24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Xuân Hòa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mê cung tài chính đẩy Evergrande vào “ngõ cụt”

Tập đoàn địa ốc khổng lồ Evergrande của Trung Quốc, sau nhiều năm nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực khác ngoài bất động sản, đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Đây là thông tin gây sốc cho giới đầu tư, người mua nhà và cả các thị trường chứng khoán. Trong mớ thông tin hỗn độn của Evergrande, các chuyên gia đã tìm ra cách thức mà tập đoàn này xoay sở để thao túng các thị trường vốn, thông qua những câu chuyện mà họ tạo ra.

Tạp chí Australian Financial Review mới đây đăng tải bài phân tích của nhóm phóng viên thuộc tờ Canxin của Hong Kong (Trung Quốc), trong đó nhận định một trong những câu chuyện nổi bật của Evergrande là "hình dáng" của tập đoàn này với tư cách là một nhà sản xuất ô tô năng lượng mới.

Giá trị thị trường của Tập đoàn Xe Năng lượng mới Evergrande (Evergrande Auto), hiện vẫn chưa bán được bất cứ một chiếc xe nào, từng tăng vọt lên mức 674,1 tỷ HKD (tương đương 86,59 tỷ USD), đưa Evergrane Auto trở thành doanh nghiệp ô tô niêm yết có giá trị cao nhất ở Trung Quốc, thậm chí còn có giá trị cao gấp đôi tập đoàn mẹ, bất kể Evergrande đã bán được những ngôi nhà trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ (NDT) trong suốt 20 năm qua.

Tuy nhiên, giờ đây, thời thế đã thay đổi. Evergrande Auto hiện chỉ được định giá khoảng 20 tỷ HKD, đạt khoảng 4% so với thời kỳ đỉnh cao. Theo một hồ sơ gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong, Evergrande Auto đã cấp 323,72 triệu quyền chọn mua cổ phiếu, trị giá 1,26 tỷ HKD, cho ba giám đốc và khoảng 3.180 nhân viên.

Những người hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện mà Evergrande đã tạo ra là các nhà sáng lập, tỷ phú Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) và bạn bè của ông. Ví dụ, một người trong vòng kết nối của ông đã mua 80 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Công nghiệp Y tế Evergrande (Evergrande Health Industry) - tiền thân của Evergrande Auto, trước khi doanh nghiệp này đổi tên để phù hợp với mục đích mới - với giá 30 xu HKD/cổ phiếu, rồi sau đó bán lại chúng với giá 50 HKD/cổ phiếu. Thông tin từ tờ Caixin của Hong Kong cho biết, thương vụ này giúp các nhà đầu tư thu về hơn 4 tỷ HKD.

Lấy động lực từ sự thành công của tỷ phú Hứa Gia Ấn, bạn bè và những người quen của ông cũng đã tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ của Evergrande Auto. Nhưng đáng tiếc, “vận may đã chấm dứt”, ông vẫn tiếp tục mua vào cổ phiếu của Evergrane Auto khi giá giảm, để cuối cùng buộc phải bán lỗ.

Theo nhận định của các chuyên gia, mục đích chính của Evergrande Auto là để huy động vốn cho tập đoàn mẹ. Evergrande tuyên bố họ đã đầu tư 47,4 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 7,33 tỷ USD, vào hoạt động kinh doanh sản xuất xe ô tô, song một số nhà phân tích tin rằng phần lớn giá trị của khoản đầu tư đó đến từ thị trường, không phải từ chính Evergrande.

Một nhà phân tích cho biết: “Evergrande Auto đã huy động được 30 tỷ NDT sau hai vòng chào bán cổ phiếu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp này chủ yếu sử dụng tiền của các nhà đầu tư - thay vì vốn tự có - để đầu tư kinh doanh và đã đạt được giá trị thị trường cao (cho một công ty ô tô). Kết quả là, nhờ cổ phiếu của Evergrande Auto ở mức giá cao, chúng có thể được sử dụng làm tài sản thế chấp, giúp huy động nhiều tiền hơn nữa”.

Cách thức xoay vòng vốn

Trong câu chuyện của Evergrande Auto, cốt truyện chủ yếu tập trung vào hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), chứ không phải là hoạt động sản xuất xe như thế nào. Vào tháng 8/2018, tập đoàn mẹ Evergrande đã mua một lượng lớn cổ phần của Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Quảng Thủy ở tỉnh Tân Cương với tổng giá trị 14,5 tỷ NDT, trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này.

Thỏa thuận đó góp phần đưa doanh số bán ô tô vào trong bảng kế toán tài chính của Evergrande Auto, vì Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Quảng Thủy là cổ đông trong Tập đoàn Dịch vụ Ô tô Xuất chúng (Grand Automotive Services Group) của Trung Quốc, một trong những đại lý ô tô lớn nhất trên cả nước.

Tuy nhiên, động thái này không dẫn đến bất cứ kết quả tích cực nào. Vào năm 2019, do thiếu tiền mặt, Evergrande đã bán cổ phần trong Tập đoàn Đầu tư Công nghiệp Quảng Thủy cho Tập đoàn năng lượng khổng lồ Shenergy, thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, với tổng giá trị 14,85 tỷ NDT.

Đến tháng 1/2019, tiền thân của Evergrande Auto, Tập đoàn Evergrande Health Industry, đã mua lại 51% cổ phần của Công ty Xe điện Quốc gia Thụy Điển (NEVS), với giá 830 triệu USD. Tỷ phú Hứa Gia Ấn đã rất nhanh chóng kết thúc thương vụ, có lẽ là vì ông cần một cơ sở để củng cố năng lực sản xuất ô tô của Evergrande Auto, sau khi quyết định hợp tác với doanh nhân “tai tiếng” Jia Yueting trong dự án xe điện Faraday Future không thành công.

Khi không có Faraday Future, ông Hứa Gia Ấn cần một thứ gì đó để đảm bảo cho Evergrande Auto giữ đúng bản chất là một nhà sản xuất ô tô và NEVS là ứng cử viên phù hợp. Bước đi này đã mang lại kết quả, sau khi thu mua cổ phần của NEVS, giá cổ phiếu của Evergrande Health Industry đã tăng vọt.

Giá cổ phiếu của Evergrande Health Industry tăng vọt một phần là do cổ phiếu của tập đoàn này tập trung trong tay của tương đối ít cổ đông. Ngày 9/8/2020, Evergrande Health Industry nhận được cảnh báo từ Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hong Kong (SFC) về sự chi phối tập trung trong sở hữu cổ phần.

Theo SFC, từ ngày 5/8/2020, một nhóm 18 cổ đông đã nắm giữ 19,83% cổ phiếu được phát hành của Evergrande Health Industry. Cùng với 74,99% cổ phiếu đã phát hành do công ty nắm giữ, toàn bộ số này chiếm tới 94,82% tổng số cổ phiếu đã phát hành của công ty. Chỉ 5,18% cổ phiếu đã phát hành của Evergrande Health Industry là do các chủ sở hữu khác nắm giữ.

Trong khi đó, thỏa thuận nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Fangchebao cũng cung cấp thêm bằng chứng về kỹ năng tài chính của Evergrande. Evergrande có 51% vốn sở hữu trong hơn 40.000 cửa hàng vật lý của Fangchebao, thông qua hoạt động hoán đổi cổ phần.

Bằng cách này, Evergrande không phải trả tiền mặt cho Fangchebao, mà đổi lại bằng những hứa hẹn về cơ hội phát hành cổ phiếu ra đại chúng. Kết quả là Evergrande thu về khối tài sản có giá trị, chỉ bằng một khoản đầu tư trị giá 1 tỷ NDT, để trang trải chi phí cải tạo các cửa hàng và tích hợp hệ thống. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản và tài sản ròng của Fangchebao lần lượt đạt 4,7 tỷ NDT và 3,1 tỷ NDT.
Ngày 29/3/2021, Fangchebao đã thu hút được 17 nhà đầu tư chiến lược và huy động được tổng cộng 16,35 tỷ HKD. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty sau khi thương vụ hoàn tất, đẩy mức định giá trước tài chính của Fangchebao tăng lên 163,5 tỷ HKD.

Thỏa thuận này cũng cho thấy một phần số tiền huy động được thông qua việc bán cổ phần hiện có và phần còn lại huy động bằng cách phát hành cổ phiếu mới. Fangchebao đã phát hành thêm 651 triệu cổ phiếu mới cho các nhà đầu tư, trong khi Evergrande có kế hoạch bán 651 triệu cổ phiếu hiện có cho các nhà đầu tư.
Bằng cách như vậy, Evergrande đã có thể đẩy giá trị thị trường của Fanchebao lên 163,5 tỷ HKD chỉ trong một năm và kiếm về 8,175 tỷ HKD từ việc bán cổ phần của Evergrande trong Fanchebao.

Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Evergrande có thể lôi kéo các nhà đầu tư mua cổ phiếu của Fangchebao?

Quá lớn để có thể vấp ngã

Một nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thương vụ giao dịch cổ phiếu của Evergrande cho biết, tập đoàn đã đưa ra lời hứa hẹn sẽ mua lại cổ phần Fanchebao. Người này nói: “Điều chúng tôi đánh giá cao là cơ chế điều chỉnh định giá của công ty. Nếu Fangchebao không được niêm yết trong vòng một năm, Evergrande sẽ mua lại số cổ phiếu của chúng tôi với mức phí bảo hiểm 15% so với giá thị trường hiện hành. Ít nhất, thông qua cơ chế này, chúng tôi có thể lấy lại tiền vốn của mình”.

Nhà đầu tư cũng chỉ ra rằng một công ty khác, dưới sự bảo trợ của Evergrande, là Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande, đã có thể niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán rất nhanh chóng. Minh chứng này khiến các nhà đầu tư tin tưởng rằng khả năng “bán và thu lợi cổ phiếu” của họ không còn xa.

Một số nhà đầu tư khác cũng tin tưởng rằng Evergrande có thể đẩy giá trị của Fangchebao lên cao hơn nữa. Người này nói: “Thông tin Fangchebao kinh doanh cả ô tô lẫn nhà ở chỉ đơn thuần là những gì mà họ vẽ ra. Nhưng chúng tôi tin rằng Evergrande sẽ không rơi vào rắc rối lớn trong một năm (và sẽ có thể hoàn vốn). Đó là lý do tại sao chúng tôi đầu tư.

Thực tế, Fangchebao là một công ty có chất lượng tương đối kém, kém hơn nhiều so với Tập đoàn Dịch vụ Bất động sản Evergrande. Trong trường hợp của Fangchebao, tốt hơn là doanh nghiệp không nên lên đại chúng. Sẽ càng rắc rối hơn vì sau khi niêm yết, nếu công ty hoạt động kém, thì toàn bộ thực tế sẽ được phơi bày trước công chúng”.
Trong khi đó, nhiều tổ chức đã mua cổ phiếu của Fangchebao vì họ tin rằng Evergrande "quá lớn để thất bại" - ít nhất là không phải trong một năm tiếp theo.

Một nhà đầu tư tổ chức cho biết: “Năm ngoái, khi Evergrande chuyển đổi khoản đầu tư chiến lược thành cổ phiếu phổ thông, giá trái phiếu của tập đoàn này đã giảm xuống. Lúc đó, chúng tôi suy đoán rằng Evergrande sẽ không bị phá sản, vì vậy, chúng tôi đã mua thêm và cuối cùng kiếm được rất nhiều tiền.

Điều này hoàn toàn khác với trường hợp của Công ty phát triển địa ốc Fortune Land Trung Quốc. Cách đây một thời gian, giá trái phiếu của công ty này cũng giảm đáng kể, nhưng chúng tôi không mua vào vì cảm thấy rằng Ping An (một cổ đông lớn của Fortune Land) sẽ không mua cổ phần để giúp giải cứu”.
Câu hỏi đặt ra là Evergrande đã phát triển theo xu hướng hay có mục đích lấy tiền mặt để bù đắp cho các khoản nợ chưa được công bố của Tập đoàn địa ốc Evergrande?

Một chuyên gia kỳ cựu trong ngành tài chính lý giải: “Về bản chất, Evergrande đã giảm tỷ lệ nợ trên bảng cân đối kế toán của mình trong hai hoạt động: sản xuất ô tô và Fangchebao. Nhờ được định giá cao, hai tài sản này có thể huy động được một lượng tiền lớn. Ý định cuối cùng của Evergrande là giành được nhiều đất hơn dưới chiêu bài sản xuất ô tô và sau đó sử dụng phần đất này để kiếm tiền”.

Với sự sụt giảm của giá nhà ở Trung Quốc và việc Bắc Kinh triển khai thực hiện chính sách ba ranh giới đỏ - quy định giới hạn 70% đối với tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản của một nhà phát triển, giới hạn 100% trên tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu và tiền mặt để trang trải các khoản vay ngắn hạn, “kỹ năng tài chính” siêu việt không còn là liều thuốc chữa bách bệnh cho chi phí hoạt động ngày càng tăng của Evergrande. Evergrande, từng là “gã khổng lồ” bất động sản hàng đầu của Trung Quốc, đang chìm trong nợ nần.

Tài sản cá nhân của ông Hứa Gia Ấn cũng đang biến đổi. Mới đây nhất, ngôi biệt thự trên đỉnh đồi nơi ông sinh sống tại Hong Kong (Trung Quốc) đã được chuyển giao quyền sở hữu mới.
Evergrande luôn tỏ ra hào phóng với các nhà đầu tư của tập đoàn. Từ năm 2011 đến năm 2020, doanh nghiệp này đã trả cổ tức hàng năm với tổng số tiền giải ngân vượt 114,2 tỷ NDT, tỷ lệ chi trả cổ tức được duy trì ở mức 50%, cao hơn nhiều so với các đại gia bất động sản khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, những khoản cổ tức hào phóng này được trả cho ai? Tính đến tháng 6/2021, ông Hứa Gia Ấn, vợ của ông và người thân của họ nắm giữ 76,7% trong số 13,248 tỷ cổ phiếu được giao dịch công khai của Evergrande. Nói cách khác, 53 tỷ NDT trong số 69 tỷ NDT mà Evergrande trả cổ tức, kể từ khi niêm yết, cuối cùng đã vào túi của ông và gia đình./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả