Nhận định chứng khoán 27/5: Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi
Thị trường chứng khoán có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên đầu tuần 27/5. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang chuyển trạng thái tiêu cực hơn, nhưng điểm tích cực là các chỉ số chưa xuyên thủng các mức hỗ trợ ngắn hạn nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi và biến động hẹp.
Xu hướng giảm điểm vẫn chưa được xác nhận
Sau gần 1 tháng miệt mài hồi phục, thị trường chứng khoán đã tiệm cận lại vùng đỉnh cũ giai đoạn tháng 4. Cùng với đó là sự tham gia mạnh mẽ trở lại của nhà đầu tư, chỉ số VN-Index cũng biến động tương đối lớn. Ngay từ phiên thứ 2 đầu tuần, thị trường đã mở tốc với thông tin tích cực khi chỉ số CPI của Mỹ thấp hơn so với dự báo. Áp lực bán những phiên sau đó bất ngờ gia tăng mạnh, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cầm đầu đà giảm, chỉ số VN30 giảm gần 27 điểm sau khi vượt đỉnh. Thị trường giao dịch với biên độ tương đối lớn và giằng co trong 3 phiên cuối tuần sau khi SBV phát đi tín hiệu tăng lãi suất OMO để kiềm chế đà tăng tỷ giá. Phiên giao dịch cuối tuần gần như phản ánh đầy đủ diễn biến tuần qua khi thị trường tăng điểm nhẹ đầu phiên, bất ngờ bị bán mạnh và sự nhập cuộc của dòng tiền bắt đáy giúp chỉ số “rút chân” trở lại. Đóng cửa tuần giao dịch 20/5-24/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,261.93 điểm, giảm 11.18 điểm (-0.88%).
Thanh khoản có 1 tuần giao dịch bùng nổ, vượt trung bình 20 tuần giao dịch và đạt đỉnh trong hơn 1 tháng trở lại đây. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 1,067 triệu cổ phiếu (+37.56%), tương đương 27,666 tỷ đồng (+39.05%) về giá trị giao dịch.
Đóng cửa tuần giao dịch 20/5-24/5, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1,261.93 điểm, giảm 11.18 điểm (-0.88%)
Trái ngược với diễn biến tiêu cực của điểm số, độ mở thị trường vẫn duy trì sắc xanh với 13/21 nhóm ngành tăng điểm. Nhóm midcap giao dịch tương đối ấn tượng trong tuần qua bất chấp những phiên thị trường chỉnh mạnh: Nhựa (+8,43%), Bảo hiểm (+7,32%), Dầu khí (+6,27%),... Ở chiều ngược lại, các nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn gặp áp lực bán tương đối mạnh: Chứng khoán (-2,85%), Công nghệ viễn thông (-2,52%), Bất động sản (-2,36%), Ngân hàng (-1,25%),...
Khối ngoại gia tăng cường độ bán ròng với -5,353 tỷ đồng, là tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm trên cả 3 sàn giao dịch. Tâm điểm bán ròng khối ngoại trong tuần qua là nhóm cổ phiếu: FPT (-667 tỷ đồng), VHM (-657 tỷ đồng), VNM (-370 tỷ đồng),... Ở chiều mua ròng, những cái tên hiếm hoi lọt danh sách mua của khối ngoại gồm có: DBC (+627 tỷ đồng), FUEVFVND (+224 tỷ đồng), NLG (+135 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), chứng khoán giảm mạnh với khối lượng cao trong phiên cuối tuần là một tín hiệu xấu, nhưng điểm tích cực là VN-Index chưa xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.285 – 1.260 điểm nên xu hướng giảm điểm vẫn chưa được xác nhận.
“Ở thời điểm hiện tại, vị thế mua thăm dò khi thị trường chung giảm trong các phiên trước vẫn đang ở mức cân bằng giữa rủi ro/lợi nhuận nên tạm thời nhà đầu tư hạn chế việc mua thêm, chỉ gia tăng thêm tỷ trọng khi vị thế mua trước đó đã có lợi nhuận. Trong trường hợp giảm mạnh, có thể kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ 1.220 điểm sẽ là mốc giữ VN-Index lấy lại cân bằng”, chuyên gia của CSI nêu quan điểm.
Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), thị trường phiên cuối tuần trước trải qua một phiên điều chỉnh mạnh với áp lực đến từ liên thị trường sau thông tin PMI Mỹ đêm 23/5. Đáng chú ý, thanh khoản VN-Index phiên 23/5 ghi nhận mức lớn nhất từ khi hình thành vùng đáy tại vùng 1.170 điểm và liên tục gia tăng về cuối phiên. Mặc dù vậy, trong phiên hôm nay lại không có cổ phiếu nào giảm sàn thể hiện lực cầu tại vùng giá thấp là tương đối tốt.
Thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi
“Thị trường có thể sẽ sớm cân bằng và thu hẹp thanh khoản trở lại để thiết lập nền giá mới, nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò nếu thị trường kiểm định mốc 1.245-1.250 điểm”, chuyên gia của ASEANSC nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi trong phiên đầu tuần 27/5. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang chuyển trạng thái tiêu cực hơn, nhưng điểm tích cực là các chỉ số chưa xuyên thủng các mức hỗ trợ ngắn hạn nên thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi và biến động hẹp trong những phiên giao dịch tới khi thị trường vẫn còn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm cho thấy các nhà đầu tư thận trọng hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức tăng xuống trung tính, trong đó xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN30 bị hạ xuống mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40-45% danh mục và chưa nên mua mới trong giai đoạn này”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0,9% so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên đồ thị giá của chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được mức kháng cự 1.280 điểm trong những tuần giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính.
“Do đó, các nhà đầu tư có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng trong trung hạn”, chuyên gia của YSVN cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận