Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ
(ĐTCK) Năm 2022, thế giới vừa phải khắc phục những hậu quả nặng nề về mặt kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa phải đối mặt với những thách thức khó khăn mới từ sự bất ổn chính trị, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và chỉ đạo quyết liệt thực hiện những quyết sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Các chủ trương, chính sách đồng bộ của Đảng và Chính phủ đã được các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện một cách đồng bộ và có sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Nhờ đó, nước ta đã đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. GDP năm 2022 vẫn đạt mức tăng trưởng 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
Các cân đối vĩ mô tiếp tục được ổn định, lãi suất, lạm phát, tỷ giá được kiểm soát, thu ngân sách tiếp tục giữ vững, nợ công và bội chi ngân sách nhà nước nằm trong kiểm soát và theo đúng chỉ tiêu của Quốc hội.
Ngân sách đảm bảo được thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm nhiều biến động, song vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, huy động vốn trên thị trường vẫn đạt được ở mức cao. Đa số các doanh nghiệp niêm yết đều hoạt động ổn định và có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.
Bước sang năm 2023, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Chính phủ, Quốc hội thông qua, ngành chứng khoán tập trung thực hiện một số công việc trọng tâm, gồm:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán và các văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Thứ hai, trên cơ sở chiến lược ngành tài chính, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, xây dựng một kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai các hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo thuận lợi cho công chúng đầu tư.
Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Với những giải pháp đó, tin tưởng rằng, năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ với sự phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự hưng thịnh của nền kinh tế, doanh nghiệp và công chúng đầu tư.
(Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2023 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận