menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trí Tú

Mỹ, Nga chuyển động quân sự dồn dập đầu năm

Mỹ và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị tập trận lớn tại Địa Trung Hải, trong khi Nga tập trận với Trung Quốc, Iran ở vịnh Ba Tư.

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn giữa Nga và phương Tây, Lầu Năm Góc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman đến Địa Trung Hải và tham gia tập trận với các đồng minh NATO tại đây. Còn tại vịnh Ba Tư, Nga cùng với Trung Quốc và Iran vừa kết thúc cuộc diễn tập CHIRU-2Q22 vào hôm qua (22.1).

Mỹ, Nga chuyển động quân sự dồn dập đầu năm - ảnh 1

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman ở Địa Trung Hải

Hải quân Mỹ

Cuộc diễn tập bất ngờ

Mỹ và các đồng minh NATO sẽ bước vào giai đoạn diễn tập quân sự quan trọng tại Địa Trung Hải, theo website Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21.1 dẫn lời ông John Kirby, người phát ngôn cơ quan này. Dự kiến, cuộc tập trận tên Neptune Strike ‘22 (lược dịch Cú đấm của thần biển 2022) diễn ra từ ngày 24.1 - 4.2, với mục tiêu củng cố năng lực răn đe và phòng thủ của liên minh quân sự.

Đóng vai trò trung tâm của Neptune Strike ‘22 là nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman. Hàng không mẫu hạm Mỹ đã đến Địa Trung Hải từ giữa tháng 12.2021, và được yêu cầu duy trì sự hiện diện tại đây thay vì lên đường đến Trung Đông. Nhằm chứng tỏ sự đoàn kết của NATO, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ sẽ thao diễn trong đội hình dưới ngọn cờ chung của liên minh. Nhóm tác chiến bao gồm tàu sân bay, không đoàn tàu sân bay số 1 (tập hợp 9 phi đội), 4 khu trục hạm mang theo tên lửa dẫn đường, một tuần dương hạm lớp Ticonderoga.

Nga, Mỹ đồng ý tiếp tục đối thoại về Ukraine

Người phát ngôn Kirby không đề cập những nước tham gia Neptune Strike ‘22. Tuy nhiên, báo The Hill dẫn nguồn thạo tin tiết lộ Tây Ban Nha đã điều các tàu chiến đến Địa Trung Hải và Biển Đen. Nước này cũng cân nhắc đưa phi đội tiêm kích đến Bulgaria. Bên cạnh đó, Đan Mạch đang gửi một tàu hộ vệ đến biển Baltic, còn Pháp đề nghị đưa quân tới Romania.

Ông Kirby khẳng định Neptune Strike ‘22 không liên quan động thái quân sự của Nga gần biên giới Ukraine. Thế nhưng, theo Đài Deutsche Welle, Neptune Strike ‘22 hoàn toàn không xuất hiện trên danh sách lịch trình diễn tập quân sự của NATO vào ngày 14.12.2021.

\n

Động thái của Nga

Thông báo của Lầu Năm Góc về Neptune Strike ‘22 chỉ diễn ra một ngày sau khi Nga cho biết sẽ thể hiện năng lực hải quân trải dài khắp các đại dương của thế giới trong 2 tháng đầu năm 2022. Tổng cộng 140 tàu chiến và 10.000 quân nhân của các hạm đội Nga tham gia diễn tập ở Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

Vì sao Nga quan tâm đến Ukraine như vậy?

Hôm qua, Nga vừa khép lại hoạt động hải quân với Trung Quốc và Iran tại vịnh Ba Tư, tên gọi CHIRU-2Q22. Theo Thông tấn xã TASS, Bộ Quốc phòng Nga cử một biệt đội của hạm đội Thái Bình Dương, bao gồm tuần dương hạm tên lửa Varyag, khu trục hạm Admiral Tributs và tàu tiếp dầu Boris Butoma, tham gia diễn tập.

Đức loại trừ khả năng cấp vũ khí cho Ukraine

Đức loại trừ khả năng chuyển giao vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh chính quyền Kiev đang đối mặt sức ép từ biên giới với Nga. Đó là thông tin đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht trong cuộc phỏng vấn được Reuters đăng tải ngày 22.1. Thay vào đó, chính quyền Berlin đang xúc tiến hỗ trợ Ukraine về các khía cạnh khác, như gửi bệnh viện dã chiến cho nước này. Theo bà Lambrecht, trước hết các bên phải nỗ lực hết mức để giảm nguy cơ bùng nổ xung đột, và việc chuyển giao vũ khí không hữu ích cho nỗ lực đó. Ông Olaf Scholz, Thủ tướng Đức, cũng nhấn mạnh chính sách của Berlin là không cung cấp vũ khí sát thương cho các khu vực xung đột.

Hôm qua, NATO đã bác bỏ yêu sách của Nga, theo đó buộc khối rút lực lượng khỏi Romania và Bulgaria. “NATO sẽ không từ bỏ năng lực bảo vệ và phòng thủ giữa các thành viên, bao gồm sự hiện diện quân sự tại cánh đông của khối”, Hãng tin Reuters dẫn lời bà Oana Lungescu, người phát ngôn của NATO. Đây là câu trả lời của Brussels trước yêu cầu của Moscow về việc NATO ngừng mở rộng về hướng đông và quay lại biên giới của khối vào năm 1997. Romania và Bulgaria là hai thành viên được sáp nhập vào NATO sau thời điểm này. Vì thế, Nga muốn toàn bộ binh lực nước ngoài, bao gồm binh lính, vũ khí và khí tài, được đưa khỏi hai nước trên.

Trong một diễn biến liên quan, Mỹ đồng ý yêu cầu của 3 thành viên NATO là Estonia, Latvia và Lithuania chuyển giao vũ khí do Mỹ sản xuất cho Ukraine. Theo Reuters, Estonia sẽ gửi tên lửa chống tăng Javelin, còn Latvia và Lithuania cung cấp tên lửa phòng không Stinger. Hôm qua, TASS đưa tin Mỹ đang triển khai máy bay do thám và thiết bị bay không người lái tuần tra khu vực Donbass, miền đông Ukraine.

Tin liên quan

  • Mỹ - Nga có đạt được gì sau đàm phán an ninh về Ukraine?
  • Đối thoại Mỹ - Nga diễn ra trong căng thẳng
  • Căng thẳng bao trùm đối thoại Mỹ - Nga
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả