24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng đang 'ôm' khối bất động sản hơn 300 tỷ USD

Con số 7,3 triệu tỷ đồng (hơn 300 tỷ USD) giá trị bất động sản thế chấp được thống kê trên chủ yếu là giá trị sổ sách của các tài sản và không phải phản ánh giá trị thực tế của khối bất động sản này.

Đầu tháng 11, ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) thông báo bán đấu giá 3 khoản nợ giá trị hơn 2.600 tỷ đồng được đảm bảo bởi một dự án bất động sản ở TP.HCM.

Trước đó, VietinBank cũng từng thông báo đấu giá 4 thửa đất tại phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam với tổng diện tích sử dụng đất 33.049 m2, cho mục đích sản xuất và kinh doanh, thời hạn lâu dài. Giá khởi điểm chào bán hơn 496 tỷ đồng.

Vietinbank không phải là ngân hàng duy nhất tích cực rao bán các khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản. Ngân hàng Vietcombank vừa qua cũng phát mại tài sản của CTCP Sản xuất - Thương mại NPV gồm Nhà máy chế biến gạo tại An Giang với tổng diện tích 13.900 m2 và tài sản gắn liền với đất. Giá khởi điểm là gần 38 tỷ đồng.

Tại TPHCM, Vietcombank cũng đấu giá tài sản đảm bảo của CTCP Ngọc Mekong gồm quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại tỉnh Long An với diện tích sử dụng 143.178,3 m2, cùng nhà xưởng, máy móc thiết bị. Tổng giá khởi điểm của lượng tài sản trên là hơn 78 tỷ đồng, chưa bao gồm VAT, chi phí vận chuyển.

Ngân hàng Agribank vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Đô Tân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội của CTCP Phát triển Thương mại Hà Thành giá khởi điểm gần 2,3 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng đấu giá nợ của Công ty TNHH Quản lý và Xây dựng Quang Trung, Công ty TNHH TMDV Gia Đình Cuộc Sống, Công ty TNHH Công nghiệp cao su Sao Thái Dương, Công ty cổ phần kỹ nghệ Sao Thái Dương với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất Bình Thuận, TP HCM… với giá khởi điểm cho toàn bộ là hơn 113 tỷ đồng.

Sử dụng bất động sản làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay ngân hàng là tình trạng phổ biến trong hoạt động tín dụng ở Việt Nam nhiều năm qua. Sau sự ra đời của Nghị quyết 42, việc thu giữ và rao bán các bất động sản của ngân hàng trở nên sôi động.

Báo cáo tài chính của 20 ngân hàng lớn cho thấy, tính đến cuối quý 2 năm 2020, giá trị bất động sản và những tài sản liên quan đến quyền bất động sản được thế chấp lên tới gần 7,3 triệu tỷ đồng. Con số này đã tăng 8,7%, tương đương hơn 600 nghìn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2019.

Agribank và Vietinbank là những ngân hàng có tài sản thế chấp, cầm cố bằng bất động sản lớn nhất. Tính tới cuối quý 2/2020, giá trị tài sản thế chấp bằng bất động sản của Agribank đạt 1,7 triệu tỷ đồng; Vietinbank là 1,46 triệu tỷ đồng, tiếp theo sau là Vietcombank (856.000 tỷ đồng); ACB (534.000 tỷ đồng); Sacombank (517.000 tỷ đồng)...

Ngân hàng đang 'ôm' khối bất động sản hơn 300 tỷ USD
Nguồn: BCTC ngân hàng

Dù được các ngân hàng ưa thích trong quá trình phê duyệt tính dụng, nhưng khi xảy ra nợ xấu, việc kê biên bất động sản và rao bán để thu hồi nợ trên thực tế không hề dễ dàng.

Con số 7,3 triệu tỷ đồng giá trị bất động sản thế chấp được thống kê trên chủ yếu là giá trị sổ sách của các tài sản và không phải phản ánh giá trị thực tế của khối bất động sản này.

Nhiều dự án được thế chấp khi thị trường bất động sản đạt đỉnh hoặc nhiều dự án bị định giá quá cao, các tài sản nhà đất không được tái định giá là những nguyên nhân dẫn tới việc giá trị tài sản khi đấu giá không còn phù hợp với giá trị thị trường. Các ngân hàng buộc phải rao bán nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách để cắt lỗ.

Hồi giữa năm nay, ngân hàng BIDV đã rao bán lần thứ 11 khối tài sản đảm bảo gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng và khu trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo. Giá khởi điểm đấu giá là 310 tỷ đồng, đặt trước 30 tỷ đồng và tiền mua hồ sơ 500.000 đồng.

BIDV từng rao bán khối tài sản trên với giá 554 tỷ đồng cùng tài sản khác liên quan đến Thuận Thảo với giá khởi điểm gần 118 tỷ đồng. Mặc dù vậy, sau 2 năm với 11 lần rao bán và giảm giá gần một nửa, BIDV vẫn chưa bán thành công.

Thậm chí, sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty Thúy Đạt với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, BIDV vẫn không tìm được người mua..

Trong khi xử lý tài sản thế chấp bằng bất động sản gặp nhiều khó khăn, giá trị bất động sản và những tài sản liên quan đến quyền bất động sản được thế chấp dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tại Vietcombank, tài sản thế chấp bằng bất động sản đạt 900 nghìn tỷ đồng vào cuối quý 3/2020, tăng 50 nghìn tỷ đồng so với quý trước đó. Tại VPBank, con số này còn tăng mạnh hơn, đạt 493 nghìn tỷ đồng, tăng tới 55% chỉ sau 1 quý.

Diễn biến này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng tài sản của ngân hàng. Thông tin từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý 3/2020. Vào cuối tháng 9 năm 2020, các ngân hàng này ghi nhận 97.280 tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7% so với cuối năm 2019, và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
25.00 +0.10 (+0.40%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả