Masan Meatlife (MML) kỳ vọng lãi hơn 500 tỷ đồng, chào bán riêng lẻ tối đa 33,8 triệu cổ phần
Năm 2022, Masan Meatlife (UPCoM: MML) đặt mục tiêu lãi ròng đạt tối thiểu 500 tỷ đồng, tập trung vào mảng thịt chế biến và chào bán riêng lẻ tối đa 33,8 triệu cổ phần.
Theo tài liệu Đại hội, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất năm nay từ 5.000 tỷ đồng - 6.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 500 tỷ đồng - 670 tỷ đồng.
Masan Meatlife tham vọng trở thành doanh thu tỷ USD vào năm 2023 và hai năm sau đó sẽ nắm 10% thị phần thị trường đạm động vật trị giá 15 tỷ USD ở nội địa, đạt biên EBITDA trên 20% bằng việc đa dạng hóa danh mục thịt tươi và thịt chế biến.
Thị trường thịt lợn có giá trị hơn 10 tỷ USD, là mảng lớn nhất trong ngành F&B.
Với dân số hơn 100 triệu người, thu nhập bình quân liên tục cải thiện khiến nhu cầu tiêu thụ thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc tại Việt Nam tăng cao.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Masan Meatlife, đây là thị trường chưa được chuẩn hóa khi hơn 90% sản phẩm thịt lợn trên thị trường không có thương hiệu.
Doanh thu thuần và biên lợi nhuận gộp giai đoạn 2019- 2021 của Masan MeatLife.
Bên cạnh việc kinh doanh thịt tươi, doanh nghiệp này còn tham gia vào lĩnh vực thịt chế biến. Hiện, các sản phẩm thịt có giá trị gia tăng và thịt chế biến đóng góp dưới 1% vào thị trường thịt tại Việt Nam.
Từ năm nay, Masan Meatlife cho biết sẽ tập trung mở rộng danh mục sản phẩm với việc ra mắt các sản phẩm thịt chế biến từ thịt heo và thịt gà.
“Thịt chế biến sẽ là nhân tố chủ lực giúp thúc đẩy tăng trưởng, không chỉ về doanh thu mà còn về biên lợi nhuận hoạt động”, theo Báo cáo thường niên năm 2021 của Masan MeatLife.
Tính đến cuối năm 2021, Masan MeatLife có 9 công ty con và công ty liên kết.
Cũng tại Đại hội sắp tới, Masan MeatLife sẽ đưa ra tờ trình về phương án chào bán tối đa 33,8 triệu cổ phần (tương ứng 10% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho tối đa 99 nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Lượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong năm vừa qua, Masan MeatLife đã thông qua việc sử dụng phần vốn góp tại Công ty TNHH MNS Meat để bảo đảm cho các nghĩa vụ thanh toán của Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) do Anco phát hành trái phiếu doanh nghiệp 1.300 tỷ đồng.
Công ty này còn thông qua việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng mệnh giá tối đa hơn 7.283 tỷ đồng theo phương thức phát hành trái phiếu.
Masan MeatLife cũng tách mảng thức ăn chăn nuôi, theo đó, Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc và Anco sẽ trực tiếp bán, phân phối kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc.
Đồng thời, công ty nhận chuyển nhượng từ Anco gần 20,2 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản.
Tháng 11/2021 Masan MeatLife hoàn thành việc chuyển đổi chiến lược thành nền tảng kinh doanh hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bằng việc tách biệt mảng thức ăn chăn nuôi, chuyển toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho Công ty TNHH De Heus.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận