Nhân viên ngân hàng có thể nhận thưởng Tết 10 tháng lương
Thưởng tết năm nay cao nhất thuộc về nhóm ngân hàng quốc doanh, trong đó chi nhánh xuất sắc có thể đạt 10 tháng lương còn các nhà băng tầm trung có mức thưởng phân hóa.
Khảo sát của VnExpress cho thấy, năm nay mức thưởng Tết có sự phân hóa lớn giữa các nhóm ngân hàng và trong nội bộ mỗi ngân hàng, chủ yếu do chênh lệch về hiệu suất kinh doanh.
Thông thường, cách tính lương và thưởng là 80% lương cơ bản được chia trong năm, 20% còn lại được chia sau khi đã chốt sổ kết quả kinh doanh, phần này còn được gọi là quỹ lương thừa. Quỹ này không bổ đều cho tất cả nhân viên mà sẽ phân chia tuỳ theo hiệu suất kinh doanh của từng chi nhánh và cá nhân.
Giới trong ngành gọi khoản chia từ quỹ lương thừa là "tiền lương theo hiệu suất kinh doanh", nhưng do chi vào dịp quyết toán - cũng dịp cận Tết, nên mọi người thường gọi là thưởng Tết.
Năm nay, nhóm nhà băng quốc doanh và những ngân hàng tư nhân top đầu có mức thưởng Tết cao nhất. Tại một nhà băng quốc doanh top đầu thị trường, với những đơn vị xếp loại xuất sắc, hoàn thành vượt kế hoạch, cán bộ nhân viên được nhận thưởng khoảng 10 tháng lương hiệu suất kinh doanh.
Chuyên viên quan hệ khách hàng một chi nhánh của Ngân hàng Quân Đội (MB) đánh giá mức thưởng năm nay cũng "ổn hơn dự tính". Nhờ chi nhánh được xếp loại xuất sắc, mức thưởng trung bình đạt từ 5 đến 7 tháng lương cơ bản (xếp loại nhân viên khá và tốt), nhân viên hoàn thành vượt kế hoạch (xếp loại xuất sắc) được cao hơn.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tầm trung, mức thưởng có sự phân hóa cao. Nhân sự một ngân hàng tầm trung có trụ sở tại Hà Nội cho biết năm nay mặt bằng chung thưởng Tết của nhà băng này trong khoảng 1-5 tháng lương, thấp hơn so với năm 2021. "Con số cụ thể dựa trên kết quả hoàn thành chỉ tiêu và thâm niên công tác, nhưng mặt bằng chung là thấp hơn năm ngoái 1-2 tháng lương", nhân viên này cho biết.
Nhân viên tại quầy một ngân hàng thương mại tại TP HCM. Ảnh: Thanh Tùng
Đại diện một ngân hàng khác tại Hà Nội cũng chia sẻ, nhà băng này có chênh lệch lớn về thưởng giữa những chi nhánh hoàn thành và không hoàn thành chỉ tiêu.
Nhiều chi nhánh "chưa hoàn thành KPI" có thể nhận mức thưởng không như kỳ vọng, trong khi những nơi hoàn thành xuất sắc được thưởng tốt hơn năm trước. Việc chi trả khoản thưởng với nhà băng này cũng thực hiện khác với các ngân hàng khác khi chia thành hai đợt, trong đó một đợt được trả trước Tết Nguyên đán.
Với những ngân hàng có vốn nước ngoài, thưởng Tết không phải là "thế mạnh".
Nhân viên tín dụng chi nhánh một ngân hàng vốn Hàn Quốc cho biết, nếu xếp loại A, chuyên viên quan hệ khách hàng được thưởng 1 tháng lương. Mức thưởng giảm còn 0,5-0,8 tháng lương với chuyên viên loại B, còn loại C sẽ không có thưởng. Con số này tương đương với năm trước.
Khác với những con số nhiều tháng lương tại các nhà băng top đầu, tại nhóm ngân hàng nhỏ, thuộc diện tái cơ cấu vẫn còn khó khăn, mức thưởng của người lao động không cao, thậm chí chỉ 1-2 triệu đồng hoặc không có thưởng.
Sự khác nhau về con số thưởng Tết phản ánh một phần bức tranh chung hoạt động ngân hàng, của sự chênh lệch của nhóm nhà băng quốc doanh và phần còn lại.
Quán quân lợi nhuận năm 2022 vẫn thuộc về Vietcombank với mức lãi riêng lẻ tăng gần 40% lên 36.770 tỷ đồng, cách biệt lớn với nhóm còn lại.
Các ngân hàng khác trong nhóm quốc doanh cũng không kém. BIDV ghi nhận mức lợi nhuận riêng lẻ tăng gần 80%, cú nhảy vọt giúp BIDV từ top cuối của Big 4 vươn lên đứng thứ hai trong năm 2022, chỉ sau Vietcombank. Tại VietinBank, đà tăng trưởng có phần chậm hơn với lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Với nhóm ngân hàng tư nhân top đầu khác, mức tăng trưởng về lợi nhuận với nhiều nhà băng có thể đạt hai con số.
Lợi nhuận của các ngân hàng này tăng tốt nhờ tín dụng tăng cao nhất nhiều năm qua (như Vietcombank có tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021) và nguồn thu ngoài lãi.
Tuy nhiên, khi đánh giá về triển vọng năm tới, nhân viên những ngân hàng trong top thưởng cao đều tỏ ra thận trọng.
Thách thức với ngành ngân hàng năm nay được dự báo không kém năm 2022, trong đó sức khỏe doanh nghiệp sẽ là một vấn đề cần quan tâm. Áp lực trái phiếu đến hạn vào giữa năm 2023, mặt bằng lãi suất tăng cao, khó khăn từ giai đoạn Covid phản ánh rõ hơn có thể ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp - những khách hàng vay vốn chính của nhóm nhà băng top đầu.
"Chỉ mong năm tới có thể duy trì được như năm nay, nhưng có lẽ sẽ không dễ dàng", nhân viên tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội, chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận