Ngân hàng Nhà nước nói về quản lý thị trường vàng?
Ngày 28/7 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã chủ trì buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng.
Công ty SJC không hưởng lợi
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thúy Hằng - Tổng Giám đốc Công ty SJC cho biết, từ năm 2012 SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng.
Vấn đề chênh lệch giá vàng, bà Hằng khẳng định: SJC hoàn toàn không có lợi. Công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của NHNN. Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ-gần 400 tỷ/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng.
Về giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường.
Tóm tắt về tình hình hoạt động của thị trường vàng, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty Doji, đại diện cho TPBank cho rằng, trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả vô cùng tốt, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn NHNN xem xét thật kĩ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24.
Ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ cũng lưu ý, một trong những quy định rất quan trọng của ngành Ngân hàng là Luật NHNN. Theo quy định của Luật NHNN, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững giá trị của đồng tiền Việt Nam. Vì vậy Nghị định 24 đã nhằm chính xác định hướng của Luật NHNN.
Phát biểu tại cuộc họp, bà Lê Thị Thúy Sen - Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết Vụ này đã tổng hợp dư luận về chính sách với vàng trên nguyên tắc khách quan từ nhiều nguồn khác nhau như báo chí, các buổi làm việc với các chuyên gia…Có ý kiến đặt câu hỏi vì sao lại có hiện tượng chênh lệch giá vàng với SJC và vàng quốc tế từ 15-20 triệu/1 lượng? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng…Chính sách vàng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay để kéo giá vàng SJC về gần giá vàng thế giới?
Sửa đổi Nghị định 24 phải đánh giá kỹ
Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, có 4 vấn đề chính các DN, hiệp hội đang kiến nghị: Thứ nhất, chúng ta cần xem xét, đánh giá tổng kết hiệu quả Nghị định 24 thời gian qua và có thể xem xét, nghiên cứu đề xuất sửa đổi trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, liên quan chênh lệch giá vàng, đây không phải mong muốn của các DN, cũng không có lợi ích nào; không có ai thao túng được thị trường vàng trong nước. Thứ ba, các DN đề cập đến việc khan hiếm vàng miếng lẫn vàng nguyên liệu là do cung thiếu, nguyên nhân do chuyển hóa, do xuất khẩu, hoặc cầu lớn hơn cung, mất cân đối cung cầu;
Thứ tư, liên quan đến độc quyền, các ý kiến cho rằng chúng ta cần cân nhắc việc độc quyền của NHNN trong kinh doanh vàng miếng, nhưng có cho tự do cạnh tranh hay không thì các ý kiến còn do dự. Đây cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo để đánh giá mặt được, không được trong nội dung độc quyền thuộc Nghị định 24. Phát biểu kết luận, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các ý kiến phân tích, đánh giá về quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24.
“Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh. Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự đồng thuận trong xã hội”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng
Theo Thống đốc, các DN vàng đã đi thẳng vào vấn đề như: chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp. Sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế.Từ 2014 đến nay, NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu. Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.
Vấn đề cốt lõi về Nghị định 24, các ý kiến đều đánh giá Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, chúng ta không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Trước đây chúng ta cho các TCTD huy động, bán vàng huy động, cho vay nên rất rủi ro. Nghị định 24 đã loại bỏ vấn đề này.
Một vấn đề cần quan tâm đó là, nếu nhập khẩu vàng miếng để sản xuất vàng mỹ nghệ đem lại giá trị gia tăng lớn hơn vàng miếng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thực hiện Nghị định 24, NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận