menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hà Diệu Thu

Nhiều trái cây Việt sắp có "visa" đi Mỹ, Nhật, Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nhập khẩu, tiêu thụ trái chuối tươi của Việt Nam.

Trái bưởi Việt Nam sắp chính thức được xuất khẩu sang Mỹ. Trung Quốc đang có nhu cầu cao với trái chuối từ Việt Nam. Công tác đàm phán đưa trái nhãn tươi Việt Nam vào Nhật Bản đang được gấp rút triển khai... Đây là những thông tin mới đáng chú ý được các cơ quan chức năng công bố tại diễn đàn về phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam diễn ra ngày 8-6. Diễn đàn do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Nỗ lực đưa chanh dây, sầu riêng… xuất ngoại

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết: Thời gian qua, các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể trong năm tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập vào Trung Quốc, vượt qua Philipines với 28%, vượt qua Campuchia và Ecuador.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam. “Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Chuối của Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực” - ông Nguyên khẳng định.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thông tin thêm phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu trái chanh dây của Việt Nam. Cùng với đó, việc đàm phán để xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng gần hoàn tất (hiện Trung Quốc đang nhập nhiều sầu riêng từ Thái Lan - PV). “Chúng tôi hy vọng việc đàm phán sẽ kết thúc sớm để trong năm nay sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường này” - ông Thiệt nói.

Với thị trường Nhật Bản, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay Việt Nam đang xuất khẩu ba loại trái cây tươi vào thị trường này là thanh long, xoài và vải. Với trái nhãn tươi, Cục Bảo vệ thực vật đang đàm phán với Bộ Nông nghiệp Nhật để xuất khẩu nhãn bằng phương pháp xử lý khí lạnh.

Ông Thiệt tiết lộ: “Hiện nay, phương pháp này đang trong giai đoạn làm thí nghiệm cuối cùng. Hai chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Nhật đã bay đến TP.HCM để kiểm tra thí nghiệm cuối cùng. Nếu phía Nhật đánh giá tốt thì hy vọng vài năm tới, quả nhãn sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang Nhật. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy xuất khẩu các loại quả khác theo phương pháp này”.

Về thị trường Mỹ, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho hay đến thời điểm này Việt Nam đã xuất khẩu được sáu loại quả gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chôm chôm và vú sữa. Đáng chú ý, quá trình đàm phán để nước này mở cửa cho trái bưởi của Việt Nam sắp hoàn tất. “Dự kiến khoảng một vài tháng nữa trái bưởi của ta sẽ chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ” - ông Thiệt thông tin.

Điều cần quan tâm là lợi nhuận cuối cùng

Phát biểu tại diễn dàn, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, nói rằng sầu riêng của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này thì Việt Nam nên học hỏi những cách làm hay ở các nước đang làm tốt như Thái Lan trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm này. Ví dụ xây dựng những đội, nhóm… đi đến từng vườn của nông dân để kiểm tra chất lượng và tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất.

Đại diện một công ty khác nhận xét nông sản của Việt Nam đang thiếu thông tin để định hướng thị trường và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó nhiều thị trường ở châu Âu rất tiềm năng, không thua kém thị trường Trung Quốc nếu sản phẩm của Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các thị trường này đưa ra.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đánh giá thời gian qua nhiều người quan tâm khi 1 kg vải thiều bán tại Nhật Bản có giá 450.000 đồng, cao hơn rất nhiều so với giá bán ở vùng trồng Lục Ngạn. Tuy nhiên, mức giá này còn bao gồm rất nhiều chi phí trung gian xuất khẩu. Do vậy, điều cần quan tâm là lợi nhuận cuối cùng của bà con nông dân, hợp tác xã được bao nhiêu.

Chính vì vậy các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần xác định rõ, sát thực tế về cơ cấu giá thành sản xuất nông sản. Vì đây là cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tiếp đó là liên kết các lực lượng trong hợp tác xã để giảm chi phí vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xăng dầu. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics, bảo quản ở khu vực cửa khẩu, vùng nguyên liệu lớn.

“Ngay trong ngày mai, một đoàn công tác do Chính phủ cử sẽ thị sát Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại Móng Cái, Quảng Ninh. Đây là trung tâm lớn, có ý nghĩa chiến lược với xuất khẩu nông sản và có lượng hàng hóa thông qua dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm” - ông Toản chia sẻ.•

Khó tìm được bưởi bán sang Mỹ

Là một đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, rất vui khi trái bưởi của Việt Nam sắp chính thức được xuất khẩu vào Mỹ. Để chuẩn bị cho sự kiện này, công ty đã bàn bạc và ký hợp đồng với đối tác để xuất khẩu bưởi vào Mỹ. Ngày thực hiện hợp đồng đã cận kề nhưng đến nay công ty vẫn gặp khó khăn trong việc tìm vùng nguyên liệu để liên kết.

“Chúng tôi cũng đang đi tìm trái bưởi có mã số vùng trồng để xuất đi Mỹ nhưng rất khó khăn, trong khi đã ký hợp đồng với phía Mỹ” - ông Tùng nói.

Đề xuất xây dựng kho trữ nông sản

Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết hiện sản phẩm trái cây của tỉnh đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. Điển hình như quả vú sữa sẽ được thị trường Mỹ nhập khẩu hơn 40 tấn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm ngành nông nghiệp địa phương đang đề xuất xây dựng bốn kho nông sản ở bốn vùng trái cây, hành, lúa và thủy sản. “Khi người dân thu hoạch nông sản đồng loạt, thương lái không thu mua hết, chúng ta cần xây dựng những kho dự trữ để giúp người dân bảo quản trong điều kiện tốt, tránh ùn ứ” - ông Khiêm giải thích.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại