Nguồn “lương khô” giúp Nga vượt qua “những ngày mưa”
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc Nga chi tiêu quân sự quá mức đang làm suy giảm, nhưng không thể triệt tiêu, sức mạnh tài chính của Tổng thống Putin.
Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đang khiến kho bạc nhà nước Nga cạn kiệt, nhưng những khoản đệm tài chính mà Điện Kremlin đã xây dựng trong 2 thập kỷ qua sẽ đủ để gã khổng lồ Á-Âu tiếp tục tồn tại trong nhiều năm, ngay cả khi giá dầu sụt giảm xuống mức 60 USD/thùng.
Tài sản thanh khoản của Quỹ Tài sản Quốc gia Nga (NWF) đã giảm 58 tỷ USD, tức giảm hơn một nửa, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022. Nguyên nhân sụt giảm là do Chính phủ Nga sử dụng phần “lương khô” này để đưa đất nước vượt qua “những ngày mưa” là hậu quả theo sau xung đột.
NWF – với đầu vào chính đến từ doanh thu năng lượng – đang làm đúng nhiệm vụ của mình. Được thành lập từ năm 2008, nó là một phần của Quỹ Ngân sách Liên bang được hạch toán và quản lý riêng biệt nhằm đảm bảo đồng tài trợ cho khoản tiết kiệm lương hưu tự nguyện của công dân Liên bang Nga, cũng như để cân bằng (bù đắp thâm hụt) ngân sách liên bang và ngân sách của Quỹ Hưu trí Liên bang Nga. Nó cũng là một “tấm đệm an toàn” cho phép nhà nước bù đắp tổn thất từ doanh thu dầu khí trong trường hợp giá giảm mạnh.
Hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết về tình trạng của quỹ này tính đến ngày 1/2/2024. Cụ thể, NWF đạt tổng trị giá 11.965 tỷ Rúp (135 tỷ USD), tương đương 8% GDP dự kiến cho năm 2024. Lượng tài sản lưu động của NWF là 5.010 tỷ Rúp (56,6 tỷ USD), tương đương 3,3% GDP dự kiến cho năm 2024.
Nga lâu nay vẫn kiên trì đấu tranh cho công cuộc “phi đô la hóa” nền kinh tế toàn cầu, kể từ khi đồng USD được sử dụng làm công cụ trừng phạt chính. NWF đã từ bỏ các khoản đầu tư bằng đồng USD vào năm 2021, và cùng năm này cũng bán toàn bộ tài sản bằng đồng tiền của Mỹ. Vào năm 2022, NWF cũng đã thanh lý toàn bộ tài sản bằng đồng Bảng Anh (GBP) và đồng Yên Nhật (JPY). Hiện tại kho “lương khô” của Nga chỉ còn đồng Rúp (RUB), vàng và Nhân dân tệ (CNY).
Cùng với khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đang bị đóng băng ở các nước phương Tây, dữ liệu cho thấy các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow và việc Nga chi tiêu quân sự quá mức đang làm suy giảm, nhưng không thể triệt tiêu, sức mạnh tài chính của Tổng thống Putin.
Biên độ an toàn
“Dường như chúng ta đã đến thời điểm có cảm giác rằng không có đủ tiền, cần nhiều hơn nữa”, bà Sofya Donets, chuyên gia kinh tế trưởng về Nga và các nước CIS tại ngân hàng đầu tư Renaissance Capital có trụ sở tại London (Anh), cho biết.
Với việc Bộ Tài chính Nga có kế hoạch chi 1.300 tỷ Rúp để bù đắp thâm hụt ngân sách trong năm nay, và khoảng 900 tỷ Rúp nữa cho các công ty và dự án đầu tư, khoản tiền khả dụng trong NWF đang giảm dần.
Vào năm 2023, Bộ Tài chính Nga đã chi 3.460 tỷ Rúp từ NWF để bù đắp thâm hụt ngân sách và hơn 1.000 tỷ Rúp ở những nơi khác.
“NWF có biên độ an toàn, nhưng chúng ta phải hiểu rằng nó không phải là vô hạn”, bà Donets nói. “Nếu giá dầu không phải là 65 USD/thùng mà là 60 USD/thùng, thì NWF sẽ bị mất thêm 1.000 tỷ Rúp”.
Còn nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng trong năm nay, kho “lương khô” của Nga sẽ thất thu thêm tới 2.000 tỷ Rúp nữa, chuyên gia kinh tế Yevgeny Suvorov của ngân hàng CentroCreditBank có trụ sở tại Moscow cho biết. “Trong kịch bản này, chúng tôi sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ vào đầu năm 2025. Nói một cách đơn giản, Nga sẽ không còn miễn nhiễm trước giá dầu thấp nữa”.
Giá dầu thô Brent hiện đang giao dịch ở mức khoảng 82 USD/thùng và giá dầu thô Urals của Nga giao dịch ở mức khoảng 74 USD/thùng, và không có dấu hiệu nào cho thấy khả năng giá dầu sắp xuống dốc, theo Reuters. Thậm chí, Bộ Tài chính Nga còn hy vọng có thể bổ sung cho NWF khoảng 20 tỷ USD trong năm nay.
Ông Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại tổ chức tài chính Astra Asset Management có trụ sở tại London, cho biết ngay cả khi giá dầu ở mức 60 USD/thùng, Nga vẫn có thể duy trì biên độ an toàn trong nhiều năm, mặc dù các khoản đầu tư vào các dự án làm tăng tài sản kém thanh khoản của NWF sẽ tạo ra ít không gian để thở hơn nếu giá hàng hóa giảm.
Phần kém thanh khoản của NWF bao gồm tiền gửi tại ngân hàng nhà nước, đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các dự án đầu tư khác. Trong 2 năm, tài sản kém thanh khoản trong NWF đã tăng từ 38% lên 59%, tương đương lên tới 7.000 tỷ Rúp (78,6 tỷ USD).
Trong số 7.000 tỷ Rúp đó, khoảng 3.100 tỷ Rúp là cổ phần của nhà nước tại ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất của Nga là Sberbank PJSC, cùng với 1.500 tỷ Rúp là cổ phần của các đơn vị khác, như VTB, Gazprombank, Aeroflot, Russian Railways...
Ngưỡng khủng hoảng
Nhưng Bộ Tài chính Nga có thể huy động vốn từ các cuộc đấu giá repo của Ngân hàng Trung ương để đổi lấy tài sản kém thanh khoản, ông Polevoy cho biết.
“Nói cách khác, trạng thái của một tài sản kém thanh khoản về mặt pháp lý không có nghĩa là không thể sử dụng nó trên thực tế trong ngắn hạn và trung hạn”, ông Polevoy nói. “Ngân sách Liên bang sẽ luôn có thể nhận đồng Rúp từ Ngân hàng Trung ương cho các tài sản kém thanh khoản của NWF, bất kể trạng thái của chúng”.
Các nhà chức trách bảo thủ về mặt tài chính của Nga có xu hướng cảnh giác với việc gây xáo trộn tình hình. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vào tháng 12 năm ngoái cho biết Bộ của ông chưa chuẩn bị để đưa NWF về 0 và để Nga rơi vào tình trạng không còn xu nào dự trữ.
“Nếu chúng tôi thấy số dư (NWF) giảm, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp khác để cân bằng ngân sách”, ông Siluanov nói, ám chỉ việc cắt giảm chi tiêu công.
Nghĩ rằng Nga có thể nhanh chóng cạn kiệt nguồn dự trữ là sai lầm, bà Elina Ribakova, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Trường Kinh tế Kyiv (KSE), cho biết. Vị chuyên gia đồng thời cũng chỉ ra những nỗ lực của Moscow nhằm thu hẹp thâm hụt ngân sách và sử dụng doanh thu từ dầu mỏ kể từ năm 2014.
“Họ đã làm rất nhiều việc để ưu tiên chiến tranh thay vì chi tiêu xã hội và tạo ra một sự điều chỉnh tài chính nghiêm ngặt hơn mức cần thiết để cách ly hoặc cô lập bản thân khỏi áp lực từ phương Tây”, bà Ribakova nói.
“Giá dầu ở mức 80 USD/thùng là điều cực kỳ thoải mái đối với Nga”, bà Ribakova nhận định. “Có thể ở mức 60-70 USD/thùng, tình hình bắt đầu khó khăn hơn, nhưng chúng ta không thể bắt đầu nói về ngưỡng khủng hoảng nếu Nga vẫn có thể bán dầu ở mức giá 60 USD/thùng trở lên”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường