Nhìn lại đường tư nhân hóa DIC Corp
Lợi ích Ngân sách thu về có thể đã rất khác nếu Bộ Xây dựng chọn phương án đấu giá phần vốn chi phối, thay vì chấp thuận cho phát hành riêng lẻ liên tiếp, để rồi DIC Corp (Mã: DIG) dễ dàng về tay nhóm cổ đông tư nhân trong giai đoạn 2015-2016.
Như Nhadautu.vn đã đưa tin, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTCP về việc bổ sung kế hoạch thanh tra năm 2023, trong đó có việc thanh tra chấp hành quy định pháp luật trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG – DIC Corp).
Phản hồi nhà đầu tư về thông tin này, phía DIC Corp khẳng định đây là hoạt động rất bình thường của Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Nhà nước đang có chủ trương rà soát lại toàn bộ các hoạt động liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước trước đây nên không chỉ riêng DIG mà rất nhiều doanh nghiệp đều thuộc đối tượng được Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát.
Quá trình công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIG đã triển khai theo đúng quy định của pháp luật, đã trải qua nhiều lần thanh tra, kiểm toán, kiểm tra,… và đã có kết luận. Trong các quá trình thanh tra nêu trên, doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, triển khai tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.
DIC Corp về tay tư nhân ra sao?
Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) có lịch sử thành lập từ năm 1990, tiền thân là Nhà nghỉ Bộ Xây dựng. Tới đầu năm 2001, DIC chính thức được thành lập, và sang năm 2002 hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Với lợi thế là thành viên Bộ Xây dựng, DIC Corp đã tích góp cho mình được quỹ đất rất lớn, có thể kể tới dự án KĐT Chí Linh (TP. Vũng Tàu) diện tích 99,7ha, dự án KĐT sinh thái Đại Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) quy mô 464,6ha, dự án KĐT mới Nam TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) quy mô 466,9ha, dự án KĐT mới Cửa Lấp (TP. Vũng Tàu) quy mô 94ha, dự án KĐT du lịch Phương Nam (Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu) quy mô 295ha, dự án KĐT sinh thái Long Tân (Nhơn Trạch, Đồng Nai) quy mô 331ha, dự án KĐT phường 4 (TX. Vị Thanh, Hậu Giang) quy mô 202,8ha, dự án KDL sinh thái Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam) quy mô 750ha, dự án Khu công nghiệp - cảng ICD tại Thanh Liêm (Hà Nam) quy mô 300ha, cùng nhiều dự án quy mô nhỏ hơn.
Năm 2008, DIC Corp được chuyển đổi thành công ty cổ phần, với vốn điều lệ 370 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thông qua Bộ Xây dựng chiếm chi phối (65,06%), cổ đông chiến lược Vina Capital (7,84%), bán ưu đãi người lao động 2,91% và bán đấu giá công khai 24,19%.
Vào thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nguyễn Thiện Tuấn là người đại diện cho 32,5% vốn nhà nước tại DIC Corp.
Đầu năm 2009, DIC Corp tăng vốn lên 600 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Ngày 19/8/2009, 60 triệu cổ phiếu DIC Corp lên sàn HoSE với mã DIG và trở thành hiện tượng của thị trường lúc bấy giờ, khi tăng trần liên tục từ giá 55.000 đồng/CP lên 127.000 đồng/CP chốt phiên 21/9/2009. Cùng thời điểm, Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) định giá DIG vào khoảng 163.000 - 175.000 đồng/CP.
Với quỹ đất lên tới 19 triệu m2, phần lớn là được giao, DIC Corp là tập đoàn bất động sản hàng đầu trên sàn chứng khoán vào giai đoạn 2009, khi mà những Vinhomes, Novaland, Khang Điền, Nam Long còn là những cái tên kém tiếng.
Cuối năm 2009, DIC Corp thực hiện phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phần cho 25 nhà đầu tư cá nhân/ tổ chức để tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 700 tỷ đồng. Giá phát hành là 100.000 đồng/CP.
Nếu tính theo mức giá này, 39 triệu cổ phần vốn nhà nước trong DIC Corp vào thời điểm đó có giá trị lên tới 3.900 tỷ đồng. Trong trường hợp đấu giá trọn lô, số tiền thu về chắc hẳn sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Nghiệp vụ phát hành riêng lẻ này, đáng chú ý, đã kéo tụt tỷ lệ sở hữu nhà nước từ mức phủ quyết chi phối 65% về chỉ còn 55,7%.
Tỷ lệ này có thể đã giảm rất mạnh vào đầu năm 2011 nếu kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi khi đó của ban lãnh đạo DIC Corp được triển khai.
Cụ thể, HĐQT DIC Corp ngày 18/1/2011 có Nghị quyết trình ĐHĐCĐ bất thường về việc phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ). Việc phát hành TPCĐ này phải được sự cho phép của cơ quan chủ quản của DIC Corp khi đó là Tập đoàn Sông Đà và Bộ Xây dựng.
Không rõ việc phát hành TPCĐ có được chấp thuận hay không, song DIC Corp ngày 7/3/2011 có thông báo gửi cổ đông về việc huỷ bỏ kế hoạch phát hành TPCĐ, do dãn tiến độ các dự án và đã đủ nguồn tài chính đảm bảo cho năm 2011.
Dù vậy, chỉ 11 ngày sau, chính ông Nguyễn Thiện Tuấn, với vai trò Tổng giám đốc ngày 18/3/2011 đã ký thông báo về kế hoạch phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, với lý do cần nguồn vốn lớn để phát triển 2 dự án Đại Phước và Nam Vĩnh Yên.
4 năm sau, tháng 7/2015, DIC Corp đã thông qua và triển khai phát hành riêng lẻ 19,9 triệu cổ phần cho Vietnam Enterprise Investments Limited - một quỹ của Dragon Capital 15 triệu cổ phần, và bán cho CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân 4,9 triệu cổ phần, cùng với giá 10.600 đồng/CP. Thiên Tân - như đề cập trong phần sau, là pháp nhân có nhiều liên hệ tới chính gia đình Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn.
Tỷ lệ sở hữu của nhà nước thông qua Bộ Xây dựng sau nghiệp vụ này đã giảm về 51,04%.
Một năm sau, DIC Corp tiếp tục phát hành riêng lẻ 6,5 triệu cổ phiếu với giá bán 10.000 đồng/CP, phần lớn trong số đó (5 triệu đơn vị) bán cho chính ông Thiện Tuấn.
Tỷ lệ sở hữu Nhà nước lúc này tiếp tục "nhẹ nhàng" giảm về còn 49,6%, không còn là cổ đông chi phối tại DIC Corp. Hai nghiệp vụ phát hành riêng lẻ liên tiếp trong thời gian ngắn, kéo tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống dưới mức chi phối, đáng chú ý được thực hiện trong bối cảnh ông Nguyễn Thiện Tuấn đến tuổi nghỉ hưu (SN 1957).
Việc chấp thuận giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DIC Corp xuống dưới mức chi phối nhiều khả năng đã nhận được sự gật đầu từ cơ quan chủ quản: Bộ Xây dựng, khi các tờ trình phát hành riêng lẻ trong 2 năm 2015-2016 đều được ĐHĐCĐ thường niên thông qua với tỷ lệ lên tới 98-99%.
Chủ tịch HĐQT DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn đã gắn liền với chặng đường phát triển của DIC Corp từ khi còn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, ở các vai trò lãnh đạo cấp cao như Giám đốc Nhà nghỉ Bộ Xây dựng – tiền thân DIC Corp (6/1990-12/1992); Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (1/1993-4/2008); Chủ tịch HĐQT, Bí Thư Đảng ủy DIC Corp (4/2008 – nay)….
Các quyết định cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DIC Corp, đáng chú ý, đều được thực hiện dưới thời ông Tuấn là Chủ tịch DIC Corp và Đại diện phần vốn Nhà nước.
Một năm sau khi không còn sở hữu chi phối DIC Corp, Bộ Xây dựng tháng 11/2017 thoái hết 118,3 triệu cổ phần DIG bằng phương thức bán khớp lệnh trên sàn chứng khoán. Phiên 28/11/2017, có tới 128,4 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, phần lớn ở mức giá trần, với tổng giá trị 2.468 tỷ đồng.
Ngược với chiều thoái vốn Nhà nước, gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn không ngừng gia tăng ảnh hưởng tại tổng công ty này,
Tính đến tháng 7/2022, nhóm cổ đông liên quan đến ông Tuấn nắm đến 23,95% vốn DIG. Nếu tính cả CTCP Đầu tư và Phát triển Thiên Tân, tỷ lệ này lên đến 40,84%. Tuy nhiên, sau nhiều giao dịch bị bán giải chấp cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của nhóm này chỉ còn là gần 33% vốn DIG.
Thiên Tân là pháp nhân có nhiều liên hệ với gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn. Bà Lê Thị Hà Thành – vợ Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn từng là Chủ tịch HĐQT Thiên Tân. Công ty này đã có nhiều giao dịch với DIC Corp, như: Hợp đồng hợp tác kinh doanh ký ngày 30/11/2021 (giá trị 1.298 tỷ đồng); nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp Công ty TNHH Đại Phước Thiên Minh vào tháng 11/2020 (vốn điều lệ 760 tỷ đồng)...
Cách cổ phiếu DIG được phân phối
Quá trình phân phối cổ phần DIC Corp gắn liền với đà tăng “shock” của mã này trong giai đoạn cuối năm 2021, nhờ hiệu ứng xuất hiện từ CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam của đại gia Dương Công Minh.
Theo đó, trong phiên 2/12/2020, Địa ốc Him Lam đã mua vào 67,69 triệu cổ phiếu DIG và trở thành cổ đông lớn, nắm 21,49% vốn DIC Corp. Cùng với đó, CTCP Đầu tư Phát triển Thiên Tân cũng mua thêm 47,2 triệu cổ phiếu.
Chỉ 2 ngày trước phiên giao dịch 2/12/2020, DIC Corp ngày 30/11/2020 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, và chuyển cho CTCP Đầu tư Đức Hoà III - Resco 1.729 tỷ đồng. Cùng ngày, DIC Corp đã ký hợp đồng hợp tác và chuyển cho Thiên Tân 1.298 tỷ đồng.
Tổng cộng, DIC Corp đã chuyển cho 2 pháp nhân kể trên tới 3.027 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng tài sản, và gần bằng 3.441 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng thoả thuận của 160 triệu cổ phiếu phiên 2/12/2020!
Với sự xuất hiện của Him Lam, cổ phiếu DIG tăng liên tục, mã này chỉ mất hơn 3 tháng để tăng gấp 4 lần, từ vùng giá 30.000 đồng/CP lên đỉnh gần 120.000 đồng/CP trong phiên 11/1/2022. Đà tăng giá của DIG còn được kỳ vọng “điên” hơn nữa, nếu không xảy ra sự kiện Tân Hoàng Minh Group bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, hay ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu FLC vào đầu năm 2022.
Cổ phiếu DIG nói riêng và nhóm bất động sản tăng nóng nói chung ngay lập tức chịu sức ép bán tháo và giảm mạnh. Trong bối cảnh này, nhóm Him Lam và Thiên Tân liên tục bán ra, chốt lãi. Cho đến sau phiên 27/4/2022 thì Him Lam không còn là cổ đông lớn của DIC Corp, các giao dịch mua/bán theo đó không cần công bố theo quy định.
Sau các giao dịch của 2 cổ đông tổ chức này, một lượng rất lớn cổ phiếu DIG đã được phân phối cho các cá nhân nhỏ lẻ. Dấu hiệu rõ nhất là trong giai đoạn AGM 2020 - AGM 2022, số lượng cổ đông của DIC Corp tăng đột biến từ 8.274 cổ đông lên 48.280 cá nhân/ tổ chức. Cùng với đó, tỷ lệ cổ phần tham dự AGM 2020 tới AGM 2022 cũng giảm mạnh, từ 68,76% AGM năm 2020, xuống 67,23% tại AGM năm 2021 và đến AGM năm 2022 thì tỷ lệ này xuống mức 61,93%.
Đến tháng 9/2022, EGM lần 1 của DIC Corp thậm chí còn không đủ điều kiện tiến hành do không đủ tỷ lệ nhà đầu tư dự họp đạt trên 50% tổng số phiếu biểu quyết. Đây cũng là ĐHĐCĐ đầu tiên trong lịch sử DIC Corp không tổ chức thành công kể từ khi niêm yết. 1 tháng sau, EGM lần 2 của DIC Corp tổ chức thành công với tỷ lệ dự họp đạt 47,15% vốn DIC Corp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận