Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Phải coi trái phiếu doanh nghiệp là công cụ huy động vốn hữu hiệu để phát triển kinh tế từ đó có định hướng cụ thể nhằm phát triển thị trường này
Liên quan đến vụ việc 9 lô trái phiếu của các công ty thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, ngày 18-4, trao đổi với phóng viên, một nhà đầu tư tại Hà Nội (đề nghị giấu tên) cho biết mua trái phiếu của đơn vị phát hành là Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil hồi cuối tháng 3, với mức lãi suất 12%/năm, kỳ hạn đầu tư 12 tháng. Sau khi xảy ra vụ việc các lô trái phiếu bị hủy, nhà đầu tư rất lo lắng, không biết bao giờ được hoàn lại số tiền đã đầu tư.
Còn nhiều bất cập
"Phía Tân Hoàng Minh hứa sẽ tìm kiếm đối tác để kịp thời bán tài sản được phép, thu xếp nguồn tài chính nhằm sớm hoàn tiền cho khách hàng. Họ thông báo sẽ sớm đưa ra lộ trình thanh toán phù hợp, hoàn trả đầy đủ số tiền như đã cam kết nhưng chúng tôi vẫn lo lắng không biết khi nào lấy lại được số tiền tích góp hàng năm trời" - nhà đầu tư này cho biết.
Trong khi đó, để tránh lặp lại những vụ việc tương tự Tân Hoàng Minh, Bộ Tài chính cho biết đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bền vững. Đồng thời, bộ cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật DN vào thời gian tới. Nguyên nhân là do sau thời gian triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật DN và các nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.
Ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh việc rà soát lại các cơ chế chính sách liên quan là để sửa đổi phù hợp với tình hình thực tiễn. Qua đó, hướng tới lành mạnh, công khai, minh bạch thị trường chứng khoán và thị trường TPDN, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như thực hiện chủ trương chung của Chính phủ là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và giao dịch dân sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Sblaw, đánh giá dù thị trường TPDN đã có những bước tiến nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Luật sư Hà phân tích, hồ sơ phát hành trái phiếu yêu cầu DN phải trình bày mục đích phát hành trái phiếu. Trong đó, điều 5 và điều 13 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định, DN chỉ được phép phát hành trái phiếu cho 3 mục đích gồm để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; để tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính DN. Tuy nhiên, quy trình chào bán trái phiếu (tại điều 11) và phương án phát hành trái phiếu và thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án phát hành (điều 13) đang còn một số bất cập, thiếu vai trò giám sát của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Do đó, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP theo hướng quy định rõ ràng về mục đích phát hành trái phiếu, qua đó tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Trên thực tế, hiện pháp luật chưa quy định đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ phải có tài sản bảo đảm, xếp hạng tín nhiệm, dẫn đến tình trạng phổ biến loại hình trái phiếu không tài sản bảo đảm, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Thanh Hà kiến nghị cần bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu. Từ cơ sở xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư sẽ có thêm kênh thông tin để đánh giá rủi ro của trái phiếu. Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Bịt kẽ hở
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý không nên coi thị trường chứng khoán và cả trái phiếu DN là những thứ quá "mới mẻ" đối với Việt Nam. Thay vào đó, cần nỗ lực minh bạch hóa môi trường kinh doanh, đơn giản hóa nhưng cũng nghiêm minh hóa hành lang pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư, coi họ là nguồn lực quốc gia. Phải coi trái phiếu DN là công cụ huy động vốn hữu hiệu để phát triển kinh tế. "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn mà hành lang pháp lý cho các thị trường quan trọng này chưa đầy đủ. Đã có những "trục trặc hệ thống" chứ không đơn thuần chỉ là sai phạm của một số doanh nhân "lách luật". Khi quy định pháp luật sơ hở, sẽ có người lợi dụng để lách. Chính phủ cần nghiên cứu, phát hiện "kẽ hở luật" để siết lại, đồng bộ hóa thay vì chỉ tìm và trừng phạt những người lách luật" - PGS-TS Trần Đình Thiên nói.
Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường TPDN vào khoảng 16,6% GDP sau khi tăng trưởng nóng vài năm trở lại đây. Con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025 được nêu ra tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ vừa ban hành.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, Chính phủ đang đặt mục tiêu không chỉ phục hồi mà còn phải phát triển kinh tế sau đại dịch. Nếu thị trường trái phiếu không được bảo vệ, không được tiếp tục phát huy, DN sẽ cảm thấy có một kênh tiếp cận vốn vừa mở ra lại sắp bị đóng lại, mất một kênh huy động vốn lớn sẽ là thiệt hại cho nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng để thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững trong dài hạn, cần phải có sàn giao dịch TPDN; khi đó, trái phiếu cũng được xếp hạng và lên sàn theo tiêu chuẩn cụ thể như cổ phiếu trên sàn HNX, HSX hay UpCoM… Còn hiện nay, thị trường này mới chỉ dừng lại ở việc DN phát hành trái phiếu để huy động vốn rồi hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư - như một công cụ vay nợ, chứ không phải thị trường TPDN giao dịch với thanh khoản tốt. "Nếu phát triển đúng nghĩa, cần xây dựng TPDN là sản phẩm của thị trường vốn dù đặc thù có tính trung dài hạn. Như thị trường New York (Mỹ), lượng trái phiếu lưu hành gấp nhiều lần cổ phiếu và hằng ngày vẫn có tính thanh khoản rất cao khi được mua bán, giao dịch, thay vì phần lớn chỉ phát hành một lần từ DN tới nhà đầu tư như hiện nay là rất rủi ro" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân lại mua TPDN theo lời giới thiệu của những nhân viên tư vấn để hưởng lãi suất cao, thay vì tìm hiểu rõ về DN phát hành, về dự án, mục đích phát hành và hiệu quả sử dụng vốn sau khi huy động của DN. Kết quả là, TPDN dù đã có quy định rõ ràng về việc dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư cá nhân tin tưởng lời quảng cáo, mua rồi "lãnh đạn". "Dứt khoát không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân mua TPDN mà chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các định chế, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại… mới tham gia. Với nhà đầu tư cá nhân, nếu đầu tư vào kênh này có thể mua gián tiếp thông qua chứng chỉ của các quỹ mở, các quỹ đầu tư bởi họ có đội ngũ chuyên gia, tư vấn chuyên nghiệp, lường hết được các rủi ro" - TS Đinh Thế Hiển nói.
"Để kiểm soát dòng vốn ra vào của DN sau khi huy động trái phiếu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng cần bắt buộc dòng tiền huy động từ kênh này phải có sự kiểm soát qua hệ thống ngân hàng để minh bạch, lành mạnh.
Cần có khung pháp lý minh bạch, cụ thể
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, bền vững, cần thiết phải bổ sung khung pháp lý thật sự minh bạch, cụ thể, trước hết là pháp lý liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu và cam kết thực hiện thỏa thuận phát hành cùng với quy chế giám sát thực hiện. "Do hiện nay khung pháp lý còn lỏng lẻo dễ dẫn đến hiện tượng một số DN phát hành trái phiếu rồi sử dụng nguồn tiền huy động được vào việc khác, trái với cam kết ban đầu, điển hình là vụ Tân Hoàng Minh. Chỉ khi bịt được lỗ hổng pháp lý thì DN phát hành trái phiếu mới đi vào quỹ đạo và phát triển ổn định, bền vững; nhà đầu tư cũng an tâm hơn khi bỏ tiền vào kênh TPDN" - TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Ngoài ra, TS Doanh còn cho rằng khung pháp lý cho hoạt động phát hành trái phiếu của DN cần đề cao khâu tư vấn, đưa tư vấn thành một hoạt động chuyên nghiệp, được cấp phép. Đồng thời chú trọng hơn nữa lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm theo hướng thành lập, cấp phép cho những tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm bài bản, khách quan, minh bạch. "Việc tư vấn và xếp hạng tín nhiệm nếu được thực hiện hiệu quả sẽ giảm tâm lý "bầy đàn" trên thị trường, tránh tình trạng nhà đầu tư mắc bẫy DN phát hành trái phiếu "ma", mua đi bán lại trái quy định trên thị trường thứ cấp hay vướng vào những cơn sốt ảo" - TS Doanh chỉ rõ.
Cuối cùng, theo chuyên gia này, cần tăng cường trách nhiệm giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Cùng với đó, có chế tài xử phạt nghiêm minh những hành vi tiếp tay, "ngó lơ" cho DN làm trái quy định, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.
GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng muốn lành mạnh hóa thị trường TPDN cần phải có đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Nhưng cũng cần quy định về quy trình xếp hạng tín nhiệm thế nào, làm sao để bảo đảm minh bạch, công bằng cho cả DN phát hành và nhà đầu tư. Rút kinh nghiệm từ Trung Quốc, họ có 9 công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập nghiêm trọng dẫn đến vỡ nợ hàng loạt trên thị trường trái phiếu thời gian qua. Cụ thể là các công ty xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc đã mâu thuẫn lẫn nhau; phương pháp xếp hạng còn mù mờ, có cả hoạt động mua bán xếp hạng và sự câu kết, bắt tay với nhau. Nếu Việt Nam không kiểm soát được những vấn đề nói trên thì không chỉ thiệt hại cho nhà đầu tư mà còn gây ra lụy cho cả nền tài chính quốc gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận