Nhiều công ty chứng khoán rục rịch lên sàn
Mới chưa đến phân nửa thành viên đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán tập trung. Dù vậy, sức hấp dẫn của thị trường và nhu cầu huy động vốn có thể thúc đẩy nhiều đơn vị mới lên sàn.
Đại chúng hóa, rục rịch chào sàn
Cuối năm 2021, hai công ty chứng khoán gồm Chứng khoán Stanley Brothers (SBSI) và Chứng khoán An Bình (ABS) đồng loạt hoàn tất hồ sơ trở thành công ty đại chúng.
Ông Nguyễn Quang Anh, Tổng giám đốc SBSI đã quyết định chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch UPCoM ngay ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ. ABS chưa có động thái mới sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký hồ sơ công ty đại chúng kể từ ngày 30/12. Tuy nhiên, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hồi giữa tháng 4/2021, chủ trương và lộ trình niêm yết cổ phiếu ABS đã được các cổ đông thông qua và ủy quyền cho HĐQT quyết định sàn và thời điểm cụ thể niêm yết. Kế hoạch lên sàn sau khi “đại chúng hóa” chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam, hiện chỉ có phân nửa (34/73) công ty chứng khoán đã đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung. Tất nhiên, trong số này, nhiều công ty là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là các công ty chứng khoán do các nhà băng sở hữu 100% cổ phần hay do tổ chức nước ngoài sở hữu.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán sau bước chuyển lớn 2 năm đại dịch cũng khiến nhiều công ty chứng khoán phải suy nghĩ lại việc lên sàn.
Đầu tháng 12/2021, CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn HoSE. Cổ phiếu CSI của công ty này đã giao dịch trên sàn UPCoM gần 3 năm và lên kế hoạch chuyển sàn từ giữa tháng 8/2021. Cũng từ thời điểm này, giá cổ phiếu liên tục được các nhà đầu tư chấp nhận ở mức cao hơn, thậm chí đã quá nóng, dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đi lùi và thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu 4 quý gần nhất chỉ vỏn vẹn 488 đồng.
Tất nhiên, đây sẽ là áp lực trong tương lai nếu công ty chứng khoán này không có những thay đổi căn bản để tạo ra khoản lợi nhuận bền vững lớn hơn. Nhưng ở góc độ khác, sức nóng này cũng cho thấy sự quan tâm của dòng tiền đến nhóm cổ phiếu chứng khoán, cũng như cơ hội từ câu chuyện đại chúng hóa và đưa cổ phiếu lên sàn.
Làn sóng tăng vốn tiếp theo
Năm 2021 là năm thành công đối với các phương án phát hành của đại đa số công ty chứng khoán trên sàn và cả các công ty chứng khoán mới giao dịch ở sàn phi tập trung. ABS trước khi trở thành công ty đại chúng đã phát hành thành công tăng vốn từ 603 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu.
Cơ cấu cổ đông đa dạng và nằm trong nhóm ngành đang có sức hút với nhà đầu tư, khiến ngành chứng khoán đang tận dụng tốt nguồn vốn từ thị trường.
Tất nhiên, cũng có những khó khăn nhất định ở trường hợp cổ đông chủ chốt không đồng thuận kế hoạch tăng vốn. Chứng khoán TP.HCM (HSC) là một trong đơn vị trình cổ đông phương án tăng vốn sớm nhất, nhưng tỷ lệ tán thành chỉ vừa đủ trên 51%. Phương án này cũng mới về đích vào giữa tháng 12/2021. Hay đợt chào bán cổ phần riêng lẻ của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đang chờ đàm phán với đối tác chiến lược Hana Financial Investment - nhà đầu tư dự kiến sở hữu tối đa 35% vốn BSC.
Tuy vậy, với hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới cũng dòng tiền lớn đổ vào thị trường, thiếu vốn trở thành cản trở lớn với các công ty chứng khoán, đặc biệt trong cuộc đua thị phần môi giới. HSC từ vị trí thứ hai về thị phần duy trì nhiều năm trên sàn HoSE đã rơi xuống vị trí thứ tư. Trong khi đó, VNDirect đã có năm đầu tiên lọt vào Top 3 thị phần môi giới lớn nhất sàn HoSE. Đây cũng là năm đầu tiên, công ty chứng khoán này thực hiện thành công đợt tăng vốn khủng, tăng quy mô lên gấp đôi (4.349,5 tỷ đồng).
Theo bà Phạm Minh Hương, chỉ 2 tháng sau đợt tăng vốn hồi tháng 7/2021, VNDirect đã sử dụng hết và chạm trần trong tỷ lệ cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. “Tài sản cho vay margin hiện đã tối ưu tất cả. Nếu được tăng vốn kịp thời, Công ty sẽ có thể đón nhận được chu kỳ tăng trưởng mới của công ty chứng khoán”, bà Hương cho biết.
Với lý do này, VNDirect tiếp tục chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 và sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu phát hành gần 348 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10:8. Quy mô vốn chủ sở hữu theo ước tính của Công ty sẽ tăng từ mức 9.300 tỷ đồng lên 13.000 tỷ đồng.
Làn sóng tăng vốn tiếp theo của nhóm chứng khoán cũng đang diễn ra. Ngoài VNDirect, SSI và SHS cũng đã công bố về kế hoạch tăng vốn. Vốn điều lệ của SSI dự kiến tăng lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn của một ngân hàng tầm trung. SHS đang trong quá trình chờ đợi sự chấp thuận của cổ đông về phương án phát hành 325,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) lên 6.505 tỷ đồng, nếu thành công sẽ vươn lên vị trí thứ ba về vốn điều lệ, chỉ sau SSI và VNDirect.
Ở quy mô nhỏ hơn, nhiều công ty chứng khoán cũng đang cấp tập tăng vốn. Chứng khoán APG đang cùng lúc triển khai phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 và phát hành riêng lẻ hơn 73,1 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 731,5 tỷ đồng lên hơn 2.800 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông đa dạng và nằm trong nhóm ngành đang có sức hút với nhà đầu tư, khiến ngành chứng khoán đang tận dụng tốt nguồn vốn từ thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận