Ngẫm chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam 'đi xa, vươn cao'
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang đứng trước những cơ hội mới, đòi hỏi sự chú trọng vào chất lượng, bền vững và phù hợp với chuẩn mực quốc tế trên hành trình phát triển của mình.
Năm 2021 là một khoảng thời gian rất đặc biệt khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư buộc các cơ quan quản lý và thành viên tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phải chuyển mọi hoạt động quản lý, vận hành sang trạng thái thích ứng linh hoạt để bảo đảm hoạt động trong mọi hoàn cảnh. Thậm chí, kịch bản vận hành thị trường trong trường hợp trụ sở của các sở giao dịch và thành viên bị phong tỏa vì dịch cũng đã được chuẩn bị sẵn theo lời ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán (UBCKNN) khi thông tin với báo chí Tết Nhâm Dần.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn là một trong những thị trường thành công nhất trên thế giới năm 2021, khi chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối năm ở mức 1.498,28 điểm, tăng hơn 35,7% so với cuối năm 2020.
Quy mô thị trường cổ phiếu tăng mạnh, đạt 122,2% GDP năm 2020 tính tới 12-11-2021, qua đó hoàn thành mục tiêu vốn hóa bằng 120% GDP vào năm 2025 tại Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025 (trước 4 năm).
Không chỉ tạo kênh huy động vốn rất hiệu quả cho Nhà nước thông qua thị trường trường trái phiếu chính phủ, năm qua, TTCK tiếp tục khẳng định vững chắc hơn kênh huy động vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp. Qua TTCK dòng vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp được khơi thông, với giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỉ đồng trong năm 2021, cao hơn 2,3 lần năm 2020.
Về tổ chức, thị trường đã ghi nhận sự thay đổi lớn khi Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) chính thức hoạt động, bắt đầu tiến trình tái cơ cấu hoạt động theo hướng thống nhất các yếu tố, gồm: tư duy, chiến lược phát triển; mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ.
Những yếu tố này, được kỳ vọng sẽ giúp TTCK tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, tăng cường kết nối tốt hơn với các thị trường khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Về pháp lý, các Luật gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các Nghị định hướng dẫn Luật đã được ban hành đồng bộ và cùng có hiệu lực vào đầu năm 2021. Ở cấp thi hành, Thông tư số 57/2021 của Bộ Tài chính về lộ trình sắp xếp lại các giao dịch đã chính thức ban hành.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh trước 31-12-2022. Còn Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) phải thống nhất tổ chức thị trường giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm niêm yết, thị trường giao dịch cổ phiếu của tổ chức đăng ký giao dịch trước 30-6-2025.
Một dấu ấn chính sách khác với TTCK Việt Nam trong năm 2021 là việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) công bố “Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”. Điều này là cơ sở để doanh nghiệp niêm yết trên thị trường có căn cứ xác định mức “nới room” – cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu thêm cổ phiếu của doanh nghiệp.
Việc hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp có hiệu lực trong cùng năm – theo một lãnh đạo Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN – sẽ tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn.
Với lĩnh vực chứng khoán, vị này cho biết những quy định mới về nâng chuẩn hàng hóa trên thị trường, tăng cường minh bạch vàc công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn trong và ngoài nước. Đồng thời, mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán.
Với thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, các quy định tại pháp luật lĩnh vực chứng khoán, đầu tư sẽ tạo không gian rộng mở hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam.
Như vậy, thị trường phát triển về chất và lượng ở một mức độ nhất định trong 2 năm qua, dù chịu tác động của dịch Covid-19. Bối cảnh này đòi hỏi các cơ quan quản lý phải có các giải pháp phát triển thị trường theo hướng tăng chất lượng, tính bền vững và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Về bối cảnh thị trường, Việt Nam hiện vẫn nằm trong khu vực thị trường cận biên. Cụ thể, báo cáo do MSCI công bố vào tháng 6-2021 cho thấy một số vấn đề còn tồn tại với thị trường Việt Nam, như: tỷ lệ room ngoại, công bố thông tin bằng tiếng Anh; mức độ tự do hóa thị trường tiền tệ; thanh toán bù trừ chưa có thấu chi và ứng tiền trước;….
Mục tiêu nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi đã được các cơ quan quản lý đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2025. Gần đây, ông Nguyễn Đức Chi – Thứ trưởng Bộ Tài chính – tiếp tục nhắc lại mục tiêu này tại một toạ đàm diễn ra vào tháng 11-2021.
Để hiện thực hoá mục tiêu này, các cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ – tiếng Việt và tiếng Anh.
Ngoài ra, sớm triển khai chức năng đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường chứng khoán cơ sở, triển khai các sản phẩm phái sinh mới như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai cổ phiếu riêng lẻ, cơ chế giao dịch trong ngày (T+0)… để tăng sức mua của nhà đầu tư trên TTCK, tạo nền tảng vững chắc cho việc nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Về các thành viên tham gia thị trường, hiện nhiều công ty chứng khoán gặp áp lực vì quy mô thị trường cũng như số lượng nhà đầu tư tăng nhanh, trong khi vốn điều lệ của đa số công ty còn nhỏ so với nhu cầu của thị trường.
Vì vậy, việc tăng vốn là cần thiết để tạo ra công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhà đầu tư.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại cũng là vấn đề cần lưu tâm, các yếu tố bất cập về nền tảng kỹ thuật cần được khắc phục để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn phát triển mới của thị trường.
Chính vì vậy, để TTCK Việt Nam “đi xa, vươn cao”, thì những vấn đề nêu trên cần sớm được giải quyết và cần sự vào chung tay của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, thành viên thị trường, doanh nghiệp và cả công chúng đầu tư.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận