Ngăn chặn thao túng & đầu cơ
Sóng ngầm của các hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản đã nổi.
Thị trường có nhiều rúng động khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và em gái bị bắt để điều tra các sai phạm về thao túng giá chứng khoán. Vài ngày sau đó, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm cũng bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua các đợt phát hành trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỉ đồng...
Những sai phạm này chỉ là “sóng ngầm đã nổi” tại 2 thị trường đang có những cơn sốt nóng bất thường là chứng khoán và bất động sản, vốn đã nhận nhiều cảnh báo trong thời gian qua. Chẳng hạn, trong năm 2021, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất với 318.200 tỉ đồng trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tăng 66,3% so với năm 2020. Lo ngại là theo đánh giá của FiinGroup vào cuối năm 2021, năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết đều ở mức đáng báo động.
Trong khi đó, bên cạnh việc chỉ số chứng khoán tăng mạnh còn là sự gia tăng rất lớn của thanh khoản, từ mức 6.000-8.000 tỉ đồng/phiên trước đây, đến nay là 30.000 tỉ đồng/phiên. Những cơn sóng chứng khoán và đội ngũ hàng triệu nhà đầu tư F0 cũng đẩy dư nợ cho vay trên toàn thị trường năm 2021 khoảng 193.000 tỉ đồng, tăng khoảng 100.000 tỉ đồng so với cuối năm 2020.
Giữa lúc kinh tế khó khăn, dòng tiền kích cầu được bơm để phục hồi kinh tế, thì thị trường bất động sản và chứng khoán lại liên tục sốt nóng khiến những lo ngại về sự phát triển mất cân bằng của nền kinh tế hiện rõ hơn. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định: “Một nền kinh tế mà dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản quá lớn là một nền kinh tế xập xệ, không bền vững”.
Giá bất động sản đã tăng 200-500% so với năm 2013 và quy mô thị trường cũng đã lớn hơn rất nhiều. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực bất động sản dần hạ nhiệt từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức này trong năm 2021. Dù có vẻ các ngân hàng thương mại đã làm theo chỉ đạo về siết cho vay bất động sản nhưng không thể xóa đi được nỗi lo khác là dòng vốn tín dụng đã được chuyển sang hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cảnh báo: “Nếu không siết chặt tình trạng ngân hàng cho vay sân sau, bắt tay với doanh nghiệp bất động sản mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ... thì đến một lúc nào đó, mức độ nguy hiểm sẽ lan rộng và ngoài tầm tay của cơ quan thanh tra giám sát”.
Sự kém minh bạch và bóng đen thao túng giá khiến thị trường chứng khoán Việt Nam dù rất hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng, nhưng vẫn không hấp dẫn được dòng vốn ngoại từ các quỹ đầu tư lớn khi các tổ chức xếp hạng thị trường như MSCI hay FTSE vẫn duy trì quan điểm về thứ hạng thị trường cận biên của Việt Nam.
Dòng tiền đầu cơ, thao túng có thể khiến thị trường chứng khoán biến thành “canh bạc”, có thể sụt giảm nhanh, gây ra những hiệu ứng domino cho toàn thị trường và nền kinh tế. Đây là bài học từ rất nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. “Khi nền kinh tế thực khó khăn, ốm yếu, tôi cho rằng rất nhanh chóng truyền dẫn vào khu vực tài chính, ngân hàng. Bên cạnh rủi ro nợ xấu, lạm phát, bất cập về chính sách tín dụng, tôi xin nhấn mạnh chứng khoán tăng trưởng rất nóng, bộc lộ rõ nguy hại đầu cơ và thao túng giá”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định.
Sự vụ của FLC hay Tân Hoàng Minh đều cho thấy những cảnh báo đưa ra không hề cường điệu. Việc xử lý nghiêm các sai phạm trong thị trường chứng khoán, bất động sản cho thấy thông điệp rất quyết liệt từ phía các cơ quan quản lý. Về chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, trong đó yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Có thể coi đây thời điểm thích hợp để đánh giá một cách toàn diện về mức tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn vừa qua để xem liệu dòng vốn có đang được đưa vào các hoạt động kinh tế thực hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận