Nhóm bị cáo quản lý chứng khoán vụ Trịnh Văn Quyết được "gỡ tội" thế nào?
Ngày 28-7, dù là ngày chủ nhật, Tòa án nhân dân TP Hà Nội vẫn tiếp tục xét xử vụ án cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan, do có các sai phạm liên quan đến chứng khoán. Hội đồng xét xử tiếp tục dành thời gian cho các luật sư bào chữa…
Trước đó trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đã đề nghị mức án đối với 50 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM - HOSE) bị đề nghị mức từ 6 – 7 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bào chữa cho bị cáo Trầm Tuấn Vũ, luật sư Đặng Văn Cường đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại tính chất, mức độ hành vi của bị cáo. Việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán phải theo quy trình, qua nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện thủ tục và đến khi hồ sơ chuyển đến HOSE là khâu cuối cùng. Luật sư Cường cho rằng, VKS cáo buộc bị cáo Vũ “làm nhanh” thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS là chưa đúng.
Các luật sư tham gia phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo liên quan.
Theo quy định của HOSE, thời hạn niêm yết không quá 30 ngày, kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Thực tế, hồ sơ Công ty Faros được xử lý trong 50 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ đến ngày niêm yết chứ không phải vài ngày như cáo buộc.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, thời điểm 2016, bị cáo Vũ không thể “biết rõ” Công ty Faros nâng vốn khống nhằm mục đích lừa đảo như cáo buộc. Trước khi hồ sơ đến HOSE thì Faros đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng tại Ủy ban chứng khoán Nhà nước, lưu ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán VSD.
Quá trình các cơ quan chức năng xem xét việc Faros thay đổi đăng ký kinh doanh, đăng ký đại chúng, lưu ký chứng khoán thì công ty này đã hoàn thiện hồ sơ tăng vốn ảo rất chặt chẽ, đầy đủ… Theo luật sư, đây là lý do khiến cho bị cáo Vũ khó phát hiện ra sai sót trong hồ sơ tăng vốn.
Sau này, CQĐT trưng cầu giám định tại Bộ Tài chính và thêm nhiều tài liệu chứng cứ khác thì mới có căn cứ vững chắc để xác định việc tăng vốn của Faros là “tăng vốn ảo”.
Cùng tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) cũng bị đề nghị tuyên phạt từ 8 – 9 năm tù. Cũng tội danh này, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Tổng giám đốc HOSE) bị đề nghị mức án từ 6 – 7 năm tù.
Bào chữa cho bị cáo Lê Hải Trà, luật sư Phan Trung Hoài nói rằng bị cáo Trà đã thừa nhận cáo trạng nên luật sư không tranh luận về tội danh mà chỉ đề cập một số nội dung làm rõ thêm về nguyên nhân, bối cảnh, nhận thức chủ quan, mức độ hành vi của thân chủ cũng như các tình tiết giảm nhẹ.
Theo luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Trà có ý kiến chấp thuận niêm yết cổ phiểu ROS khi chưa đủ điều kiện. Nhưng tại thời điểm đó, bị cáo Trà không có đầy đủ thông tin, không thể biết các sai phạm của đơn vị kiểm toán là Công ty CPA Hà Nội.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Do không phụ trách Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết nên bị cáo Trà cũng không phải là đối tượng được bị cáo Trần Đắc Sinh (Chủ tịch HĐQT) và ông Trần Văn Dũng (Tổng giám đốc HOSE lúc đó) chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm chấp thuận niêm yết.
Bào chữa cho bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HOSE), luật sư Nguyễn Thị Yến cũng xin HĐXX xem xét thêm về nguyên nhân bối cảnh, mức độ hành vi của bị cáo. Theo luật sư Yến, thời điểm Faros nộp hồ sơ niêm yết, thị trường chứng khoán trầm lắng, do đó bị cáo Sinh cũng chịu áp lực giải quyết nhanh hồ sơ đó với mong muốn càng nhiều doanh nghiệp niêm yết càng tốt.
Luật sư Yến nêu, HOSE là đơn vị đứng cuối trong quá trình Faros nộp hồ sơ. Bị cáo Sinh là lãnh đạo HOSE, chịu trách nhiệm chung, việc đôn đốc nhắc nhở tiến độ nộp hồ sơ niêm yết xuất phát từ việc muốn giải quyết nhanh công việc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. “Để xảy ra hành vi phạm tội là lỗi hệ thống. Bị cáo Sinh chỉ đạo cấp dưới giải quyết nhanh, không chỉ đạo hội đồng niêm yết làm trái quy trình”- luật sư Yến nói.
Theo luật sư Yến, bị cáo Sinh và các bị cáo khác không thể nhận thức hết sai phạm của Faros. Hội đồng niêm yết (không có bị cáo Sinh) với 6 thành viên đã thống nhất cho Faros niêm yết, có bút phê của ông Trần Văn Dũng (Tổng giám đốc HOSE lúc đó) trước khi được đưa ra cuộc họp giao ban do bị cáo Sinh chủ trì.
Do đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xem xét, vị trí, vai trò của bị cáo Sinh không phải là bị cáo chủ mưu và quá trình điều tra, bị cáo này tích cự hợp tác với CQĐT, tuổi cao sức yếu, nhiều bệnh nền.
Các luật sư cũng nêu thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ và đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng cho các bị cáo.
Ông Trần Văn Dũng (Tổng giám đốc HOSE tại thời điểm xảy ra vụ án, sau này là Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước) đã cho ý kiến chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros cùng với 4 cá nhân khác. Hành vi của ông Dũng có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ hành vi CQĐT không xem xét, xử lý hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận