24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Người dân 'thắt lưng buộc bụng' mua sắm, thị trường Tết Nhâm Dần ảm đạm

Tết năm nay thắt lưng buộc bụng thôi!

COVID-19 là nguyên nhân chính khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, dù Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang cận kề.

Rất nhiều người khi được hỏi về mua sắm Tết đều chia sẻ, đến thời điểm này vẫn chưa nghĩ đến. Nguyên nhân chính là do thu nhập giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Người tiêu dùng "ngại" mua...

Ông Phạm Minh Tuấn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) chia sẻ, gia đình ông có 3 nguồn thu gồm: cho doanh nghiệp thuê hơn 1.000m2 đất tại phường Châu Giang làm kho bãi, mỗi tháng 8 triệu đồng; nguồn thu của ông làm lái xe công nghệ tại Hà Nội và nguồn thu từ quán trà đá của bà Trần Thị Thủy, vợ ông ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tuy nhiên, hơn một năm nay, dịch bệnh diễn biến bất thường, Hà Nội và các địa phương phải giãn cách, cách ly xã hội, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc. Điều này khiến xe công nghệ không có khách, trong khi quán của vợ ông Tuấn cũng phải tạm dừng bán, còn tiền cho thuê mặt bằng phải giảm 2 triệu để chia sẻ khó khăn với người thuê. Nay nguồn thu chính của gia đình 4 người chỉ còn 6 triệu đồng cho thuê mặt bằng và số tiền chạy xe công nghệ không đáng kể mỗi ngày.

“Nguồn thu thấp, gia đình phải hạn chế mua sắm, chi tiêu Tết để phòng khi có việc bất thường diễn ra”, ông Tuấn nói.

Chị Phạm Thị Loan, công nhân một công ty thực phẩm tại huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên năm nay doanh nghiệp nơi chị làm chưa công bố mức thưởng Tết cho người lao động. Tiền chưa có nên gia đình vẫn chưa thể lên kế hoạch mua sắm Tết.

“Gia đình ở Hà Nội nhưng quê vợ chồng tôi đều ở Nam Định. Năm nay dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp nên có lẽ chúng tôi sẽ ở lại Hà Nội đón Tết, vừa đảm bảo an toàn vừa tiết kiệm chi tiêu”, chị Loan cho biết.

"Chờ lương, thưởng rồi mới tính" là tâm trạng của rất nhiều người đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội khi được hỏi mua sắm Tết năm nay. Đa phần đều nói, lo ăn hằng ngày chưa đủ, không nghĩ ngợi đến Tết nhiều. Những người làm công ăn lương càng không dám tiêu xài vì thu nhập giảm trầm trọng. Việc hạn chế chi tiêu, mua sắm của người dân cũng kéo theo hệ lụy doanh thu của các đơn vị bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.

...người bán "méo mặt" vì doanh thu giảm

Chị Lê Thị Hồng Liên, chủ một đại lý thực phẩm tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, mọi năm, đến thời điểm này, chị đã bán được hàng trăm triệu đồng tiền hàng, nhất là đặc sản trâu gác bếp, thịt lợn hun khói, thịt bò phơi một nắng và các loại đặc sản vùng miền. Nhưng năm nay, sau hơn nửa tháng đăng bán các mặt hàng đặc sản, mới chỉ có 11 người hỏi mua, giá trị đơn hàng chưa tới 15 triệu đồng.

Sức mua giảm còn thể hiện rõ rệt tại nhiều siêu thị ở Hà Nội. Quan sát của PV VTC News ngày 11/1 (9/12 âm lịch), cách thời điểm Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần tại siêu thị BigC Thăng Long (Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) cho thấy, lượng người thưa vắng, khác hẳn với cảnh đông đúc thường thấy ở đây mỗi dịp giáp Tết. Ngay trong dịp nghỉ Tết dương lịch, cảnh vắng vẻ cũng bao trùm siêu thị rộng lớn này.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, nhân viên quầy hàng thời trang dày dép, túi xách trong siêu thị cho biết, để kích cầu tiêu dùng, cửa hàng đã giảm 12% giá bán cho tất cả các sản phẩm. Nếu khách hàng mua từ 2 sản phẩm trở lên sẽ được giảm 22%. “Tuy nhiên, số lượng hàng bán được tại thời điểm này rất ít, giảm khoảng 60% so với cùng thời điểm năm 2020”, chị Trang nói.

Người dân 'thắt lưng buộc bụng' mua sắm, thị trường Tết Nhâm Dần ảm đạm
Lượng khách thưa thớt tại một quầy hàng trong siêu thị Big C. (Ảnh: Phạm Duy)

Cùng chung cảnh ngộ ngóng khách, chị Dương Bích Hiền, chủ cửa hàng thời trang GiNo tại siêu thị BigC nói: “Khách hàng chủ yếu mua hàng thiết yếu và hạn chế mua những mặt hàng khác. Ngoài ra, khách ngoại tỉnh cũng về quê nhiều, sinh viên, học sinh nghỉ học. Chính vì thế nhiều gian hàng rất ế ẩm. Dù sắp Tết nhưng tình hình vẫn không lạc quan”, chị Hiền buồn bã.

Người dân 'thắt lưng buộc bụng' mua sắm, thị trường Tết Nhâm Dần ảm đạm
Cảnh vắng vẻ trong siêu thị BigC vào sáng mùng 1 Tết Dương lịch. (Ảnh: Công Hiếu)

Một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ là Saigon Co.op cũng không tránh khỏi ảnh hưởng trong kinh doanh. Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc phía Bắc Saigon Co.op cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã tập kết lượng hàng hóa thiết yếu về kho bãi tại tỉnh Bắc Ninh để sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đơn vị đã dự tính trước sức tiêu thụ hàng hóa giảm 15-20% so với năm trước, chủ yếu giảm sâu các mặt hàng không thiết yếu và kỳ vọng những mặt hàng thiết yếu vẫn tăng do một phần người lao động sẽ ở lại, không về quê nên nhu cầu ăn uống, sinh hoạt vẫn có.

Còn bà Tạ Thị Minh Hợp, Giám đốc cung ứng hệ thống bán lẻ WinMart/WinMart+ cho biết, những ngày gần đây, dù lượng khách đã tăng hơn so với khi giãn cách nhưng nhịp mua sắm nhìn chung vẫn còn chậm so với các năm trước.

“Dự báo, năm nay người tiêu dùng sẽ dồn lực mua sắm vào 1-2 tuần sát Tết. WinMart/WinMart+ đã chủ động điều chỉnh kế hoạch phân bổ hàng hóa, bảo đảm lượng hàng đưa ra luôn đầy ắp quầy kệ, giá cả ổn định để phục vụ người tiêu dùng”, bà Hợp nói.

Trước đó, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.789.500 tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước. Trong ngắn hạn, sức mua vào dịp Tết nguyên đán có thể giảm 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người dân 'thắt lưng buộc bụng' mua sắm, thị trường Tết Nhâm Dần ảm đạm
Người tiêu dùng có tâm lý "thắt lưng buộc bụng khi mua sắm Tết Nhâm Dần. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp kích cầu cách nào?

Có thể thấy, việc người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu là "bài toán" nan giải, buộc doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với các biến động của thị trường để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sức mua giảm sẽ ảnh hưởng tới phục hồi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ra mà không bán được hàng thì rất khó phục hồi. Thực tế năm qua xuất khẩu tăng tốt, đầu tư công khởi sắc, nhưng GDP vẫn không tăng do chi tiêu dùng giảm mạnh quá. Thế nên, chiến lược cho năm 2022 là phải kích cầu, tăng chi tiêu, tăng mua sắm mới phục hồi tăng trưởng cho GDP được.

Muốn vậy, theo ông Doanh có 2 giải pháp: Về phía Chính phủ, tháo gỡ hết mức cho chi đầu tư công tăng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bán hàng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Thu nhập tăng thì sức mua tự khắc sẽ tăng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính cho doanh nghiệp, giảm bớt các điều kiện khó khăn trong vay vốn tái đầu tư, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh bằng các chính sách tài khóa, giảm lãi vay, nới hạn mức, đơn giản các thủ tục buộc thế chấp mới vay được vốn...

“Phải tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội “bung” đầu tư sản xuất, sức mua của doanh nghiệp tăng thì sức mua của người dân mới tăng được. Hai yếu tố này liên kết, ràng buộc lấy nhau như điều kiện cần và đủ vậy”, ông Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, độ phủ tiêm vaccine của Việt Nam tương đối cao, giúp xã hội trở lại trạng thái bình thường mới tốt hơn, nhất là trong dịp Tết và bước sang năm mới 2022.

Bên cạnh đó là chính sách mở cửa du lịch trở lại, doanh thu dịch vụ sẽ có cơ hội tăng tốc, giúp kéo tổng doanh thu bán lẻ và thu dịch vụ Tết và trong năm 2022 tăng đạt tỷ lệ 2 con số là trong tầm tay. Tuy nhiên, các nhà bán lẻ, các doanh nghiệp tư nhân cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ và có nhiều phương án kinh doanh từ bán hàng trực tiếp, bán hàng online và thậm chí là giao hàng tận nơi cho khách hàng mới mong cải thiện được”, vị đại diện này cho biết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả