Năm Bảy Bảy (NBB): Thách thức kế hoạch gọi vốn
Cổ phiếu đang giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu, song Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy (mã NBB) lên kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Giá chào bán dự kiến cao hơn nhiều thị giá
Ngày 25/4 vừa qua, đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Năm Bảy Bảy đã bất thành do không đáp ứng được điều kiện trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Cụ thể, chỉ có 9 nhà đầu tư, đại diện cho 46,07% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.
Tình huống này bắt nguồn từ việc cơ cấu sở hữu của Năm Bảy Bảy phân tán hơn sau khi cổ đông lớn - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII) - thoái vốn. Tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ sở hữu của CII tại Năm Bảy Bảy là 65,32%, nhưng đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 37,52%, tương ứng bán ra 27,8%.
Báo cáo tài chính của CII cũng cho thấy, năm qua, Công ty ghi nhận khoản lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính 810,04 tỷ đồng, tăng 664,7% so với năm 2021; trong đó, chủ yếu đến từ thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại Năm Bảy Bảy. Giai đoạn CII thoái vốn tại Năm Bảy Bảy trùng với thời điểm cổ phiếu NBB có sóng tăng mạnh mẽ, đạt đỉnh 59.700 đồng vào ngày 11/1/2022 và đi xuống dần sau đó.
Việc đại hội tổ chức bất thành, theo ông Lưu Hải Ca, Chủ tịch Hội đồng quản trị Năm Bảy Bảy, “ảnh hưởng rất nhiều thời gian, công sức của cổ đông và Ban điều hành, Hội đồng quản trị. Từ giờ đến cuối năm, có rất nhiều công việc của Công ty cần thực hiện và thời gian gấp rút”. Dự kiến, đại hội lần 2 sẽ được Công ty triệu tập vào ngày 30/5 tới.
Theo tài liệu dự kiến trình đại hội cổ đông, năm nay, Năm Bảy Bảy có kế hoạch chào bán hơn 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 2:1. Đáng chú ý, mức giá chào bán dự kiến là 15.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với thị giá cổ phiếu trên sàn hiện nay (đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/4/2023 ở mức 13.100 đồng/cổ phiếu).
Phương án chào bán này được đánh giá là kém hấp dẫn. Giả sử thị giá của NBB đi ngang so với thời điểm cuối tháng 4, thì với mức giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu và tỷ lệ chào bán 2:1, những nhà đầu tư thực hiện quyền mua sẽ có giá mua trung bình là 13.733 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 5% so với giá mua của các cổ đông không thực hiện quyền. Đó là chưa nói tới rủi ro cổ phiếu bị định giá lại sau khi pha loãng giá trị nếu đợt phát hành diễn ra.
Có thể nói, theo tính toán thông thường, việc chào bán cổ phiếu với giá cao hơn so với giá thị trường là không hấp dẫn.
Thực tế, với cơ cấu cổ đông hiện nay của Năm Bảy Bảy, nhà đầu tư dễ dàng gia tăng số lượng cổ phiếu NBB nắm giữ thông qua khớp lệnh trên sàn, với giá thấp hơn nhiều đợt chào bán sắp tới. Thanh khoản trung bình 20 phiên gần nhất (tính tới ngày 28/4) của cổ phiếu này là 503.000 cổ phiếu.
Thêm một lợi ích nữa là, khi mua cổ phiếu trên sàn thì chỉ sau ngày T+2 là về giao dịch, trong khi với cổ phiếu phát hành thêm, nhà đầu tư phải chờ từ 1 - 2 tháng, cổ phiếu mới về tài khoản. Quãng thời gian này có thể ẩn chứa nhiều rủi ro với nhà đầu tư nếu thị giá cổ phiếu biến động tiêu cực.
Khát vốn
Phương án huy động vốn được Hội đồng quản trị Năm Bảy Bảy đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của Công ty gặp nhiều khó khăn. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty này bất ngờ thông báo khất nợ khoản cổ tức 9% còn lại của năm 2020 và 15% cổ tức năm 2021 “để ưu tiên dòng tiền cho hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các dự án” và “dự kiến đến cuối năm cũng không thu xếp được dòng tiền trả cổ tức”.
Báo cáo tài chính quý I/2023 của Năm Bảy Bảy cho biết, tại thời điểm 31/3/2023, số dư tiền mặt của Công ty chỉ vẻn vẹn 7,15 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay lên tới 2.704,9 tỷ đồng, bằng 1,49 lần vốn chủ sở hữu, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành 0,69 lần. Trong đó, nợ vay phải trả trong vòng 1 năm là 978,1 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 1.726,8 tỷ đồng.
Quay trở lại kế hoạch huy động vốn qua phát hành cho cổ đông hiện hữu của Năm Bảy Bảy, trong số tiền 751,2 tỷ đồng dự kiến huy động được, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng đầu tư bổ sung nguồn vốn cho dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, 328,8 tỷ đồng bổ sung vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi - Bình Thuận.
Theo tìm hiểu, dự án Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi có quy mô 102,7 ha, tổng vốn đầu tư 1.752,5 tỷ đồng, đã giải ngân 1.330,1 tỷ đồng. Năm 2023, Công ty dự kiến huy động vốn để giải ngân toàn bộ 422,4 tỷ đồng còn lại cho dự án này. Trong khi đó, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp Khu dân cư De Lagi - Bình Thuận có quy mô 124,53 ha, tổng vốn đầu tư 2.725,7 tỷ đồng, đã giải ngân 1.264,4 tỷ đồng, lượng vốn cần giải ngân còn lại là 1.461,3 tỷ đồng. Riêng năm 2023, Công ty dự kiến giải ngân 328,78 tỷ đồng cho dự án này.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng, hoạt động bán hàng, huy động vốn từ khách hàng khó khăn, trong khi kênh dẫn vốn như trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng vẫn tắc nghẽn, nguồn tiền đầu tư cho hai dự án trọng điểm trên của Năm Bảy Bảy phụ thuộc vào kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu Công ty dự kiến trình đại hội cổ đông thông qua tới đây. Tuy vậy, phương án này liệu có được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên hay không, có tính khả thi không là câu hỏi lớn.
Ngoài hai dự án trên, Năm Bảy Bảy hiện đang triển khai hai dự án khác tại TP.HCM: Một là NBB II, diện tích 8,34 ha, tổng vốn đầu tư 2.433 tỷ đồng, thời gian triển khai từ năm 2017 - 2025; hai là NBB Garden III, quy mô 7,75 ha, tổng vốn đầu tư 2.706 tỷ đồng, triển khai từ năm 2017 - 2025. Cả hai dự án này đều đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư.
Trong quý I/2023, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu đạt 14,05 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,13 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 0,6% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 20,5 tỷ đồng).
Trước đó, trong năm 2022, Năm Bảy Bảy ghi nhận doanh thu giảm 17,5%, về 466,36 tỷ đồng và hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu; lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng và hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận