Ngân hàng đua nhau báo lãi lớn quý đầu năm
Phần lớn các ngân hàng đều có mức lợi nhuận quý 1/2021 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Kế hoạch kinh doanh cả năm cũng cho thấy kỳ vọng lớn của nhóm ngành này.
Loạt ngân hàng báo lãi khủng
Tiếp nối thành công năm 2020, đi ngược những lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, hàng loạt các ngân hàng đã đưa ra thông tin tích cực ban đầu về lợi nhuận trong quý đầu năm.
Một số ngân hàng báo lãi tăng theo cấp số nhân như SeABank cho biết lợi nhuận quý 1/2021 hợp nhất đạt 698,3 tỷ đồng, tăng gần 2,3 lần so với cùng kỳ. MSB ước lãi quý I khoảng 1.200 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Với MB, lãi trước thuế hợp nhất tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2020, tăng lên mức 4.600 tỷ đồng. Con số này với Vietinbank là ước từ 7.000-8.000 tỷ đồng (chưa gồm phí upfront từ hợp đồng bancassurance với Manulife, cao hơn 135-175% so với cùng kỳ năm trước.
Dù không tính bằng lần, song nhiều đơn vị khác cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong 3 tháng đầu năm, như Vietcombank đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% cùng kỳ năm ngoái; với ACB là 3.105 tỷ đồng, tăng 61%; HDBank là 2.000 tỷ đồng, tăng 67%, trong đó lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 1.810 tỷ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ.
Công ty chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1 của nhóm ngân hàng niêmyếttăngtừ55-65%sovớicùngkỳnăm 2020. Trong đó, nhóm thương mại quốc doanh có tốc độ tăng trưởng lên tới 75 - 85% so với cùng kỳ khi đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Với nhóm ngoài quốc doanh, tốc độ tăng trưởng vào khoảng 45-55%.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/3/2021, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 2,93% - cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 1,3%. Đặc biệt, tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính đánh giá các ngân hàng sẽ vẫn báo lãi khả quan vì nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, nên nhu cầu vay tiêu dùng, kinh doanh gia tăng. Điều này thể hiện rõ trong tăng trưởng tín dụng quý đầu năm tăng khá cao so với năm 2020.
Cùng với đó, các ngân hàng đẩy nhanh áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào dịch vụ cũng giúp gia tăng lợi nhuận. “Ngoài ra, chi phí vốn rẻ do lãi suất giảm, thời gian qua, nhờ đẩy mạnh dịch vụ số, nhiều ngân hàng tăng mạnh nguồn vốn casa (vốn không kỳ hạn) khiến chi phí vốn rất rẻ (khi có những ngân hàng gần như không phải trả lãi trên nguồn vốn này); dịch vụ bán bảo hiểm được đẩy mạnh sẽ là những nhân tố thúc đẩy lợi nhuận các nhà băng năm 2021”, ông Hiếu nói.
Trích lập dự phòng tạo phân hoá lợi nhuận
Theo FiinGroup, cơ sở để các ngân hàng đặt mục tiêu lãi lớn năm 2021 là dựa trên kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số sẽ giúp các nhà băng tối ưu hóa được chi phí hoạt động và chi phí huy động vốn. Các nguồn thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, kinh doanh bảo hiểm cũng được kỳ vọng tăng trưởng khả quan, đem lại thu nhập ổn định cho ngân hàng.
Tổ chức này dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của 12 ngân hàng niêm yết sẽ ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%). Trong đó, Vietcombank tăng 14,9%, BIDV (41,3%), VietinBank (41,9%).
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận khá tham vọng cho năm 2021 như: MSB và VIB cùng đưa ra kế hoạch tăng 30%, BIDV tăng hơn 40%, SHB tăng 70%, Eximbank tăng hơn 60%, Techcombank tăng 25%, OCB tăng 15%, MB tăng 20% lên 13.200 tỷ đồng, VPBank tăng 30% lên 16.600 tỷ đồng; Sacombank tăng 20%; HDBank tăng 25%....
Dù có nhiều yếu tố thuận lợi, song ở chiều ngược lại, ngành ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt về nợ xấu và trích lập dự phòng, đã được các chuyên gia tài chính cảnh báo trước đó về vấn đề nợ xấu và có nhận định cho rằng “một phần lợi nhuận từ năm 2020 là ảo do giảm trích lập dự phòng”.
NHNN vừa ban hành Thông tư 03/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó các ngân hàng thương mại có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và kéo dài thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi là 31/12/2021; quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm.
Có những cách nhìn khác nhau, nhưng về cơ bản Thông tư 03 được cho là giúp bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng sáng sủa hơn thực tế, tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng giãn trích lập dự phòng. Tuy nhiên, lựa chọn phương án nào, cẩn trọng trích lập dự phòng theo quy định hiện hành hay chỉ trích lập theo quy định của Thông tư 03 lại là sự lựa chọn của từng ngân hàng dựa trên khẩu vị rủi ro.
Việc trích lập dự phòng nhiều hay ít của năm 2020 cũng sẽ tạo ra phân hoá lớn trong lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021. Bảng so sánh dưới đây về tỷ lệ bao phủ nợ xấu tính bằng số trích lập dự phòng/nợ xấu sẽ cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa các ngân hàng, cũng như thể hiện quan điểm thận trọng hay mạo hiểm với nợ xấu của từng đơn vị.
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao, trên 100% như Vietcombank, Techcombank, MBBank và PGBank cùng nhóm có tỷ lệ này tăng lên trong năm 2020 là BIDV, Sacombank, LienVietPostBank, VIB, OCB, SaigonBank, SSB, SHB sẽ có nhiều dư địa tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm 2021 khi “của không ăn thì còn đó” - phần trích lập dư có thể được hoàn nhập khi nợ xấu được giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường