Nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại
Từ đầu năm 2021 tới nay, nhiều mặt hàng từ thiết yếu cho sinh hoạt đến nguyên vật liệu xây dựng đều tăng giá khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng. Cùng với đó, tiền vào chứng khoán tăng mạnh, vàng, bất động sản tăng giá khiến nguy cơ bong bóng tài sản trở lại.
Đua nhau tăng giá
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng đầu năm tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, nhưng áp lực lạm phát sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm được đánh giá gồm: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng; giá gas, giá xăng dầu trong nước cũng đã tăng.
Cùng với đó, từ đầu năm tới nay, giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đều tăng giá khá mạnh. Giá sắt thép, xi măng tăng 35 - 40%; giá ngô, đậu, cám gạo tăng 20 - 70%. Học phí đang được nhiều trường đại học xem xét điều chỉnh tăng mạnh. Riêng chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 5/2021 tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.
“Giá các loại mặt hàng trên tăng cao không chỉ gây lạm phát, mà còn ảnh hưởng sản xuất nói chung của doanh nghiệp. Giá đầu vào tăng sẽ khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh . Dự báo áp lực lạm phát sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao”, Tổng cục Thống kê cảnh báo.
Sau khi giảm kỷ lục do COVID-19, từ đầu năm 2021 đến nay, giá dầu thô thế giới liên tiếp tăng. Phiên giao dịch ngày 17/6 (theo giờ Việt Nam) trên sàn New York Mercantile Exchange, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 71,33 USD/thùng, dầu Brent có lúc lên sát 75 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Giá dầu thô tăng cao kéo theo sự tăng giá của dầu thô trong nước.
Sau nhiều lần tăng giá và đã được Liên bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, trong kỳ tăng giá gần nhất (ngày 11/6), giá xăng E5 RON 92 lên mức 19.040 đồng/lít; xăng RON 95 lên 20.160 đồng/lít, mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Trong khi đó, xăng dầu là một trong những mặt hàng đầu vào quan trọng đối với nhiều ngành kinh tế. Giá xăng dầu tăng sẽ khiến chi phí sản xuất, vận chuyển của nhiều ngành nghề tăng lên.
Độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn, do đó một trong những yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả là cước phí vận tải đường biển cũng đang tăng chóng mặt. Hiện tại, lượng hàng hóa xuất khẩu bằng container đường biển chiếm khoảng một nửa khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các hãng tàu biển nước ngoài tăng cước vận tải lên 2 - 3 lần, thậm chí 6 - 7 lần ở một số chặng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không đặt được tàu và container để xuất khẩu. Giá cước tàu biển hiện nay căng thẳng nhất ở các tuyến đi thị trường xuất khẩu nông - thủy sản chủ lực như Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Có bong bóng tài sản?
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đánh giá, thời điểm hiện tại, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, nhưng rủi ro từ vấn đề này đang tiếp tục tích lũy. Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh doanh.
Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm được dự báo còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Đặc biệt là khả năng lạm phát gia tăng, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp và hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
“Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
“Giá nhiều mặt hàng tăng cao không chỉ ảnh hưởng tới lạm phát, mà còn ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp. Giá đầu vào tăng sẽ khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm và đây cũng là điều rất đáng lưu tâm. Áp lực lạm phát sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm”.Tổng cục Thống kê cảnh báo
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài chính) cho rằng, để có thể giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là điều khó khăn. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu tăng lên là một nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao. Mặt khác, thời gian vừa qua, lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao có khả năng cũng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng.
“Gần đây, do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản thông qua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao. Điều này khiến giá sản phẩm bất động sản ở nhiều phân khúc không giảm, thậm chí ở nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM còn tăng cao. Đặc biệt, một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán khiến chứng khoán Việt Nam đã có nhiều phiên giao dịch tỷ USD và VN-Index đã liên tục chinh phục được những đỉnh mới. Cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát”, ông Thịnh nói.
Để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu dưới 4%, ông Thịnh kiến nghị, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tác động đến giá cả, thị trường. Nhất là với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá. Hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận