9%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.
Theo Công ty Chứng khoán FPT, sản lượng sản phẩm nhựa sản xuất trong năm 2021 kỳ vọng sẽ đạt 10,3 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2020. Quy mô thị trường nhựa toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng kép hàng năm 3,2% trong giai đoạn 2020 - 2027.
Ngành nhựa có triển vọng tăng trưởng khi quy mô thị trường lớn và ngành này mới ở bước đầu phát triển so với thế giới, nhất là khi sản phẩm nhựa của doanh nghiệp nội dần được đẩy mạnh sử dụng trong đời sống hàng ngày. Theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85 - 95% là các thương hiệu trong nước.
Ngày 25/11/2021, Nhựa Việt Thành đã đưa 20 triệu cổ phiếu lên niêm yết trên HNX, với mã chứng khoán VTZ.
VTZ lên sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang thu hút nhà đầu tư, nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung đối diện với không ít thách thức bởi dịch Covid-19 và nguy cơ lạm phát, qua đó ảnh hưởng đến sức cầu tiêu dùng và làm chi phí gia tăng.
Đáng chú ý, với doanh nghiệp ngành nhựa, nguyên vật liệu được nhập khẩu, nên biến động tỷ giá có ảnh hưởng trực tiếp tới giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản phẩm.
Theo bản cáo bạch niêm yết của VTZ, chi phí nguyên liệu sản xuất nhựa hiện chiếm tỷ trọng từ 75 - 80% trong cơ cấu chi phí, trong đó, nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm khoảng 60% tổng chi phí nguyên vật liệu. Vì vậy, biến động về chi phí nguyên vật liệu do ảnh hưởng của tỷ giá sẽ tác động tới lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu thường biến động tương ứng với sự thay đổi của giá dầu thế giới. Những năm gần đây, giá dầu tăng/giảm bất thường, khiến doanh nghiệp ngành nhựa thường gánh chịu rủi ro chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, thậm chí bị các nhà cung ứng nguyên liệu ép giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận