Nếu vẫn giữ mức tăng trưởng tín dụng đến 14 - 15% thì năm 2024 sẽ phức tạp hơn do lạm phát
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM, trong năm nay, với mức tăng trưởng GDP được dự báo chỉ khoảng 4,7 - 5% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 11 - 12% là phù hợp.
Không thể bơm tín dụng quá nhiều hay quá ít
Tại Hội thảo "Tháo van tín dụng - khơi thông tăng trưởng", PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM đã đưa ra những nhận định về bối cảnh đặc thù của tín dụng năm 2023.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, năm 2023, bối cảnh vĩ mô có sự đặc biệt nhưng bối cảnh tín dụng thì rất quen thuộc.
Có một câu hỏi đặt ra rằng: Tại sao 9 tháng trôi qua mà chỉ tiêu tín dụng của ta mới chi được một nửa hoặc 2/3 chỉ tiêu đề ra? Vậy trong 3 tháng cuối năm có đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm hay không?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Trung cho rằng, đây là điều hết sức bình thường và đó là câu chuyện thời vụ. Ông Trung cũng đưa ra dẫn chứng nhận định của World Bank khá bi quan khi đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ khoảng 4,7%. Tăng trưởng tín dụng tới đầu tháng 11 mới đạt khoảng 7,31%, cách xa mục tiêu tín dụng 14%. Do vậy, một khi thị trường có sự biến động thì cũng phải có sự linh hoạt trong thay đổi mục tiêu.
Theo ông Trung, không thể bơm tín dụng quá nhiều hay quá ít. Nếu bơm tín dụng nhiều như năm 2009 - 2010 sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát cao và "tất cả sẽ về con số 0", còn nếu đưa ra quá ít thì sẽ hạn chế tăng trưởng kinh tế. Được biết, việc tính chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng năm nay bắt nguồn từ việc đưa ra chỉ tiêu kế hoạch GDP tăng 6,5%, lạm phát ở mức 4,5% và cân đối xuất nhập khẩu.
“Nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì khả năng hấp thụ của nền kinh tế chỉ từ 11 - 12%. Nếu như vậy thì dự báo lạc quan là rất bình thường. Hiện giờ con số đã đạt 7,49% rồi. Tôi theo dõi 10 năm nay thì các tháng 11,12 có tính thời vụ tăng 2% là bình thường. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng vẫn cần xét duyệt nhanh hơn và doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn”, ông Trung cho biết.
Theo đó, tín dụng tăng 9 tháng vừa rồi là bình thường và theo đúng chu kỳ. Chỉ có điều chúng ta tính đến trường hợp xấu nhất để đưa giải pháp tốt nhất và với mức GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại mức tăng trưởng tín dụng.
“Khả năng cao để hấp thụ của nền kinh tế từ 11 - 12% là phù hợp, không nên nhắc đến 14 - 15% nữa. Cần cân bằng giữa rủi ro ngân hàng chấp nhận được và khẩu vị của doanh nghiệp”, ông Trung nhấn mạnh.
Do đó, ông Trung cho rằng, kinh tế vĩ mô đang có sự cải thiện thông qua những chỉ số như PMI, đơn hàng đang tốt lên, đơn hàng tồn kho và việc làm cũng tốt hơn. Hy vọng rằng đến giữa năm 2024 nền kinh tế sẽ hồi phục được như kỳ vọng.
Tại Hội thảo, về phía chuyên gia, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, mối quan hệ giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp là cộng sinh, cần chấp nhận rủi ro cùng nhau.
Trả lời cho câu hỏi xu hướng lãi suất ngân hàng từ nay tới cuối năm liệu sẽ có biến động theo chiều hướng nào, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời điểm hiện tại đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn, nguyên nhân không nằm ở lạm phát mà vấn đề cơ bản là áp lực tỷ giá.
“Chúng ta không thể để VND mất giá, vừa để giữ chỗ cho tỷ giá phát triển, đảm bảo thanh khoản và sự ổn định cho hệ thống ngân hàng. Nếu tỷ giá mất quá, không chỉ là vấn đề dòng tiền, ổn định vĩ mô, lạm phát mà bản thân doanh nghiệp nội địa sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận mức độ mất giá nhưng không thể quá cao”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Do đó, trước mắt, việc hạ lãi suất điều hành rất khó nên thị trường hiện cũng đang thúc giục các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chờ sự thẩm thấu, độ ngấm của việc lãi suất điều hành hạ và từ đó có độ trễ dành cho lãi suất của NHTM. Cần phải hiểu và thông cảm rằng, ngân hàng thương mại huy động cũng quá cao nên nếu hạ ngay sẽ lỗ nặng. Hiện cách làm của Việt Nam rất linh hoạt. Bên cạnh tính thị trường và độ trễ thì cũng là trách nhiệm của NHTM, do đó, ngân hàng có thể bớt ít lợi nhuận, có những gói cho vay với lãi suất thấp hơn.
“Các NHTM có tập khách hàng của riêng, “khẩu vị” khác nhau. Có ngân hàng thiên về SME, có ngân hàng lại thiên về bất động sản… Và do hệ sinh thái khác nhau nên phải tìm hiểu “khẩu vị” đánh giá rủi ro, hợp tác cùng với đối tác”, TS. Thành cho biết.
Vì vậy, ông Thành cũng kỳ vọng, áp lực từ bên ngoài như lãi suất của FED sẽ giảm từ giữa năm sau giúp cúng ta giảm bớt áp lực. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng sẽ ổn hơn nhờ quá trình tái cấu trúc. Tuy nhiên hiện quá trình tái cấu trúc ngân hàng rất chậm.
“Phải chung sức đồng lòng, nếu hệ thống ngân hàng lành mạnh hy vọng năm sau có thể ngân hàng nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một chút. Hiện tại chúng ta cố gắng giữ lãi suất hiện nay dù áp lực tỷ giá vẫn còn. Các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất theo các gói ưu đãi của Chính phủ chỉ đạo”, TS. Vó Trí Thành nhận định.
Có thể thấy, hiện nay, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Về phía ngân hàng, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank đã chỉ ra những hướng đi để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Theo ông Trần Hoài Phương, để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp nên tránh 3 điều: Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để duy trìtrong dài hạn.
“Đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, để có thể vay vốn thì doanh nghiệp đó cần phải có người bảo lãnh”, ông Trần Hoài Phương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cũng cho biết, không phải thời điểm này mà từ đầu năm Agribank đã thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đến tháng 10 vừa rồi, ngân hàng 7 lần giảm lãi suất cho vay.
Về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19 và gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn theo. Kết quả, đến 31/10/2023, Agribank đã cơ cấu nợ hơn 34.000 tỷ đồng.
Đại diện Agribank nhận định, ngân hàng - khách hàng luôn đồng hành với nhau. “Ngân hàng huy động về là để cho vay chứ không để đó”, ông Bách nhấn mạnh. Ví dụ các doanh nghiệp không bán được hàng có thể không nhận đầu vào nhưng với ngân hàng thương mại, thì ngân hàng nhận tiền và phải giải ngân chứ không thể để đó./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận