Ngân hàng nới 'room' tín dụng, thị trường bất động sản có 'dễ thở' hơn?
Ngân hàng nới “room” tín dụng là một trong những thông tin được doanh nghiệp và người dân chờ đợi suốt thời gian qua.
Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn từ thì khi nguồn tín dụng “thắt lại” trong những tháng qua bởi có chuyên gia từng ví von dòng vốn như “mạch máu” của thị trường này. Từ khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng siết lại, trong khi kênh huy động vốn khác như trái phiếu cũng gián đoạn đã ngay lập tức khiến thị trường bất động sản chững lại.
Trước mong ngóng của thị trường, từ ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, theo đó, một số tổ chức tín dụng đã được phép tăng room tín dụng. Đây có thể xem là tín hiệu vui với thị trường bất động sản. Bởi khoảng thời gian gián đoạn, kênh huy động vốn trái phiếu cũng đã dần được khôi phục trở lại.
Bình luận về động thái nới “room” tín dụng của ngân hàng, ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch Saigonratings cho rằng, đây thực sự thông tin đáng chú ý với thị trường bất động sản nhất là trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như "nắng hạn chờ mưa".
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng không hợp lý còn làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm….), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế... Khi đó, việc kiểm soát và ứng xử hợp lý là vô cùng quan trọng - ông Lực nhấn mạnh.
Bởi vậy, trước khi Ngân hàng Nhà nước có thông báo chính thức thì nhiều diễn đàn nhà đất đã liên tục chia sẻ các bài viết về khả năng nới room như một tín hiệu tích cực đối với thị trường trong những tháng cuối năm. Do đó, việc ngân hàng chính thức nới “room” tín dụng đem lại nhiều kỳ vọng cho cả người mua nhà nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp.
Theo nhóm chuyên gia Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc nới “room” tín dụng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản, tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản theo 2 góc độ. Trước tiên, doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên phương án này chỉ áp dụng được đối với doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt.
Tiếp đến, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm nguồn tiền để trả nợ.
Tổng giám đốc Asian Holding Nguyễn Văn Hậu phân tích, khi điểm nghẽn lớn nhất là tín dụng được lưu thông thì thị trường bất động sản sẽ sớm tìm lại nhịp phát triển. Tuy nhiên, sẽ không có sự bùng nổ mà thị trường sẽ hồi phục từng bước theo hướng bền vững hơn. Hiện nhu cầu đầu tư bất động sản cả mục đích để ở lẫn kinh doanh vẫn còn rất lớn và lĩnh vực này sẽ có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Một doanh nghiệp bất động sản bày tỏ việc đặt nhiều kỳ vọng vào những tháng cuối năm bởi sau khi dòng vốn được lưu thông thì thị trường sẽ có cơ hội khôi phục trở lại, tính thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng, mức hồi phục sẽ không phải thần tốc mà thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn thanh lọc thật sự. Chỉ những chủ đầu tư uy tín có năng lực, tạo ra dòng sản phẩm mang giá trị thật sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp làm ăn “chộp giật”, chạy theo ngắn hạn sẽ bị thị trường đào thải.
Cũng có ý kiến cho rằng, trước việc ngân hàng nới “room” tín dụng, giá giao dịch bất động sản thời gian tới sẽ diễn biến theo hai xu hướng. Hiện tượng “cắt lỗ” vẫn có thể xảy ra nhưng chỉ mang tính cục bộ tập trung ở nhóm người mua đầu tư và có áp lực vay ngân hàng lớn buộc phải bán để cơ cấu lại tài chính. Sản phẩm bất động sản đầu tư vào lúc thị trường sốt nóng, giá ảo vẫn có nguy cơ phải giảm giá bán.
Còn với những sản phảm bất động sản có giá trị thật, nhất là tại các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác ở hoặc cho thuê thì giá bán không giảm mà vẫn sẽ tiếp theo xu thế đà tăng.
Dưới góc nhìn của nhà thầu xây dựng tham gia thực hiện nhiều dự án bất động sản lớn, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cũng cho rằng, thông tin nới “room” tín dụng rất được thị trường quan tâm. Khi thị trường bất động sản “ấm” lên, duy trì tích cực thì ngành xây dựng sẽ có việc làm.
"Chủ đầu tư mà không vay được vốn để hoạt động kinh doanh thì cũng không thể trả nợ cho các nhà thầu, kéo theo khó khăn dây chuyền. Với các dự án tốt, chủ đầu tư uy tín thì không có lý do gì kiểm soát chặt - ông Hải phân tích.
Việc tạo điều kiện cho các đối tượng mua nhà nhu cầu ở thực được vay vốn tín dụng là cần thiết và góp phần thúc đẩy thị trường phát triển. Theo ông Hải, nếu vốn ngân hàng cứ để đó thì gây lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội và gây khó khăn cho chính hệ thống ngân hàng. Việc điều chỉnh tín dụng thận trọng nhưng phải trên cơ sở thực tế thị trường.
Ông Lê Viết Hải dẫn chứng, Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển cũng đã nêu rõ "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước". Đồng thời việc điều hành phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, không điều hành chính sách "giật cục", không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại.
Đồng quan điểm, ông Trần Viết Sơn - Chủ tịch CSS Group cũng nhận định, việc khách hàng, người mua tiếp cận vốn tín dụng tốt hơn sẽ thúc đẩy thị trường tốt hơn, tăng lượng giao dịch đáng kể. Bên cạnh khơi thông nguồn vốn, động thái nới “room” tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tới yếu tố tâm lý của nhà đầu tư. Dòng tiền tốt hơn thì kỳ vọng thị trường sẽ mau “hồi sức” sau một thời gian trầm lắng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận