Ngân hàng và nền kinh tế hoạt động thế nào?
Trong nền kinh tế làng có một hiệp hội nặng lãi gồm 3 ông và có 3 cửa hàng bán thịt, bia hơi, và quán karaoke.
Lệ làng đặt ra là muốn nâng cao năng lực, 3 ông cho vay nặng lãi phải tăng vốn. Vậy là:
Ông 1 mua cổ phần của ông 2 bằng cách vay tiền của ông 3 và thế chấp chính cổ phiếu của ông 2.
Ông 2 mua cổ phần của ông 3 bằng cách vay tiền của ông 1 và thế chấp chính cổ phiếu của ông 3.
Ông 3 mua cổ phần của ông 1 bằng cách vay tiền của ông 2 và thế chấp chính cổ phiếu của ông 1.
Thế là tự nhiên cả 3 ông đều tăng vốn thành công, cùng sở hữu lẫn nhau và tất nhiên cùng nợ lẫn nhau. Cái này ở thành phố người ta gọi là hệ thống ngân hàng, tăng vốn và sở chữu chéo. Tiền tự nhiên được sinh ra
Trong làng, chủ cửa hàng bia hơi thường mua thực phẩm từ anh bán thịt, anh bán thịt lại thỉnh thoảng đi hát karaoke, anh chủ quán karaoke thì lại thỉnh thoảng đi uống bia hơi. Đó gọi là nền kinh tế làng.
Bình thường, anh bia hơi trả tiền cho anh hàng thịt, anh hàng thịt có tiền lại đi hát, anh chủ quán karaoko có tiền lại đi uống bia hơi. Mọi việc sẽ êm đềm. Vì các anh đều có tài khoản ở chỗ 3 anh nặng lãi, cuối ngày các anh nặng lãi chỉ việc làm tất toán với nhau tại trụ sở hiệp hội nặng lãi, thế là xong. Đó gọi là thanh toán bù trừ của hiệp hội nặng lãi.
Nếu một ngày nào đó hiệp hội nặng lãi quyết định cho anh bia hơi vay tiền nhiều hơn, anh ấy sẽ mở rộng quy mô bán bia, anh hàng thịt bán được nhiều thit hơn, anh chủ karaoke cũng đi uống bia nhiều hơn. Kinh tế phát triển. Đó gọi là bơm tiền kích thích kinh tế. Một đồng bơm thêm sẽ tạo ra 3 đồng giao dịch, gọi là tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế - cung tiền. Quá trình ngược lại gọi là thắt chặt tiền tệ giảm nóng nền kinh tế. (Ở đây giả định giá cả không đổi để không có lạm phát )
Khi hiệp hội nặng lãi giảm lãi suất và sẵn sàng cho vay nhiều hơn, anh bia hơi thấy rẻ nên ham nhưng vì năng lực của anh có hạn nên thừa tiền. Anh lại thấy làng bên có trò đoán số có thưởng, anh mang đi đầu tư đoán số, và rồi bị bọn làng bên nó lùa chẳng may thua mất tiền.
Thế là anh bia hơi không có tiền trả cho anh hàng thịt, anh hàng thịt lại không có tiền trả cho anh karaoke, anh karaoke lại không có tiền đi uống bia hơi. Kinh tế đình trệ. Tiền tự nhiên biến mất. Anh bia hơi có nợ với anh nặng lãi không trả được. Tất nhiên là tài sản thế chấp của anh chỉ là các bàn ghế bia hơi và ít bát đĩa bỏ không. Hiệp hội nặng lãi lại phải bàn cách cứu vì không cứu thì nợ mất mà kinh tế không hoạt động còn bán ghế bát đĩa bán không ai mua.
Hiệp hội nặng lãi bèn nghĩ ra một kế là lập một trung tâm sáng tạo đặc biệt để mua khoản nợ xấu của hiệp hội, nợ xấu của hiệp hội biến mất và lại có tiền, lại bơm cho anh bia hơi ít tiền, thế rồi anh hàng thịt lại có tiền, anh karaoke lại có tiền. Kinh tế làng lại hồi sinh. Cả làng đều vui rộn ràng gọi là ... rộn làng.
Tất nhiên vị thế anh bia hơi lúc này sẽ khó hơn trước. Cái đó ở thành phố gọi là công ty quản lý tài sản. Mà nếu ngại lập trung tâm, chủ tịch hiệp hội có thể quyết định bơm cho anh bia hơi luôn thông qua anh nặng lãi và giám sát đặc biệt – cái đó gọi là chức năng cho vay cuối cùng của hiệp hội.
Nhìn chung, nói vui giản lược và còn nhiều tình huống nhưng nói tóm lại, hiệp hội nặng lãi điều khiển được kinh tế làng bằng “tay không”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường