24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Huỳnh Dương Bốn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mùa du lịch hè: Khi giá tour tăng theo giá xăng

Chưa kịp vui mừng trước những dấu hiệu phục hồi của du lịch nội địa, việc giá xăng dầu liên tục tăng đã khiến các doanh nghiệp du lịch đứng ngồi không yên. Đang giữa “mùa vàng”, đây là thách thức không nhỏ đồi với ngành “công nghiệp không khói”… 

Mùa du lịch hè: Khi giá tour tăng theo giá xăng
Ảnh minh họa.

Có thể thấy, với đợt tăng liên tục thời gian qua, mặt hàng xăng dầu trong nước đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay. Giá xăng dầu tăng đã tác động đến nhiều ngành khác nhau và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi của ngành du lịch. Giá vé máy bay tăng, giá tour tăng trong khi vật giá leo thang khiến hầu bao du khách eo hẹp lại. Mùa du lịch hè có thể không thành công như kỳ vọng.

Doanh nghiệp lữ hành chật vật

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương, TP Đà Nẵng cho rằng, giá xăng tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành sẽ rất đau đầu trong việc xây dựng giá tour, giá tour cao thì khách hàng sẽ quay lưng, còn nếu giá tour thấp thì các công ty phải chịu thiệt.

Cùng với đó, giá xăng dầu tăng, đánh bắt hải sản chi phí cao, giá thực phẩm cung ứng cho du lịch tăng theo, dẫn đến chi phí ăn uống trong cơ cấu giá tour du lịch cũng “nhích lên”. Các dịch vụ ở địa phương, điểm đến cũng tăng giá, cộng dồn vào thì tổng chi phí cho tour du lịch tăng. Giá tour tăng, tiêu xài tốn kém hơn, đương nhiên sẽ giảm lượng khách tham gia. Các hãng lữ hành còn e ngại khả năng nhà hàng, khách sạn… sẽ tăng giá theo.

Theo khảo sát, giá vé rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã lên mức 2,5-4 triệu đồng/khứ hồi tùy chặng bay đã bao gồm thuế phí, cao hơn khoảng 500.000 đồng mỗi vé so với những cao điểm hè trước đó. Đơn cử, chặng bay TP HCM - Phú Quốc, giá vé dao động 3 - 3,5 triệu đồng (Vietjet Air); 3 - 3,7 triệu đồng (Vietnam Airlines); 3 - 4,5 triệu đồng (Bamboo Airway); 3,3 triệu đồng (Viettravel Airlines). Ở chặng bay Hà Nội - Phú Quốc, chuyến khứ hồi rẻ nhất rơi vào khoảng 2,6 triệu đồng của Vietjet. Giá vé của Bamboo và Vietnam Airlines khoảng 5 - 8 triệu đồng khứ hồi.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour cho hay, giá mỗi vé máy bay nội địa hiện đã tăng khoảng 1 triệu đồng/chiều; giá tất cả các dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt đều tăng từ 20% trở lên: “Chúng tôi đã ký hợp đồng từ trước với các đơn vị vận chuyển, các hãng bay để giữ được mức giá tốt. Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ phải tính toán lại giá khi ký các hợp đồng mới”.

Tương tự, ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt cho rằng, vật giá tăng khiến giá tour không thể rẻ được. Thậm chí các tour du lịch bình dân sẽ chịu tác động mạnh hơn các tour cao cấp do chi phí vận chuyển, bữa ăn tăng. Các tour cao cấp chịu tác động ít hơn do giá tour lệ thuộc nhiều hơn vào chi phí lưu trú. Ông nhận định: “Chúng tôi nhận thấy, hè này, nhu cầu du lịch nội địa tăng mạnh tuy nhiên, đà tăng tập trung chủ yếu ở phân khúc trung và cao cấp, còn phân khúc bình dân tăng chậm”.

Mùa du lịch hè: Khi giá tour tăng theo giá xăng
Giá xăng tăng thì giá vận chuyển cũng tăng và giá tour du lịch cũng sẽ tăng vì vận chuyển chiếm tỷ trọng chi phí lớn trong cơ cấu tour.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần phát triển Golden Smile Travel (TP HCM) cho biết, không chỉ bất lợi từ giá xe cộ mà các vấn đề ăn uống, tham quan, lưu trú cũng tăng theo xu thế chung. Vì thế, nếu các cơ quan hữu quan không có chính sách kiểm soát giá cả (đặc biệt là giá xăng dầu) hiệu quả, nạn “chặt chém” phát sinh, dẫn đến tình trạng “loạn giá” hay nói cách khác là thả nổi thị trường. “Không thể tăng giá bất thường, vì dễ gây mất thiện cảm trong lòng du khách. Việc cố gắng giữ bình ổn giá rất quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp dịch vụ,” ông Phương chia sẻ.

Giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đến khối dịch vụ lưu trú. Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Khách sạn Riverside Saigon cho biết, các nhà cung cấp dịch vụ giặt ủi đã tăng giá lên 15%. Các mặt hàng dùng một lần trong khách sạn như kem, bàn chải đánh răng, xà phòng, trà, cà phê, nước suối cũng tăng giá. Giá thành dịch vụ tại khách sạn tăng khoảng 10% nên giá dịch vụ áp dụng với khách hàng cũng tăng gần 5%.

Mong chờ các giải pháp "gỡ khó"

Theo nhiều doanh nghiệp, cái khó nhất lúc này là phải bù lỗ cho những sản phẩm đã bán ra với giá cũ. Việc giá xăng, dầu tăng không có nghĩa sản phẩm du lịch cũng tăng ngay theo được. Do đó, các sản phẩm đã bán coi như doanh nghiệp phải chịu thiệt. Bà Dương Thanh Hằng, Giám đốc Công ty du lịch Sun Smile Travel lo lắng, nếu tới đây giá một số dịch vụ như khách sạn, nhà hàng “leo thang” theo giá xăng dầu thì chắc chắn giá tour khó có thể giữ nguyên.

Đối với tour có sử dụng vé máy bay và xe ô tô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Do đó, việc xăng dầu liên tục tăng giá khiến doanh nghiệp buộc phải đẩy giá tour lên cao.

“Khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm thu hút khách, nhất là trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu do dịch Covid-19” bà ,Thanh Hằng phân tích.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, năm 2022, thị trường nội địa vẫn sẽ là lối thoát của ngành kinh tế xanh. Tuy không thể lấp khoảng trống của thị trường quốc tế, nhưng cũng mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

Do đó, theo ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, doanh nghiệp rất cần biết chiến lược tổng thể phục hồi của ngành du lịch trong ngắn hạn, trung và dài hạn, thay vì kích hoạt một cách hình thức, nhỏ lẻ. Doanh nghiệp du lịch đang thiếu thông tin về chiến lược của du lịch Việt Nam, thiếu thông thị trường, thiếu vốn và thiếu nhân sự.

Chủ tịch Lux Group mong các gói ưu đãi Chính phủ đã quyết định rót cho du lịch cần giải ngân sớm, khoản vay lãi suất thấp 2% cho doanh nghiệp du lịch cần triển khai đúng và trúng, nhân sự cũng cần được hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại. Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp còn cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang có những kế hoạch tích cực trong việc mở cửa du lịch trở lại, việc các công ty lữ hành buộc phải xây dựng giá tour cao theo giá xăng dầu sẽ khiến chúng ta mất lợi thế điểm đến quốc gia.

Mùa du lịch hè: Khi giá tour tăng theo giá xăng
Giá vé máy bay tăng, giá tour tăng trong khi vật giá leo thang khiến hầu bao du khách eo hẹp lại.

Đại diện các đơn vị lữ hành cho biết, họ sẽ chủ động tư vấn rõ cho khách mua tour về sự biến động giá dịch vụ hoặc sẽ điều chỉnh lịch trình tour để giảm các chi phí không cần thiết mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tour. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ ưu tiên giới thiệu với khách các điểm đến có chi phí chưa tăng cao.

Đại diện các đơn vị lưu trú thì lựa chọn giải pháp hợp tác với nhau mua chung các mặt hàng dùng một lần cho khách sạn với số lượng lớn, hoặc chọn mua các sản phẩm có thể dự trữ được lâu hơn. Các đơn vị lưu trú cũng có xu hướng thay thế các loại thực phẩm tươi sống trong thực đơn sang các sản phẩm khô, đóng gói để có mức giá tốt…

Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn trước mắt, ông Võ Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái Bảo Duyên mong mỏi: “Bão Covid-19 vẫn chưa thực sự qua đi, doanh nghiệp lại tiếp tục đón nhận bão giá. Chỉ có những người trong cuộc mới cảm nhận hết sự trăn trở của doanh nghiệp lúc này. Trừ một số ít ngành, lĩnh vực có khả năng trụ lại và phục hồi tốt sau đại dịch, còn những ngành như dịch vụ, du lịch, vận tải… vẫn đang đối mặt với ngổn ngang khó khăn trước mắt và cả lâu dài".

"Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi mong Nhà nước sẽ kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay ngân hàng, duy trì mức lãi suất ổn định, triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất sớm chừng nào hay chừng đó. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về visa, khách du lịch quốc tế… để thu hút du khách đến nhanh và đến nhiều hơn,” ông Điệp nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả