Nhiều phiên sàn và biến động cổ đông lớn, VNE kinh doanh ra sao trong quý 3?
VNE công bố BCTC quý 3 với biên lãi ròng chưa đến 1%, tổng tài sản giảm 10% với quá nửa đến từ nợ vay. Diễn biến cổ phiếu VNE gần đây cũng gây chú ý khi có nhiều phiên giảm sàn và biến động cổ đông lớn.
Doanh thu trăm tỷ nhưng lãi chỉ vài tỷ
Đối mặt với việc một số công trình trong quý 3 còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… nên Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, nên tổng doanh thu sụt giảm.
Theo đó, doanh thu thuần quý 3 đạt 172.3 tỷ đồng, giảm mạnh 47% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ hoạt động bán hàng đạt 116.9 tỷ đồng, giảm 58%; doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt 55 tỷ đồng, tăng 12.5%; còn lại doanh thu từ các hoạt động khác không đáng kể.
VNE cho hay, sau khi điều chỉnh các giao dịch nội bộ, lợi nhuận gộp tăng 24%, đạt 38.1 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng 12.7 điểm phần trăm lên 22.1%.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2023 của VNE
Doanh thu tài chính giảm đến 84% còn 0.7 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tài chính tăng 4% lên 27 tỷ đồng.
Sau cùng, VNE lãi ròng “mỏng” 1.1 tỷ đồng, biên lãi ròng chưa đến 1%, nhìn chung vẫn tích cực hơn mức lỗ 5.1 tỷ đồng của cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 647.3 tỷ đồng, giảm 61%; lãi ròng 4.4 tỷ đồng, tăng 195%.
Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2023 của VNE (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Năm 2023, VNE đặt ra kế hoạch kinh doanh công ty mẹ với tổng doanh thu, thu nhập 1,917 tỷ đồng (bao gồm doanh thu bán hàng, doanh thu tài chính và thu nhập khác) và lãi sau thuế 15.5 tỷ đồng. Xét trên kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng của công ty mẹ với những con số tương ứng là 438.9 tỷ đồng và 2.5 tỷ đồng, VNE đã thực hiện lần lượt 23% kế hoạch doanh thu và 16% kế hoạch lợi nhuận.
Nợ vay quá nửa tổng nguồn vốn
Cuối quý 3, tổng tài sản của VNE đạt 3,599 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn 940.4 tỷ đồng (tương ứng 26% tổng tài sản), giảm 28%.
Công ty ghi nhận 624 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn (tướng ứng 17% tổng tải sản), chủ yếu đến từ chi phí xây dựng dở dang tại dự án nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong hơn 466 tỷ đồng. Đây là dự án có tổng công suất 32MW với tổng vốn đầu tư 1,499 tỷ đồng và đang được thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HOSE: HDB). Còn lại là chi phí dở dang tại dự án siêu thị Green Mart, TP. Đà Nẵng, dự án đầu tư khu đô thị mới Mỹ Thượng, tỉnh Thừa Thiên Huế và các dự án khác.
Dự án nhà máy điện gió Thuận Nhiên Phong, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận
Cơ cấu nguồn vốn của VNE chủ yếu đến từ việc vay nợ. Cụ thể, dư nợ vay của VNE lên đến gần 1,804 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm và chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2023 của VNE
Cổ phiếu liên tục “lau sàn”, biến động cổ đông lớn
Gần đây, giá cổ phiếu VNE gây chú ý khi có đến 8 phiên giảm sàn trong tháng 10, trong đó có 7 phiên giảm sàn liên tiếp từ ngày 17 đến ngày 25/10.
Cổ phiếu VNE liên tiếp giảm sàn trong tháng 10/2023
Nguồn: VietstockFinance
Trước tình hình cổ phiếu giảm sàn liên tục, VNE đã phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM với nội dung trình bày quen thuộc khi VNE cho rằng giá cổ phiếu giảm thời gian gần đây do diễn biến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
Nhóm cổ đông lớn của VNE cũng gây chú ý trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, ông Trần Quang Cần - Phó Chủ tịch HĐQT VNE đăng ký bán hết 5.86 triệu cp đang sở hữu trong thời gian ngày 01 - 30/11. Lý do thoái sạch vốn được Phó Chủ tịch VNE đưa ra là vì nhu cầu tài chính cá nhân. Động thái chủ động đăng ký bán sạch cổ phiếu của ông Cần diễn ra sau khi ông liên tiếp bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu VNE sau chuỗi giảm mạnh.
Trước đó, ngày 23/10, một cổ đông lớn cá nhân quốc tịch Thái Lan – Smit Cheancharadpong đã rút hết vốn khỏi VNE sau bán hết 4.32 triệu cp (chiếm 5.27% vốn).
Đáng chú ý, cùng ngày, bà La Mỹ Phượng - cổ đông lớn VNE đang nắm giữ 5.21 triệu cp (chiếm 6.35%) cũng đã mua vào bằng đúng số lượng cổ đông Thái Lan thoái ra 4.32 triệu cp VNE, nâng tỷ lệ sở hữu lên 11.63%, tương đương 9.53 triệu cp. Như vậy, khả năng cao cổ đông Smit Cheancharadpong đã sang tay 4.32 triệu cp VNE cho bà La Mỹ Phượng.
Trước đó, ông Trần Văn Huy - Phó Tổng giám đốc VNE đã bán 100,000 cp từ ngày 19/09 - 13/10 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Huy chỉ còn nắm 4,500 cp, tương đương 0.0055% vốn.
Đáng chú ý hơn, CTCP Malblue, cổ đông lớn đồng thời là công ty liên quan đến Chủ tịch HĐQT VNE Nguyễn Minh Tuấn, đăng ký bán 3.6 triệu cp từ ngày 12/10 - 09/11/2023. Nếu thành công, Malblue sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VNE từ 7.2% xuống còn 3.2% (tương đương hơn 2.9 triệu cp), qua đó rời ghế cổ đông lớn. Trước đó, Malblue cũng đã bán tổng cộng 4.6 triệu cp VNE từ ngày 13/09 - 03/10.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu VNE đã giảm gần 35%, về mức 5,950 đồng/cp sau khi kết phiên giao dịch 31/10, thanh khoản bình quân gần 480 ngàn cp/ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận