Một cổ phiếu bất động sản âm thầm đạt đỉnh
Dù cho biên độ tăng điểm giữa các phiên thường dưới ngưỡng 0,5%, KOS vẫn nhích vượt ngưỡng 40.000 đồng/CP – vùng đỉnh lịch sử kể từ khi Kosy đưa cổ phiếu lên sàn vào năm 2017.
Chốt phiên 11/3, cổ phiếu KOS của CTCP Kosy (HoSE: KOS) tăng 0,13% lên 40.050 đồng/CP, tương đương vốn hóa 8.670 tỷ đồng. KOS tăng điểm trong bối cảnh thị trường diễn biến tiêu cực trong hai phiên gần đây.
Cụ thể, trong phiên 8/3, VN-Index giảm tới hơn 21 điểm, KOS lại duy trì ổn định ở mức tham chiếu 40.000 đồng/CP với thanh khoản 587.000 đơn vị được giao dịch. Tới phiên 11/3, VN-Index giảm thêm hơn 11 điểm, hàng loạt cổ phiếu lớn của ngành bất động sản giảm mạnh như AGG (-4,8%), HDG (-3,25%), FIR (-4,7%), KBC (-3%)…
Trong 10 phiên gần nhất, KOS chỉ có duy nhất một phiên giảm điểm so với 6 phiên tăng điểm. Tính từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu này có đúng 3 phiên giảm điểm. Dù biên độ tăng điểm giữa các phiên thường dưới ngưỡng 0,5%, KOS vẫn nhích vượt ngưỡng 40.000 đồng/CP – vùng đỉnh lịch sử kể từ khi Kosy đưa cổ phiếu lên sàn vào năm 2017.
Trên thực tế, KOS là một trong những cổ phiếu ổn định nhất ngành bất động sản, nếu không muốn nói là trên cả thị trường chứng khoán.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, KOS chủ yếu giao dịch trong khoảng 36.000 – 40.000 đồng/CP. Biên độ tăng giảm mỗi phiên thường ở dưới 0,5% với thanh khoản vài trăm nghìn đơn vị. Trước đó, trong 2 năm 2021 và 2022, cổ phiếu này tăng điểm ổn định từ 24.000 – 34.000 đồng/CP.
Giai đoạn tháng 11/2022, khi VN-Index giảm mạnh về đáy 910 điểm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn và tìm đáy lịch sử dưới áp lực bán giải chấp trên diện rộng, KOS là một trong số ít mã trong ngành không bị ảnh hưởng và thường xuyên ngược dòng thị trường, giao dịch chủ yếu trong vùng 35.000 – 36.000 đồng/CP.
Theo chứng thư thẩm định giá số 20/2021/CT-KVA ngày 10/9/2021 do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá KVA ban hành, đánh giá cổ phiếu KOS có giá trị 16.000 đồng/CP. Chốt phiên 10/9/2021, cổ phiếu KOS đóng cửa với mức giá 30.700 đồng/CP, cao gần gấp đôi so với mức định giá của KVA.
KOS hiện là một trong những cổ phiếu bất động sản có tỷ lệ sở hữu cô đặc bậc nhất sàn HoSE ở thời điểm hiện tại. Tại 6 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên gần nhất, tỷ lệ tham dự luôn ở trên mức 90%.
Bên cạnh đó, dù thanh khoản từ năm 2020 đến nay thường xuyên duy trì ở mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, số lượng cổ đông hầu như không có nhiều thay đổi. Tính đến ngày 22/5/2023, công ty có 437 cổ đông, chỉ tăng hơn 100 cổ đông so với trước thời điểm lên sàn HoSE năm 2019.
Tính đến cuối năm 2023, gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường trực tiếp sở hữu 47,45% vốn của Kosy, trong khi pháp nhân liên quan là CTCP Đầu tư Leo Regulus cũng nắm giữ 11,64% vốn điều lệ công ty này. Tổng số cổ phần ông Cường cùng các bên liên quan nắm giữ là xấp xỉ 59%.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 4/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần 366 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận gộp tăng hơn gấp đôi lên gần 55 tỷ đồng. Với việc các chi phí không có nhiều biến động, công ty báo lãi sau thuế 4,4 tỷ đồng, tăng 110% so với quý 4/2022.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Kosy đạt 1.316 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 21 tỷ đồng, không có nhiều biến chuyển so với thực hiện của năm 2022 khi lần lượt giảm nhẹ 2% và 3,7%, tương ứng hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 18% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Tình hình kinh doanh của Kosy được duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Cụ thể, trong 5 năm gần nhất, Kosy chủ yếu báo lãi trong khoảng 20 – 22 tỷ đồng. Kể từ khi lên sàn vào năm 2017, chỉ có duy nhất một năm lợi nhuận sau thuế của Kosy vượt ngưỡng 30 tỷ đồng vào 2018 (45 tỷ đồng), trước thềm đưa cổ phiếu lên sàn HoSE.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận