Năng lượng tái tạo - biến tiềm năng thành sức mạnh, xu hướng tất yếu cho cuộc sống xanh
Việt Nam đang nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP 26.
Tiềm năng lớn phát triển NLTT
Việt Nam có điều kiện thuận lợi cho phát triển NLTT nhờ hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi.
Việt Nam cũng là một trong những nước có số giờ nắng cao nhất châu Á, trung bình 1.500-1.700 giờ mỗi năm, đặc biệt là ở miền Nam. Cường độ bức xạ mặt trời cũng không thay đổi đáng kể trong năm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), bên cạnh năng lượng mặt trời, Việt Nam còn có tiềm năng to lớn về gió thổi từ đất liền ra biển. Phân tích cho thấy khoảng 370 GW NLTT có thể được tạo ra thêm vào năm 2040 để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Gần đây, các dự án NLTT phát triển mạnh chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam. Sơ bộ đến năm 2021, khu vực miền Trung phát triển khoảng gần 9 GW NLTT và khu vực miền Nam có công suất đặt lên tới gần 12 GW.
Tính đến cuối năm 2021, các nguồn NLTT tại nước ta có tổng công suất lắp đặt là 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống (76.620 MW); tổng sản lượng điện từ nguồn NLTT đạt 31.508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng toàn hệ thống.
Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong 7 tháng năm 2022, tỷ lệ huy động nguồn NLTT đạt trên 22 tỷ kWh, chiếm 14% sản lượng điện toàn hệ thống, riêng điện Mặt trời đạt 16,54 tỷ kWh, điện gió đạt 5,24 tỷ kWh.
Là nước sử dụng điện nhiều thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, nhằm hướng tới thực hiện các cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đang tích cực, chủ động phát triển NLTT. Chính phủ đã đưa ra các ưu đãi thuế và áp dụng cơ chế giá hỗ trợ mua điện từ các dự án NLTT.
Việc này được đánh giá là góp phần thúc đẩy ngành NLTT trong nước phát triển, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành năng lượng nói chung hay NLTT nói riêng.
Theo tính toán, nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về NLTT, Việt Nam sẽ thăng hạng hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về các giải pháp phát triển NLTT và sáng tạo.
Lời khuyên của chuyên gia
Tại Hội thảo tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh vừa qua, ông Rahul Kitchilu, Phụ trách Chương trình Cơ sở hạ tầng, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: “Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về phát triển NLTT với hơn 20 GW NLTT và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân trong vòng 2 năm qua. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận và là bước đi nghiêm túc hướng tới đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng sạch và loại bỏ carbon khỏi nền kinh tế”.
Để tiếp tục duy trì sự tăng trưởng đối với NLTT, ông Rahul đề xuất, cần có các cải tiến trong việc hoạch địch mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn cung NLTT có chi phí thấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) ước tính, năm 2022, chi phí đầu tư cho điện mặt trời và điện gió đã tăng khoảng 15-25% so với năm 2020. Mặc dù vậy, với giá dầu/khí duy trì ở mức cao và sẽ tiếp tục cao hơn, trong khi các nước châu Âu đẩy nhanh hơn quá trình đầu tư NLTT, lợi thế kinh tế nhờ quy mô cùng kỳ vọng các nguyên vật liệu giảm nhiệt giúp chi phí đầu tư NLTT tiếp tục giảm theo xu hướng dài hạn.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu BloombergNEF, đầu tư toàn cầu vào các dự án năng lượng mặt trời có quy mô nhỏ và lớn tăng 33% trong nửa đầu năm 2022, đạt mức kỷ lục 120 tỷ USD, trong khi đầu tư vào các dự án điện gió tăng 16%, lên 84 tỷ USD.
Trong khi đó, các chuyên gia WB nhận định, Việt Nam sẽ cần khoảng 166 tỷ USD (giá trị hiện tại) để đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 nhằm thực hiện các mục tiêu của COP26.
Để đáp ứng nhu cầu tài chính, đại diện WB đưa ra ý kiến: Cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân bổ nguồn tiết kiệm nội địa cho các dự án liên quan đến khí hậu, tăng dự trữ quốc gia, và nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Theo WB, Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển đa phương và song phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực chuyển dịch năng lượng xanh.
Nỗ lực không ngừng
WB đánh giá, thời gian qua, Việt Nam đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho NLTT như việc áp dụng giá FIT với điện gió và điện mặt trời đã góp phần tạo ra sự "bùng nổ" về phát triển nguồn năng lượng này.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Chính phủ định hướng phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng sạch, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, đặc biệt khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.
Đầu tháng 8/2022, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 231/TB-VPCP kết luận phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Thông báo nêu rõ, để quyết tâm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung, làm rõ các quan điểm, chủ trương để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo những vấn đề phát sinh. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án phát triển thị trường các bon tại Việt Nam theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...
Các bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng theo chức năng quản lý nhà nước được giao ban hành các hướng dẫn chi tiết về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc - báo cáo - thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính bảo đảm nội dung, tiến độ theo đúng quy định...
Các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thành trước ngày 15/8/2022 các báo cáo về chuyển đổi công bằng, công lý trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động nhanh chóng, mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng để biến các cam kết tại Hội nghị COP26 thành hiện thực, góp phần cải thiện mạnh mẽ hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận