Nhà Thủ Đức (TDH), áp lực sau quyết định truy thu thuế
Sau thời gian dài không có dự án được cấp phép triển khai và lo đối phó với khó khăn do Covid-19, giờ đây Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) phải gánh thêm áp lực lớn là sự hối thúc của Cục Thuế TP.HCM để truy thu 451 tỷ đồng.
Khó xoay xở
Cuối tuần qua, TDH và Cục Thuế TP.HCM đã có cuộc gặp làm việc sau khi cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của Công ty để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Số tiền cưỡng chế truy thu là 451 tỷ đồng, cao hơn so với số tiền gần 400 tỷ đồng bao gồm tiền hoàn thuế bị thu hồi và tiền phạt chậm nộp.
Theo báo cáo tài chính của TDH, hầu như toàn bộ số tiền của Công ty đều đang nằm tại các công ty con, bởi theo báo cáo riêng của TDH, dư tiền và tiền gửi các loại đến cuối năm 2020 chỉ vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, trong khi đó con số này tại thời điểm đầu năm là 81 tỷ đồng. Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất, TDH có số tiền, tương đương tiền là 231,1 tỷ đồng, tăng 2,54 lần so với đầu năm.
Như vậy, để nộp thuế, TDH cần chuyển tiền từ tài khoản công ty con về tài khoản phong tỏa. Nhưng việc huy động tiền trong thời gian ngắn là không khả thi. Nếu sử dụng hết tiền và tương đương tiền tại công ty con, TDH chỉ nộp ngay được hơn một nửa số tiền thuế bị cưỡng chế nộp. Còn số này trên thực tế dự kiến ít hơn, vì nếu huy động hết tiền, doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng mất thanh khoản.
Vì thế, TDH và cơ quan thuế cần đối thoại với nhau để tìm ra phương án khả thi. Được biết, cơ quan thuế quyết liệt truy thu thuế, đề nghị tòa án hủy áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lo ngại doanh nghiệp không còn tài sản để thu hồi tiền thuế vào ngân sách thì trách nhiệm sẽ thuộc về tòa án.
Ngày 26/2/2021, tòa án đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời (trước đó, căn cứ đơn yêu cầu của TDH và các chứng cứ liên quan, tòa án đã tạm đình chỉ thi hành quyết định truy thu thuế và số tiền chậm nộp).
Nhưng nếu cơ quan thuế “siết” mạnh quá có thể làm một doanh nghiệp phá sản vì đứt dòng tiền, hoặc lâm vào tình thế khó khăn, hoạt động èo uột trong nhiều năm. Điều này ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hàng trăm người lao động và cuối cùng là ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong tương lai.
TDH là công ty niêm yết, mức độ minh bạch cao hơn các công ty chưa niêm yết. Đây là công ty bất động sản, không dễ gì tẩu tán hay làm thất thoát tài sản để tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Con số gần 400 tỷ đồng tiền thuế bị truy thu và xử phạt không phải là quá lớn khi chỉ chiếm khoảng 7,2% tài sản hợp nhất của TDH tính đến cuối năm 2020 và so với quy mô tài sản trên báo cáo riêng, tỷ lệ này là 11,1%.
Nhưng do tài sản chủ yếu nằm ở hàng tồn kho là các dự án bất động sản đang triển khai dở dang nên TDH cần thời gian để chuyển đổi tài sản thành tiền, đáp ứng yêu cầu nộp thuế và thanh khoản.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, khi khoản truy thu thuế với doanh nghiệp quá lớn với khả năng thanh toán thì hai bên có thể bàn một giải pháp, lộ trình phù hợp. Nhưng cái khó là thẩm quyền giãn, hoãn truy thu thuế lại không nằm ở Cục Thuế TP.HCM.
Trong khi đó, luật sư của Công ty Luật sư Luật Việt nêu quan điểm, quyết định của cục thuế chỉ cưỡng chế tài khoản của một pháp nhân thì việc nộp thuế chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp, vì nhiều khi tài khoản phong tỏa là tài khoản 0 đồng, hoặc không đủ tiền. Sau này, khi có phân xử của tòa án, dựa trên quyết định thi hành án, cơ quan thuế mới có thể thu các tài sản của đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, mặc dù theo đuổi vụ khiếu kiện quyết định hành chính của Cục Thuế TP.HCM, nhưng TDH vẫn đang tìm cách chấp hành, thu xếp một phần tiền để chuyển vào tài khoản.
Áp lực chồng áp lực
Khó khăn của TDH không chỉ nằm ở bài toán “xoay” ngay 451 tỷ đồng để nộp thuế, Công ty còn phải chuẩn bị hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư các dự án dở dang hiện hữu mà nếu không làm được, nhiều rủi ro sẽ phát sinh đối với các nghĩa vụ tài chính khác như thanh toán nợ, các khoản phải trả, phải nộp khác đến hạn (tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả chiếm 53,5% tổng nguồn vốn hợp nhất của TDH).
Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2020, giá trị hàng tồn kho của TDH là 996 tỷ đồng, giảm 367 tỷ đồng so với cuối quý III/2020 và giảm hơn 40 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do ghi giảm giá trị tại dự án Khu phức hợp Centum Wealth (TP.HCM) và dự án Aster Garden Towers (Bình Dương).
Đối với chi phí sản xuất - kinh doanh dở dang ngắn hạn tại các dự án còn lại cũng như khoản mục chi phí dở dang dài hạn với giá trị 927,6 tỷ đồng, giá trị ít biến động so với đầu năm, cho thấy tiến độ triển khai khá chậm.
Giả định việc khiếu nại quyết định thuế bất thành, TDH sẽ phải hạch toán lỗ với số tiền gần 400 tỷ đồng, tương đương trên 20% vốn chủ sở hữu.
Giả định việc khiếu nại quyết định thuế bất thành, TDH sẽ phải hạch toán lỗ với số tiền gần 400 tỷ đồng bị truy thu và xử phạt, số tiền này tương đương trên 20% vốn chủ sở hữu của Công ty trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm cuối năm 2020 và việc hạch toán chi phí, ghi giảm vốn chủ sở hữu sẽ làm giảm giá trị sổ sách của doanh nghiệp từ gần 15.400 đồng/cổ phiếu xuống còn 11.800 đồng/cổ phiếu.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu TDH phiên 2/3/2021 được giao dịch ở mức giá 7.160 đồng/cổ phiếu. Mức giá này đã phản ánh phần nào rủi ro giảm vốn do bị truy thuế nên phiên sau đó bật tăng trần khi Công ty có thông cáo báo chí phủ nhận thông tin cáo buộc xuất khẩu khống của phía Hải quan.
Nếu giá cổ phiếu duy trì ở mặt bằng giá thấp trong thời gian dài, rất có thể TDH lại trở thành mục tiêu mua bán - sáp nhập (M&A), sau khi bên mua không thành công trong kế hoạch M&A vào đầu năm ngoái.
Thách thức và áp lực đang bủa vây đội ngũ lãnh đạo TDH, nhưng phương án tiếp nhận thêm cổ đông mới, có năng lực tài chính bơm vốn vào Công ty có thể là một giải pháp tốt để giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn khủng hoảng vì thuế hiện nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận