Nhà đầu tư khốn khổ khi mua đất dự án Sentosa Mũi Né
Hàng trăm nhà đầu tư mua đất dự án Sentosa Mũi Né (TP Phan Thiết) gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì diện tích mua là đất ở đô thị lâu dài bỗng bị chuyển thành đất thương mại dịch vụ, trong khi người mua giai đoạn 1 thì chờ đợi cả chục năm mà chưa được cấp phép xây dựng.
Đất ở đô thị bỗng chốc đổi thành đất thương mại dịch vụ
Suốt 2 năm qua, anh Dương Quang Thịnh (TP HCM) và nhiều nhà đầu tư mua đất tại dự án Sentosa Mũi Né (Dự án khu nghỉ dưỡng Mũi Né, TP Phan Thiết), đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi, khi hay tin phần đất mình mua bị chuyển từ đất ở đô thị lâu dài sang đất ở thương mại dịch vụ.
Theo lời anh Thịnh, đầu tháng 4/2022, gia đình anh gom góp và vay mượn bạn bè hàng tỷ đồng để mua lô đất tại dự án. Ngay sau đó, anh đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn của chủ đầu tư tại văn phòng công chức và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tuy nhiên, khi mọi thứ đã xong xuôi anh Thịnh nhận được thông tin khu đất mà mình mua vốn là đất ở đô thị đã bị chuyển đổi thành đất thương mại dịch vụ. “Tôi nhẩm tính, dự án được phê duyệt đầu tư từ năm 2011, nếu chuyển sang đất thương mại dịch vụ 46 năm, thì mảnh đất của tôi chỉ còn hơn 30 năm sử dụng”, anh Thịnh chua xót nói.
Cũng theo lời anh Thịnh, hiện anh và gia đình vẫn đang “gồng mình” trả lãi số tiền đã vay mượn để mua đất dự án Sentosa Mũi Né. Nhiều khi muốn bán đất để giảm áp lực tài chính thì không ai mua, muốn xây dựng cũng không được nên thành ra mảnh đất bị bỏ hoang suốt thời gian qua.
Hàng trăm nhà đầu tư mua đất dự án Sentosa Mũi Né (TP Phan Thiết) gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì diện tích mua là đất ở đô thị lâu dài bỗng bị chuyển thành đất thương mại dịch vụ.
Tương tự anh Thịnh, chị Nguyễn Thị Huệ (Hà Nội) cũng là một trong hàng trăm nhà đầu tư mua đất tại dự án đang “đứng ngồi không yên” vì việc lô đất của mình bỗng dưng bị chuyển mục đích sử dụng.
“Chúng tôi tha thiết đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi Quyết định số 2188 ngày 18/10/2022 chuyển mục đích sử dụng dự án sang thương mại dịch vụ, giữ nguyên mục tiêu đầu tư dự án là đất ở đô thị theo quyết định đầu tư năm 2017, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người mua đất”, chị Huệ bày tỏ.
Theo tìm hiểu, dự án Sentosa Mũi Né được UBND Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP đầu tư và dịch vụ - thương mại Lâm Viên năm 2011. Đến năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 523 cho phép chuyển một phần đất của dự án sang đất ở tại đô thị với diện tích 78.973 m2.
Cũng theo quyết định, thời hạn sử dụng đất là lâu dài và hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo Văn bản số 7895 ngày 24/6/2022 của Cục Thuế Bình Thuận, thì chủ đầu tư đã nộp đủ tiền sử dụng đất đối với diện tích 78.973 m2 đất ở đô thị.
Bản vẽ dự án Sentosa Mũi Né giai đoạn 1 và 2 hoàn thành trong tương lai, cùng pháp lý đầy đủ khiến người dân tin tưởng mua, nhưng giờ đây vẫn chỉ là bãi đất trống.
Dưới góc độ pháp lý, nhiều luật sư cho rằng quyết định của UBND Bình Thuận liên quan đến dự án không tuân thủ tính nhất quán, kế thừa của pháp luật. Việc chuyển từ đất ở thành đất thương mại dịch vụ, sử dụng đất có thời hạn, hình thức sử dụng đất là nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm dẫn tới quyền lợi và lợi ích hợp pháp của những người dân mua đất tại dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại vô cùng lớn.
Mòn mỏi chờ đợi hơn hơn 10 năm chưa được xây nhà
Theo tìm hiểu, dự án Sentosa Mũi Né được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 có tên Sentosa Villa do Công ty Đầu tư Sài Gòn là chủ đầu tư (CĐT); Giai đoạn 2 có tên Sentosa Mũi Né (Dự án Khu nghỉ dưỡng Mũi Né) do Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ- Thương mại Lâm Viên làm CĐT. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, các nhà đầu tư mua đất dự án ở giai đoạn 1 - Sentosa Villa vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Được biết, giai đoạn 2016 -2018, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 1700 và Quyết định 636 cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án sang đất ở đô thị. Đồng thời, quy hoạch TP Phan Thiết thời gian đó đã thể hiện dự án Sentosa Villa là đất ở đô thị. Phía CĐT đã nộp đầy đủ tiền thuế đất ở đô thị cho nhà nước và dự án đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nhà đầu tư mua đất dự án này đã được chủ đầu tư bàn giao thực địa nền đất để thi công, hoàn thiện.
Đối với tiền chậm nộp thì CĐT đã nộp hồ sơ xin miễn và có đủ cơ sở được miễn theo quy định pháp luật. Hồ sơ đã được Cục thuế tỉnh Bình Thuận tiếp nhận, tuy nhiên đến nay CĐT vẫn chưa nhận được phản hồi từ Cục Thuế, dẫn đến gặp khó khăn trong việc triển khai các thủ tục pháp lý tiếp theo và thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng cho dự án.
Dự án Sentosa Mũi Né đã cơ bản hoàn thành hạ tầng, bể bơi từ nhiều năm, nhưng hiện vẫn chưa được cấp phép xây dựng.
Đặc biệt, trong đợt thanh tra toàn diện 44 dự án tại Bình Thuận năm 2022, dự án Sentosa Mũi Né bị kết luận là chậm tiến độ và được đề xuất gia hạn 24 tháng nhưng đến nay dự án không được triển khai.
Chia sẻ về việc này, ông Phạm Phú Lộc (TP HCM) - một trong số những nhà đầu tư đầu tiên mua đất tại dự án hồi cuối tháng 3/2010 cho biết: “Thời điểm đó, tôi đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho CĐT. Nhưng 14 năm qua, tôi vẫn chưa nhận được giấy phép xây dựng. Số tiền tỷ của gia đình tôi vẫn nằm “chết” hoang phí trong thời gian dài”.
Còn chị Phạm Thị Thanh Hoa (Hà Nội) cho biết, trước khi quyết định mua nền đất Sentosa Mũi Né, chị đã thận trọng xem xét kỹ các văn bản liên quan đến dự án của tỉnh Bình Thuận, nên hoàn toàn tin tưởng về tính pháp lý. Tuy nhiên, hơn 5 năm đã trôi qua, mơ ước về việc xây dựng ngôi nhà ven biển của hai vợ chồng chị vẫn chưa thành hiện thực.
“Chúng tôi rất mong lãnh đạo tỉnh Bình Thuận giải quyết sớm vướng mắc này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cư dân chúng tôi, đồng thời tránh lãng phí tài nguyên đất đang để hoang hơn 10 năm qua”, chị Hoa nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận