Ngành vận tải biển “đạp gió, rẽ sóng” vươn lên
Ngành vận tải biển được chuyên gia đánh giá đang có nhiều cơ hội "đạp gió, rẽ sóng" với nhiều yếu tố hỗ trợ. Liệu trong thời gian tới, nhóm cổ phiếu này sẽ “rẽ sóng” ra sao?
Sự khôi phục của vận tải biển
Chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) nhận định rằng trong năm 2024, dự báo ngành vận tải biển sẽ có sự tăng trưởng tích cực nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu và số lượng đơn hàng.
Theo thông tư 39/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/2/2024, giá sàn và giá trần xếp dỡ cảng biển được điều chỉnh tăng 10%, mở ra cơ hội cho các cảng biển tăng giá cước.
Ngoài ra, về tình hình xuất nhập khẩu, trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2% và nhập khẩu tăng 18,2%.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,01 tỷ USD. Dự kiến tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 346,539 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Hàng xuất khẩu ước đạt 83,853 triệu tấn, tăng 17%, và hàng nhập khẩu ước đạt 106,873 triệu tấn, tăng 27%.
Chỉ số PMI tháng 5/2024 đạt 50,3 điểm, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện so với giai đoạn đầu năm. Dự kiến trong 2 quý cuối năm 2024, xuất nhập khẩu và sản lượng qua cảng sẽ tiếp tục tăng, với áp lực lạm phát giảm toàn cầu, Mỹ có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 6/2024 và doanh số bán lẻ Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng.
Dự báo khởi sắc trong nửa cuối năm 2024
Đáng chú ý, theo chuyên gia phân tích VPS, trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, triển vọng ngành cảng và vận tải biển tích cực, do tâm lý tiêu dùng hồi phục tại Mỹ và EU, PMI các nền kinh tế lớn tăng và áp lực lạm phát giảm.
Chuyên gia VPS dự báo giá cước vận tải và giá thuê tàu sẽ tăng nhẹ. Nhìn lại năm 2023, có thể thấy thị trường vận tải biển toàn cầu trầm lắng do nội lực thương mại yếu, khiến giá cước vận chuyển container giảm và EBIT margin của các hãng tàu giảm từ 13,1% (quý I/2023) xuống -3% (quý IV/2023).
Nhưng sang năm 2024, nhu cầu phục hồi giúp kết quả kinh doanh các hãng tàu cải thiện và giá cước tăng đáng kể. Giá cước container toàn cầu tăng từ 1661 USD/FEU (tháng 12/2023) lên 3964 USD/FEU (tháng 1/2024) do xung đột Israel-Hamas và hạn hán kênh đào Panama. Hiện tại, giá cước vẫn cao, tăng 50,5% so với tháng 4/2024 và 145,5% so với cuối 2023, do tình trạng hạn hán tại kênh đào Panama và mở rộng vùng tấn công của lực lượng.
Giá nhiên liệu giảm, dự báo giá dầu thô trung bình trong năm 2024 và 2025 sẽ giúp ổn định chi phí nhiên liệu đầu vào. Tuy nhiên, vẫn tồn đọng một số thách thức mà các doanh nghiệp vận tải biển có thể sẽ phải đối mặt.
Thứ nhất, nguồn cung tàu tăng. Các công ty vận tải biển đang tăng cường đặt đóng nhiều tàu lớn (trên 18.000 TEU) và tàu có sức chứa hơn 10.000 TEU. Năm 2024, số lượng tàu giao mới dự kiến chiếm 10,4% tổng số đội tàu.
Thứ hai, sự bất ổn địa chính trị. Các hãng vận tải phải chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng thay vì kênh đào Suez, dẫn đến tăng thời gian và chi phí vận chuyển.
Tiềm năng trong nhóm Vận tải biển
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2024, chuyên gia VPS đưa ra một số nhóm cổ phiếu tiềm năng mà nhà đầu tư có thể tham khảo trong nhóm Vận tải biển như cổ phiếu Viconship (VSC) của Công ty cổ phần Container Việt Nam. Thời gian qua, Viconship đã mở rộng quy mô thông qua hoạt động M&A, mua cổ phần trong các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, VSC mua cổ phần của Hải An và phát hành hơn 133,3 triệu cổ phiếu để thâu tóm Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ. Với việc mở rộng một loạt các cảng cùng với việc kỳ vọng tăng công suất hai cảng hiện tại, VSC kỳ vọng tăng trưởng doanh thu cho giai đoạn 2024 - 2026 ở mức 15 - 20%/năm.
Nhà đầu tư cũng có thể lưu ý đến cổ phiếu GMD của Tập đoàn Gemadept (GMD). Việc chuyển nhượng vốn cảng Nam Hải và Nam Hải ICD sẽ đem về khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận cho GMD, bổ sung nguồn tiền cho công ty tập trung đầu tư phát triển mở rộng các cảng lớn như các dự án mở rộng cảng Nam Đình Vũ và Gemalink.
Quý IV/2023 là quý thứ 4 liên tiếp sản lượng tăng trưởng dương so với quý trước và là quý ghi nhận sản lượng cao kỷ lục của GMD. Lãi tài chính bất thường 1,8 nghìn tỷ đồng từ việc thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ.
Chuyên gia VPS dự báo sản lượng cả năm 2024 của GMD tăng 31% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 28% so với năm trước nhờ cơ cấu chi phí không thay đổi nhiều.
Về trung và dài hạn, chuyên gia VPS đánh giá, triển vọng của GMD đến từ mở rộng công suất bắt đầu vào năm 2025 và đạt tối đa công suất từ 2026 trở đi – cao nhất so với các cảng đối thủ lớn khác trong cùng khu vực. Và cũng là điểm đến làm hàng hấp dẫn nhất so với các cảng khác trong khu vực lân cận
Cuối cùng trong danh sách là Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH). HAH hiện đang sở hữu 13 tàu với tổng sức chở 19,780 TEU. Dự kiến, HAH sẽ nhận tiếp hai tàu mới lần lượt vào cuối tháng 5 và cuối năm 2024. Đây là hai tàu cuối cùng được giao trong tổng số 4 tàu với sức chở 1,800 TEU được đặt đóng mới từ năm 2021, tổng vốn đầu tư 2,000 tỷ đồng.
Năm 2024, HAH đặt mục tiêu sản lượng khai thác cảng đạt 460 ngàn TEU, khai thác tàu 702 ngàn TEU và Depot 238 ngàn TEU, lần lượt tăng 8%, 60% và 13% so với thực hiện 2023. Qua đó, HAH kỳ vọng mang về 3,5 ngàn tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 32%, tuy nhiên lãi sau thuế giảm 11% còn 344 tỷ đồng. (*)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận