24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lã Thu Trang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân sách nhà nước liên tục vượt dự toán

Đóng góp thành tích chung trong các chỉ số kinh tế năm 2019, thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán khoảng 5%.

Các khoản thu của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đều đạt mục tiêu, bội chi được kiểm soát… giúp cơ cấu ngân sách Nhà nước ngày càng bền vững. Đây cũng là những điểm sáng của ngành tài chính trong thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm qua.

Theo Bộ Tài chính, tính đến 12h00 ngày 31/12/2019, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% (128,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 82,1 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.
Bộ Tài chính cho biết, 63/63 tỉnh, thành đạt và vượt dự toán thu nội địa với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% dự toán và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán; những địa phương có kết quả thu đạt cao là Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...

Ngân sách nhà nước liên tục vượt dự toán
Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục thuế tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp ngân sách Nhà nước vượt dự toán. Cụ thể, năm 2016 vượt 9,2%, năm 2017 vượt 6,7%, năm 2018 vượt 8%. Đặc biệt, năm 2019, cả thu ngân sách Trung ương và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán; trong đó, thu ngân sách Trung ương vượt xấp xỉ 4%, thu ngân sách địa phương vượt 16% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với kết quả này, đánh giá cả giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ huy động thu vào ngân sách Nhà nước bình quân đạt 24,7%GDP (kế hoạch 23,5%GDP); cơ cấu thu ngân sách Trung ương chiếm 55%, thu ngân sách địa phương chiếm 45% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trong giai đoạn tăng dần từ 68,9% năm 2016 lên 81,9% năm 2019 và năm 2020 dự kiến đạt gần 84%. Trong đó, tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016 tương ứng là 3,6% và 15,5%; năm 2019 tương ứng là 3,6% và 14,2%; năm 2020 tương ứng là 2,3% và 13,8%.

“Có thể khẳng định, thu ngân sách Nhà nước đang ngày càng bền vững hơn và thu ngân sách chủ yếu vẫn xuất phát từ sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Dẫn chứng thêm về điều này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2019 thu từ 3 khu vực kinh tế gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài quốc doanh đã tăng 10,9%, cao hơn dự kiến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, cao hơn các năm trước. Tỷ trọng thu của 3 khu vực trong tổng thu cũng tăng dần qua các năm.

Nếu như năm 2017, ba khu vực này thu ngân sách chiếm 39% thì năm 2019 đã lên tới 42% tổng thu ngân sách Nhà nước. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí của 3 khu vực này so với GDP của giai đoạn 2016-2019 cũng chiếm tới 10,2% GDP; cao hơn mức 9,9% của giai đoạn 2011-2015.
Do vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định thu từ sản xuất, kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi và cơ cấu thu chuyển dịch tích cực hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần. Ước tính năm nay, số thu nội địa chiếm khoảng 83,6% tổng thu ngân sách, số còn lại là từ xuất nhập khẩu và dầu thô giảm còn 23%; trong khi giai đoạn trước là 36%.

Về chi ngân sách Nhà nước, Tư lệnh ngành tài chính cho biết chi ngân sách đã được thực hiện trong phạm vi dự toán giao, đúng chế độ quy định và được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn, đồng thời vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác...

Dự kiến của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12, chi thường xuyên bằng 93% dự toán. Đến hết tháng 11/2019, ngân sách Trung ương đã sử dụng khoảng 71 nghìn tỷ đồng dự phòng được bố trí trong dự toán để xử lý các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, chủ yếu là hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Đến nay, ngân sách Trung ương đã chi 2.739 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 110 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, quá trình cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước đã và đang được triển khai một cách hiệu quả; trong đó có việc giảm chi thường xuyên. Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên (không bao gồm chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương) đã giảm dần qua các năm. Cụ thể: Năm 2016 là 63,3%, năm 2017 là 64,9%, dự toán năm 2018 là 61,8%, năm 2019 là 61,2%.

Mặc dù năm 2019, ngành tài chính đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn những thách thức như: cơ cấu thu chi chưa hợp lý, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, vẫn còn tồn tại trong chi thường xuyên chưa được khắc phục triệt để. Đó là, tại một số địa phương, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm chậm, chưa cân đối được ngân sách, nhất là nơi có số thu ngân sách Nhà nước khó khăn, nguồn thu thấp thì chi thường xuyên vẫn còn cao, nguồn lực dành cho chi đầu tư phát triển rất hạn chế.

Ngân sách nhà nước liên tục vượt dự toán
Nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc đẩy mạnh giảm chi thường xuyên còn gặp nhiều khó khăn như: trong tổng chi thường xuyên hiện nay, phần lớn (trên 70%) vẫn là chi cho con người; trong đó một số lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực chi phải đảm bảo tỷ lệ chi so với tổng chi ngân sách Nhà nước theo quy định của Trung ương, Quốc hội như: chi cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế; duy tu, bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng kinh tế như: hệ thống đường bộ, đường sắt... Việc này đã đặt thêm “áp lực” lên nhiệm vụ tinh giản bộ máy và siết các khoản chi không cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, chi thường xuyên cần phải tiếp tục tiết giảm, bởi đang chiếm phần lớn trong tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, ông Ngân nhìn nhận, hầu hết chi thường xuyên là chi cho con người nên việc giảm phải có lộ trình và không thể thực hiện nóng vội.

Ngoài ra, theo ông Ngân, việc rà soát chính sách chi thường xuyên còn chưa hiệu quả, nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp; chi tiêu ở nhiều cơ quan, đơn vị còn lãng phí, thất thoát. Bên cạnh đó, cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu kế hoạch.
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cũng thừa nhận trong lĩnh vực chi ngân sách Nhà nước vẫn còn tình trạng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn định mức…

Do đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Bộ Tài chính cho biết, năm 2020 có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, mục tiêu ngân sách năm 2020 được Bộ Tài chính xác định là “Phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất các mục tiêu tài chính – ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020”.

Bên cạnh đó, ngành tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước gắn với sắp xếp phù hợp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, ngành sẽ cơ cấu lại các khoản thu, nghiên cứu mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu ngân sách; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế; xử lý thu hồi nợ đọng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách Nhà nước.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; thực hiện nghiêm quy định về việc giao đất, cho thuê đất, cấp quyền khai thác tài nguyên, bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công và quyền khai thác tài sản công theo hình thức đấu giá theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Tài chính, đối với chi ngân sách Nhà nước, Bộ sẽ thực hiện điều hành và kiểm soát chặt chẽ các khoản chi theo dự toán được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước…Việc kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Trung ương, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ; giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng được Bộ Tài chính chú trọng quan tâm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả