24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồng Ngọc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Mây đen suy thoái bao trùm kinh tế Mỹ, Phố Wall liên tiếp trượt dài

Cơn báo tháo trên Phố Wall kéo dài trong 3 phiên liên tiếp khi lo ngại về chiến dịch tăng lãi suất của Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái nặng nề.

"Nhạy cảm hơn" với số liệu kinh tế

"Cả năm qua, Fed (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - BTV) đã rất quyết đoán. Họ phải chống lạm phát, phải kéo giảm nó và để làm vậy, họ buộc phải siết chặt các điều kiện tài chính", ông Huw Roberts, Trưởng bộ phận phân tích của Quant Insight, bình luận trên đài CNBC.

Ông Roberts dự đoán, bước sang năm 2023 thị trường chứng khoán Mỹ sẽ trở nên "nhạy cảm hơn" với các số liệu kinh tế, thay vì các điều kiện tài chính như động thái tăng lãi suất của Fed.

"Càng ngày, câu chuyện chính của năm 2023 sẽ được phản ánh qua tình hình thực tế của nền kinh tế Mỹ. Nói cách khác, chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái nghiêm trọng đến mức nào, liệu Fed có thể đưa nền kinh tế hạ cánh mềm không? Hay chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái nặng nề và tồi tệ?", ông Roberts băn khoăn.

Chứng khoán Mỹ trượt sâu trong 3 phiên giao dịch gần đây sau khi số liệu mới công bố về doanh số bán lẻ tại thị trường này trong tháng 11 gây thất vọng vì đã giảm sâu hơn dự báo. Kết quả này làm dấy lên lo ngại rằng các động thái tăng lãi suất của Fed đã không ngừng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Nối gót hai ngày trượt dài trước đó, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tiếp tục mất thêm 281,76 điểm trong phiên giao dịch 16/12, tương đương 0,85%, xuống còn 32.920,46 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 để mất 1,11% và đóng cửa ở mức 3.852,36 điểm. Tương tự, chỉ số Nasdaq Composite trượt 0,97% xuống còn 10.705,41 điểm.

Trước đó, Dow Jones "bốc hơi" tới 764,13 điểm, tương đương 2,25% và đóng cửa ở mức 33.202,22 điểm trong phiên 15/12 sau khi hy vọng về một đợt phục hồi cuối năm đã tiêu tan. Kết quả giao dịch ngày 15/12 đã đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.

Cùng ngày, chỉ số S&P 500 tuột mất 2,49% còn 3.895,75 điểm, khiến mức giảm của chỉ số này trong nửa tháng 12 tăng lên khoảng 4,5%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite trượt sâu 3,23% xuống 10.810,53 điểm. Với kết quả này, Nasdaq Composite đã trượt dốc 31%, tính từ đầu năm đến nay.

Cơn bán tháo diễn ra trên diện rộng và chỉ có 14 mã trong rổ S&P 500 giữ được giao dịch trong vùng tích cực. Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm sâu trong ngày 15/12, trong đó cổ phiếu của Apple và Alphabet đều giảm hơn 4%, còn cổ phiếu của Amazon và Microsoft mất hơn 3%. Giá trị cổ phiếu của Netflix "bay hơi" 8,6% sau một báo cáo của Digiday cho biết nền tảng phát trực tuyến này đang đề nghị trả lại tiền cho các nhà quảng cáo sau khi không đạt chỉ tiêu về lượng người xem.

Giới phân tích cho rằng nguồn cơn báo tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ đến từ những lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư về nguy cơ suy thoái trước mắt sau những số liệu mới công bố gây thất vọng.

Đơn cử, doanh số bán lẻ sụt giảm trong tháng 11 được cho là minh chứng rõ nét cho việc lạm phát đang gây thiệt hại đến người tiêu dùng Mỹ. Cụ thể, doanh số bán lẻ trong tháng 11 đã giảm 0,6%, theo công bố của Bộ Thương mại. Đây là mức giảm cao gấp đôi so với ước giảm 0,3% của Dow Jones.

Thực chất, cơn bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện từ ngày 14/12 khi Fed tuyên bố tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Fed cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến năm 2023 và dự báo lãi suất cho vay liên bang sẽ cao hơn dự báo và dự kiến lập đỉnh là 5,1%. Với Fed tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày 14/12, lãi suất cơ bản của Mỹ hiện trong ngưỡng 4,25 - 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm qua.

Bà Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Công ty môi giới tài chính toàn cầu LPL Financial, nhận xét: "Phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy sự lo ngại trước nguy cơ suy thoái và bác bỏ khả năng 'hạ cánh mềm' mà ông Powell (Chủ tịch Fed - BTV) mới đây đề cập tại [Viện Kinh tế Brookings]".

"Cuộc giằng co giữa Fed và các thị trường đang hoàn toàn nghiêng về phía thị trường, sự chững lại đã không còn là ‘tạm thời’ và Fed sẽ buộc phải hành động trước năm 2024", bà Krosby nói thêm.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục là một thách thức đối với Fed khi tiếp tục sụt giảm do lo ngại Fed đang đi quá xa. Trong đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 3,5%.

Nhà đầu tư đang "bắt dao rơi"

Trên Sàn chứng khoán New York (NYSE), bóng ma suy thoái kinh tế cũng khiến các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro như cổ phiếu. Theo đó, đã có 2.449 mã cổ phiếu niêm yết trên NYSE trượt giá trong khi chỉ có 473 mã cổ phiếu tăng giá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng Mỹ "đỏ lửa" khi lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng. Đáng kể là cổ phiếu JPMorgan Chase đã giảm khoảng 2,5%.

Mặt khác, cổ phiếu của nhà sản xuất thuốc Novavax đã "bốc hơi" hơn 27% sau khi đề xuất bán ra số cổ phiếu phổ thông trị giá tới 125 triệu USD và chào bán các khoản nợ chuyển đổi trị giá 125 triệu USD.

Trong khi đó, cổ phiếu của "gã khổng lồ" truyền thông Warner Bros. Discovery đã giảm hơn 7% sau khi tập đoàn này thông báo tăng ước tính chi phí tái cơ cấu thêm 1 tỷ USD. Trước đó, hãng truyền thông Mỹ đã nỗ lực cắt giảm chi phí kể từ khi sáp nhập WarnerMedia của AT&T và Discovery vào đầu năm nay.

Đặc biệt, Disney đang đứng trước một năm tồi tệ nhất kể từ 1974. Theo ông Josh Brown, Giám đốc điều hành Công ty quản lý tài sản Ritholtz, việc cố gắng giao dịch cổ phiếu Disney giống như đang cố "bắt dao rơi".

Ông Brown cho rằng các nhà đầu tư dài hạn sẽ có lợi thế nếu cổ phiếu giảm xuống dưới mức giao dịch gần 89 hoặc 90 USD/cổ phiếu. Nhưng lúc này lại không phải là thời điểm thông minh để giao dịch bởi giá cổ phiếu Disney vẫn chưa ổn định khi vẫn chưa giảm xuống mức thấp một cách rõ rệt.

Trái lại, ông Bill Baruch, nhà sáng lập Blue Line Capital, cho biết cho rằng dòng tiền tự do của Disney sẽ tăng tốc, doanh thu sẽ được cải thiện. "Disney là thương hiệu đỉnh cao và sự trở lại của Iger (Giám đốc điều hành của Disney - BTV) cũng nằm trong câu chuyện đó", ông Baruch cho biết.

"Chúng tôi đã thấy câu chuyện đó đã xảy ra với JPMorgan và khiến nó trở thành lựa chọn hàng đầu vào năm 2023", nhà sáng lập Blue Line Capital kỳ vọng.

Tại phiên giao dịch 15/12, cổ phiếu Disney trượt giá hơn 3%, khiến nó trở thành mã có hiệu suất kém thứ hai trong rổ Dow Jones. Mức giảm này cũng khiến cổ phiếu Disney rớt giá tổng cộng 41,7% từ đầu năm đến nay - mức giảm lớn nhất trong một năm kể từ năm 1974 - thời kỳ mà giá trị cổ phiếu này "bốc hơi" tới 53,9%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
44,117.58 +247.23 (+0.56%)
18,936.20 -36.22 (-0.19%)
5,956.00 +7.30 (+0.12%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả