24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quan Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng châu Á đứng trước thách thức và cơ hội từ AI tạo sinh

Các ngân hàng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang quan tâm đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh vì muốn tận dụng cơ hội cắt giảm chi phí và tăng doanh thu nhờ những ứng dụng hữu ích từ công nghệ này. Tuy nhiên, thách thức lớn khi triển khai AI trên diện rộng là cần xây dựng lực lượng nhân tài, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như thẩm định các rủi ro liên quan như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư.

Ngân hàng châu Á đứng trước thách thức và cơ hội từ AI tạo sinh
Công nghệ AI tạo sinh có thể giúp các ngân hàng cải thiện tính hiệu quả trong các lĩnh vực như thẩm định và giải ngân khoản cho vay, phát hiện gian lận, quản lý và phân tích chuyên sâu dữ liệu Ảnh: linkedin

Tăng giá trị 200-340 tỉ đô la mỗi năm cho ngành ngân hàng

AI tạo sinh, có khả năng tạo nội dung dựa trên các mô hình học tập và tổng hợp mạnh mẽ, đã nổi lên trong năm qua như một tiến bộ công nghệ quan trọng có thể tác động tích cực đến hầu hết các ngành. Đối với các ngân hàng trên toàn cầu, việc cải thiện năng suất nhờ AI tạo sinh có tiềm năng tạo ra giá trị hàng năm từ 200-340 tỉ đô la Mỹ, tương đương 9-15% lợi nhuận hoạt động của ngành này, theo dự đoán của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey. Mảng ngân hàng doanh nghiệp và mảng ngân hàng bán lẻ dự kiến được hưởng lợi lớn nhất.

Báo cáo gần đây của hãng nghiên cứu thị trường IDC nhận định sự trỗi dậy của ngân hàng vận hành dựa vào AI tạo sinh trong tương lai sẽ làm thay đổi căn bản mảng ngân hàng hàng bán lẻ thông qua việc tích hợp liền mạch công nghệ này với hệ thống quản lý dữ liệu và ngân hàng cốt lõi. Một cuộc khảo sát khác của IDC trong năm 2023 cho thấy 41% ngân hàng bán lẻ ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết đang thực hiện các khoản đầu tư vào AI tạo sinh cụ thể để cải thiện hoạt động cốt lõi và quản lý dữ liệu.

“AI tạo sinh là nhân tố thay đổi cuộc chơi tiếp theo cho các ngân hàng bán lẻ. Công nghệ này không chỉ cho phép đưa dữ liệu phi cấu trúc vào quá trình ra quyết định mà còn mang lại nhiều thuật toán mới với sự trợ giúp của dữ liệu tổng hợp”, Ashish Kakar, Giám đốc nghiên cứu ở bộ phận tư vấn tài chính phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IDC, nhận định.

Cụ thể, ông cho biết công nghệ AI giúp tạo ra hình ảnh, văn bản và giọng nói, mang lại trải nghiệm hài lòng ngay lập tức cho khách hàng. Ngoài ra, khảo sát của IDC cho thấy các ngân hàng châu Á có ý định sử dụng AI trong các lĩnh vực như phát hiện gian lận, duyệt các khoản vay hỗ trợ giao dịch thâu tóm và quản lý dữ liệu.

Giám đốc nghiên cứu của IDC, Xiao Liu, gợi ý các ngân hàng muốn áp dụng mô hình AI trước hết nên mua các ứng dụng được đào tạo sẵn để có thể sử dụng thử nghiệm.

Cải thiên năng suất lên tới 50%

Hồi tháng 11, OCBC trở thành ngân hàng đầu tiên của Singapore cung cấp chatbot AI tạo sinh cho tất cả 30.000 nhân viên trên toàn cầu. Chatbot này có tên gọi OCBC ChatGPT, được phát triển với sự hỗ trợ từ Azure OpenAI của Microsoft và nhằm mục đích hỗ trợ nhân viên của OCBC viết, nghiên cứu và lên ý tưởng tốt hơn. Azure OpenAI là sự hợp tác giữa đơn vị điện toán đám mây Azure của Microsoft và OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT. Đây là một nền tảng dựa trên đám mây cho phép các nhà phát triển và nhà khoa học dữ liệu xây dựng và triển khai các mô hình AI một cách nhanh chóng và dễ dàng.

OCBC ChatGPT tạo ra câu trả lời và kết quả dựa trên thông tin văn bản có thể truy cập trên web, được lưu trữ trong môi trường an toàn và được kiểm soát. Trong quá trình thử nghiệm kéo dài sáu tháng từ tháng 4 đến tháng 9 -2023 với 1.000 nhân viên của OCBC, chatbot này được sử dụng trong các lĩnh vực như báo cáo nghiên cứu đầu tư, dịch nội dung và soạn thạo nội dung phản hồi cho khách hàng. Tính cả cả thời gian thẩm định cần thiết để đảm bảo độ chính xác thực tế, các nhiệm vụ được hoàn thành nhanh hơn 50% so với trước đây.

OCBC ChatGPT cũng giúp tăng năng suất của các nhiệm vụ tóm tắt tài liệu, phiên âm cuộc gọi (chuyển từ giọng nói sang văn bản) và tạo cơ sở kiến thức nội bộ lên tới 50%.

Tính đến tháng 10, có hơn bốn triệu quyết định, trong các quy trình như quản lý rủi ro, dịch vụ khách hàng và bán hàng ở OCBC được thực hiện với sự hỗ trợ của AI mỗi ngày. Con số này dự kiến tăng lên 10 triệu vào năm 2025.

Trong khi công nghệ AI mang lại lợi nhuận đầy hứa hẹn, Violet Chung, đối tác cấp cao của McKinsey, khuyến cáo các ngân hàng và tổ chức tài chính khác ở châu Á nên nắm bắt rõ về hiệu quả chi phí và tăng năng suất từ việc triển khai quy mô lớn công nghệ này.

“Cần phải có sự cân nhắc từ trên xuống để xem thế hệ AI tiếp theo có thể mang lại lợi ích cao nhất ở đâu. Những người ra quyết định ở các ngân hàng nên được thông báo về những rủi ro tiềm tàng từ AI tạo sinh”, bà nói trong cuộc trao đổi với trang tin FinanceAsia hôm 9-1.

Đi sâu vào các trường hợp sử dụng cụ thể, bà trích dẫn một báo cáo, có tiêu đề Nắm bắt toàn bộ giá trị của AI tạo sinh trong ngành ngân hàng của McKinsey, cho biết các dịch vụ bao gồm lập trình và bán hàng đang nhận được đòn bẩy trực tiếp nhất từ AI tạo sinh, giúp tự động hóa các quy trình và cung cấp giải pháp cho những kịch bản có tính dự báo hơn.

Báo cáo lưu ý, giao dịch với khách hàng là một trong những trường hợp sử dụng sáng tạo của AI tạo sinh trong ngành ngân hàng. Chẳng hạn, công nghệ này sẽ giúp quy trình giải ngân khoản vay được thực hiện hợp lý hơn và ít phiền hà hơn. Các công nghệ như mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 của OpenAI, có thể truy cập hình ảnh cũng như văn bản, là một ứng dụng quan trọng khác, có khả năng giúp các ngân hàng tiến hành nghiên cứu hiệu quả hơn nhờ trích xuất, phân tích nhanh chóng cơ sở dữ liệu nội bộ khổng lồ.

Thách thức về hạ tầng và nhân tài

Tuy nhiên, Violet Chung lưu ý, việc tích hợp AI tạo sinh vào hoạt động ngân hàng trên quy mô lớn không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Theo bà, đầu tư đầy đủ cho cơ sở hạ tầng là cần thiết để các ngân hàng có thể sử dụng AI thu thập và xử lý dữ liệu phức tạp, đồng thời, cần tính đến các rủi ro pháp lý và tuân thủ. Bà cảnh báo các rủi ro từ AI tạo sinh bao gồm tạo kết quả trả lời sai lệch hoặc sai, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề tiềm ẩn xung quanh bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu.

Kanv Pandit, giám đốc bộ phận dịch vụ ngân hàng châu Á-Thái Bình Dương của Công ty công nghệ tài chính FIS (Mỹ), nhấn mạnh cần phải xây dựng “các rào chặn bảo vệ” rõ ràng hơn khi thế hệ AI mới tích hợp vào lĩnh vực dịch vụ tài chính.

“Các nội dung được AI tạo ra cần phải được bảo vệ khỏi các vi phạm quyền riêng tư, bản quyền và sở hữu trí tuệ. Chúng cũng không được mang tính thành kiến và xúc phạm”, ông Pandit nói.

Ông cho rằng, các cơ quan quản lý cần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài liệu tham khảo cho AI, trong khi các ngân hàng nên thận trọng với những rủi ro của AI có thể xảy ra ở giai đoạn này. Ông dự đoán, các ngân hàng châu Á sẽ tiếp tục quan tâm mạnh mẽ đến AI trong năm 2024, nhưng ông kêu gọi các tổ chức tài chính cần triển khai công nghệ này theo những cách có trách nhiệm, đảm bảo rằng các rủi ro được nhận biết và có thể được giảm thiểu.

Violet Chung, đối tác của McKinsey, cho biết ngoài những thách thức kể trên, việc thiếu nhân tài công nghệ là thách thức trước mắt đối với các ngân hàng ở châu Á. Theo bà, các ngân hàng cần rất nhiều nhân tài công nghệ, bao gồm các kỹ sư chuyên tìm nguồn cung ứng dữ liệu, xây dựng phân tích và mô hình ngôn ngữ lớn, cùng nhiều công nghệ cụ thể khác.

Nhóm chuyên gia pháp lý đóng vai rất quan trọng để giúp các ngân hàng tuân thủ các quy định quản lý và hạn chế các rủi ro xung quanh AI. Bà ghi nhận, các ngân hàng ở châu Á có vị thế tốt hơn một chút trong cuộc đua nhân tài toàn cầu nhờ nguồn nhân tài dồi dào hơn các thị trường bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc. Một lợi thế khác của các ngân hàng châu Á nằm ở người tiêu dùng trong khu vực vì họ có xu hướng thân thiện và dễ chấp nhận hơn đối với các xu hướng kỹ thuật số.

Nhu cầu của dân số trẻ và am hiểu công nghệ trong khu vực sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục đổi mới công nghệ. “Khi những đổi mới công nghệ được người tiêu dùng và thị trường vốn nói chung đón nhận, ban lãnh đạo của các ngân hàng sẽ tự tin hơn nhiều để tăng cường nỗ lực đầu tư công nghệ”, Violet Chung nhận xét.

Theo FinanceAsia, Finews.asia

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
54.20 +0.20 (+0.37%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả