Ngân hàng bắt đầu cắt giảm lương vì Covid - 19
So với các lĩnh vực khác thì ngành ngân hàng được xem là 'bình yên' hơn cả trong mùa dịch bệnh, thì đến nay cũng đã đồng loạt thực hiện các giải pháp mạnh để tiết giảm chi phí nhằm đối phó với Covid-19.
Đại dịch Covid – 19 lây lan không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống người dân, mà còn có tác động vô cùng lớn tới “sức khỏe” của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, với vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng phải dồn sức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng với nhiều chính sách đang được thực hiện như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay, giảm phí giao dịch…
Tuy nhiên, trên phương diện hoạt động và hình thức tổ chức, thì ngân hàng cũng tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh khó khăn chung, họ cũng không thể nằm ngoài.
Và để vượt qua thời điểm khó khăn này, nhiều ngân hàng đang phải quyết liệt triển khai nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp cắt giảm chi phí.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển TP HCM - HDBank cũng vừa thông báo giảm lương kinh doanh 10-25% để đối phó với tình hình phức tạp của đại dịch, áp dụng cho những nhân viên có tổng lương từ 10 triệu trở lên.
Mức giảm lớn nhất (25%) được áp dụng cho người có tổng lương cao hơn 80 triệu đồng. Việc điều chỉnh thực hiện từ tháng 4 cho đến khi có thông báo thay thế.
Trong khi đó, dù chưa đưa ra con số cụ thể, xong cụm từ “tiết giảm chi phí” xuất hiện như là một điểm quan trọng trong “Những giải pháp trọng tâm năm 2020” của Ngân hàng Quân đội – MB.
Nhận định các mục tiêu mà ngân hàng đặt ra trong năm 2020 thực sự là thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch Covid-19 hiện nay, nhưng Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành MB cho biết sẽ quyết tâm nỗ lực, tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh khó khăn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Và để thực hiện được điều này, theo MB, sẽ tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết.
Một số các ngân hàng khác hiện cũng bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm chi phí bằng cách giảm lương của Ban lãnh đạo cũng như nhân viên, nhằm đối phó với những khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Đồng thời, tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vừa qua, Thống đốc cũng đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét đề xuất cho các tổ chức tín dụng cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bởi chỉ khi khó khăn của ngành ngân hàng được tháo gỡ thì mới có dòng tiền, có thanh khoản hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận