Ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng qua vẫn chứng kiến sự tập trung chủ yếu ở trái phiếu ngân hàng.
Trong báo cáo tình hình trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 10.2024 vừa công bố, các chuyên gia Công ty Cổ phần FiinRatings đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhưng chủ yếu ở nhóm trái phiếu ngân hàng. Phát hành TPDN ở nhóm doanh nghiệp còn lại tiếp tục ảm đạm.
Giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp phi tài chính trong tháng 9.2024 chỉ đạt 5.400 tỉ đồng, nâng tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm lên 80.000 tỉ đồng, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Phần lớn các trái phiếu này được nắm giữ bởi các ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp do thiếu sự tham gia của các định chế tài chính khác.
Tỉ lệ chậm trả có xu hướng tăng chậm lại, ở mức 18,9% trong 9 tháng đầu năm, chuyên gia FiinRatings lý giải do tình hình vĩ mô cải thiện và room tín dụng được mở rộng gần đây đã tiếp tục hỗ trợ hoạt động cân đối dòng tiền của doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý IV/2024 dự kiến vượt mức 87,5 nghìn tỉ đồng, với 35% đến từ nhóm bất động sản và 15% từ nhóm ngân hàng. Đáng chú ý, rủi ro cao tập trung ở nhóm trái phiếu bất động sản, đặc biệt trong hai tháng 10 và 11, theo dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS).
Theo PHS, áp lực đáo hạn vẫn ở mức cao sẽ buộc nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục tái phát hành để huy động vốn trong quý IV/2024. Do đó, hoạt động phát hành và mua lại trái phiếu tiếp tục diễn ra sôi động trong thời gian tới.
“Chúng tôi cũng duy trì quan điểm cho rằng, áp lực đáo hạn của nhóm bất động sản, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị trái phiếu đáo hạn và chậm trả trong quý IV, sẽ là một yếu tố rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt nếu thị trường bất động sản không phục hồi như kỳ vọng”, PHS nhận định.
Hiện nay, vẫn đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nhà đầu tư cá nhân bị hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Trong dự thảo thay đổi của Luật Chứng khoán, dự kiến có thể được ban hành vào quý IV/2024, cơ quan quản lý có dự định đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm giảm bớt trường hợp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức, chẳng hạn như giới hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức.
Do đó, sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, việc đẩy mạnh sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là thông lệ quốc tế, mà còn thuận lợi hơn trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường.
Việc điều tiết, quản trị rủi ro thông qua việc áp dụng những quy định, chuẩn mực về quản trị rủi ro đối với các định chế đầu tư được cấp phép và quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính cũng sẽ góp phần giám sát thị trường, hạn chế rủi ro cũng như hệ lụy so với việc để nhà đầu tư cá nhân trực tiếp tham gia mua, sở hữu trái phiếu.
Tuy nhiên, với giới đầu tư, vẫn có ý kiến cho rằng, nếu có một cách tiếp cận tinh tế, bằng việc vẫn duy trì nguyên tắc cốt lõi là bảo vệ nhà đầu tư, nhưng vẫn đạt mục tiêu phát triển thị trường vốn một cách bền vững, thì việc loại nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân khỏi sân chơi trái phiếu riêng lẻ cần được cơ quan quản lý cân nhắc thấu đáo.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận